Hệ thống phản ứng nhanh đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện

Thứ Ba, 26/11/2019, 16:00
Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ việc gây mất an ninh, trật tự trong bệnh viện, mới đây nhất là trường hợp nữ điều dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh bị một người đàn người nhà bệnh nhân đánh vào mặt gây thương tích. Để xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp xảy ra, một hệ thống phản ứng nhanh đã được triển khai và mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.


Đó là việc triển khai hiệu quả hệ thống phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện, có tên là “Code Grey”. Thời gian qua, Bệnh viện nhân dân Gia Định đã chủ động, kịp thời ngăn chặn các nhóm người quá khích, có hành vi gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện.

Như vào lúc 20h54 ngày 28-4-2019, một bác sĩ công tác tại khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã kích hoạt “Code grey” với mức độ 3 khi phát hiện một nam thanh niên rút dao từ trong áo ra và lùng sục tìm người bên ngoài hành lang của khoa. 

Nhận được tín hiệu “Code grey”, ngay lập tức nhóm an ninh bệnh viện đã có mặt tại lầu 1 của bệnh viện, truy hô rượt đuổi đối tượng; một nhóm an ninh đang ở vị trí khác quan sát camera theo dõi liên tục hướng di chuyển của đối tượng và thông tin qua bộ đàm cho nhóm an ninh thực hiện nhiệm vụ biết và phân bổ lực lượng ngăn chặn.

 Ngay khi đối tượng tháo chạy xuống sảnh trước đã bị lực lượng công an đến hỗ trợ bắt giữ. Công an địa phương đến bệnh viện khi nhận được tín hiệu của bệnh viện qua Code grey. Vụ việc diễn ra khá nhanh trong vòng 10-15 phút.

Công an địa phương và bảo vệ BV nhanh chóng xử lý sự cố khi kích hoạt hệ thống

Theo lãnh đạo Bệnh viện nhân dân Gia Định, đặc điểm chính của hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện đó là khi kích hoạt “Code grey”, thì ngay lập tức các lực lượng được phân công nhiệm vụ từ bảo vệ đến các nhân viên chuyên trách an ninh, trật tự trong bệnh viện, cho đến sự chi viện và hỗ trợ kịp thời của Công an địa phương sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường và ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện.

 Hệ thống này có sự phân quyền của lãnh đạo cho tất cả nhân viên bệnh viện khi phát hiện dấu hiệu nguy cơ gây mất an ninh, trật tự trong bệnh viện đều có quyền kích hoạt hệ thống “Code grey”. Quy trình phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện cũng được phổ biến đến tất cả các khoa, phòng trong toàn bệnh viện. 

Kích hoạt “Code grey” bằng cách gọi điện thoại bàn với số “9” hoặc “333” đến tổng đài của bệnh viện và nói “báo động code grey mức độ 1, 2 hoặc 3 tại khoa….”. Nhân viên trực tổng đài bệnh viện khi nhận được cuộc gọi thì lập tức xác định loại thông tin khẩn cấp, xác định nhân viên chịu trách nhiệm giải quyết, sau đó chuyển thông tin qua nền tảng website đến tổng đài thuê bao bên ngoài, tại đây thông tin báo động khẩn cấp sẽ được chuyển đồng loạt đến tất cả các điện thoại di động của các cá nhân thuộc các bộ phận khác nhau trong bệnh viện được phân công chịu trách nhiệm giải quyết sự cố về an ninh, trật tự. 

Thông tin được thông báo đến các điện thoại di động bằng giọng đọc của máy “Có báo động code grey, mức độ 1, 2, 3 tại khoa…”. Toàn bộ quy trình xử lý thông tin chỉ diễn ra chưa đến 1 phút.

Đối tượng cầm dao gây rối trong BV

Hệ thống này còn có sự phân công và phối hợp hành động nhịp nhàng của đội an ninh, trật tự của bệnh viện khi nhận được tín hiệu báo động “Code grey”. Các nhân viên chuyên trách công tác an ninh, trật tự của bệnh viện khi nhận được thông báo từ tổng đài có trách nhiệm đến ngay hiện trường và thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự theo sự phân công trong kế hoạch đã được phổ biến trước đó. 
Bảo vệ BV thông báo có sự đối tượng gây rối trật tự trong BV

 Để có được hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện như trên, Bệnh viện nhân dân Gia Định đã ký hợp đồng với một công ty truyền thông, dựa trên nền tảng API service tích hợp tổng đài ảo tạo ra các file giọng nói với nhiều cách đọc khác nhau, gọi được nhiều số điện thoại cùng lúc. Chỉ mất 1-2 phút kể từ lúc tổng đài nhấn nút báo động Code grey là Ban giám đốc, trực lãnh đạo, nhóm trực an ninh sẽ nhận được cuộc gọi tự động được gửi đến điện thoại của từng cá nhân.

 Trong năm 2019, có 31 trường hợp gây rối trật tự (mức độ 1) được đội an ninh bệnh viện xử lý nhanh chóng và 2 trường hợp gây rối có nguy cơ đe dọa, hành hung, có sử dụng hung khí như dao nhọn (mức độ 3). Tất cả đều được xử lý nhanh gọn, hiệu quả, không gây tổn hại về con người và tài sản nhờ bệnh viện đã phát huy tốt tác dụng của “Code grey”.

Nhanh chóng bắt được đối tượng gây rối trật tự
 Tại Bệnh viện nhân dân Gia Định, ngoài Code grey, hệ thống “Auto Call” của bệnh viện còn có “Code blue” dành cho hỗ trợ khẩn cấp ngưng tim, ngưng thở, “Code red” dành cho hỗ trợ khẩn cấp cháy nổ và “Báo động đỏ” dành cho hỗ trợ khẩn cấp khi có bệnh nhân nguy kịch. 
Huyền Nga - Nguyễn Cảnh
.
.
.