Hy vọng cho người bệnh ung thư từ phương pháp xạ trị mới

Thứ Hai, 18/12/2017, 13:44
Nếu được điều trị bằng phương pháp xạ trị proton và hạt nặng, người bệnh ung thư sẽ được kéo dài cuộc sống, giảm thời gian điều trị, ít bị tác dụng phụ và là phương pháp xạ trị duy nhất được ứng dụng trong nhi khoa.


Đây là nội dung quan trọng được đề cập tại hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị proton & hạt nặng trong điều trị ung thư” do Bộ Y tế, Bệnh viện K và Viện Ung thư Quốc gia tổ chức tại Hà Nội ngày 18-12 với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ Nhật Bản và Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị ung thư đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Do đó, cùng với nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phát hiện sớm và điều trị ung thư, phải áp dụng các trang thiết bị hiện đại, các phương pháp điều trị tiên tiến và nâng cao năng lực cán bộ y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường

Theo PGS.TS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm: phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ. Trong xạ trị, phương pháp xạ trị proton và hạt nặng là phương pháp hiện đại đã phổ biến ở nhiều nước, nhưng hiện khu vực Đông Nam Á vẫn chưa có nước nào được trang bị và áp dụng. 

Ưu điểm của phương pháp này là cho phép xạ trị những khối u kháng với xạ trị khác như xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc, áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa.

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia hội thảo

PGS.TS. Trần Văn Thuấn cho biết thêm: Thời gian điều trị cho một bệnh nhân bằng phương pháp này chỉ hết 10 phút và chỉ điều trị một lần, thay vì 4-5 tuần của việc xạ trị thông thường. Nhờ rút ngắn thời gian điều trị, phương pháp này đặc biệt quan trọng để giảm tải bệnh viện ở chuyên ngành ung thư vốn đang rất “nóng” trên cả nước.

Theo PGS. Thuấn, việc ứng dụng phương pháp điều trị mới rất quan trọng để người bệnh ung thư có thêm cơ hội sống. 

Trao đổi với PV Báo CAND bên lề hội thảo, TS.BS Tadashi Kamada cho biết: Xạ trị Proton đã được phổ biến ở Nhật Bản với khoảng 20 Trung tâm điều trị ung thư. Phương pháp này hiệu quả cao hơn xạ trị thông thường vì giảm ảnh hưởng đến các tổ chức lành trong cơ thể. Phương pháp này được áp dụng với các ca bệnh khó, ca bệnh đã di căn. Vì thế, Nhật Bản cũng như cá nhân TS. Tadashi Kamada sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam xây dựng Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng, để giảm gánh nặng cho người

GS.TS. Trần Văn Thuấn cũng cho biết: Bệnh viện K là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành nên đã xây dựng kế hoạch để trong vài năm tới sẽ có được hệ thống này với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Việc ứng dụng phương pháp mới trong điều trị ung thư sẽ làm tăng tỉ lệ chữa khỏi, giảm tải bệnh viện, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc triển khai kế hoạch này là 2 hệ thống này đắt, khoảng 150 triệu USD (chừng hơn 3.000 tỷ đồng), nên kinh phí phải tính từ nhiều nguồn: Chính phủ cấp và xã hội hóa. Do Việt Nam chưa có nên hiện cũng chưa tính được chi phí cụ thể, nhưng ở nước ngoài hiện là 20-30.000 USD/lần điều trị. Nếu Việt Nam triển khai, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều và hy vọng BHYT sẽ chi trả để giảm gánh nặng cho người bệnh.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi về kết quả hội thảo, đồng thời, bàn luận về việc sớm thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K.

Thanh Hằng
.
.
.