Mua bán thuốc bằng công nghệ thông tin: Nhiều nhà thuốc không “mặn mà”

Thứ Bảy, 13/10/2018, 08:21
Sở Y tế Hải Phòng đã tổ chức triển khai thực hiện giai đoạn 1 Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” và đặt mục tiêu hết năm 2018 sẽ kết nối mạng cho 400 nhà thuốc, năm 2019 là hệ thống các quầy thuốc, đến năm 2020 là kết nối mạng tất cả các tủ thuốc.

Đây là chương trình thực hiện nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.

Không kết nối mạng, khó truy xuất nguồn gốc thuốc

Ông Nguyễn Tiến Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: 

“Việc triển khai đề án, kết nối các nhà thuốc là giải pháp hữu hiệu để góp phần kiểm soát việc bán thuốc theo đơn, vì phần mềm quản lý việc kê đơn chỉ cho phép những loại thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán. 

Việc này giúp vừa quản lý được chất lượng thuốc, tránh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, đồng thời kiểm soát được giá thuốc, quản lý được việc bán và dùng kháng sinh bừa bãi của cả người bán và người mua. 

Mặc dù phần lớn các nhà thuốc đã được tuyên truyền rõ mục đích của việc kết nối mạng giữa cơ sở với mạng quản lý dược quốc gia là cần thiết nhưng việc thực hiện tại Hải Phòng vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn…”.

Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng kiểm tra đột xuất tại một quầy thuốc trên địa bàn.

Theo thống kê của phòng chức năng Sở Y tế, trước khi thực hiện Đề án giai đoạn 2017 – 2020, tại Hải Phòng có hơn 71% số nhà thuốc có kết nối Internet, nhưng chỉ có gần 48% sử dụng phần mềm để quản lý việc kinh doanh thuốc của cơ sở. Sau khi tăng cường triển khai truyền thông cho cộng đồng, tỷ lệ nhà thuốc sử dụng phần mềm để quản lý mới nâng lên hơn 50%. 

Qua khảo sát trong 1.000 người bán thuốc thì chỉ có 20% số người đồng thuận với việc dừng bán kháng sinh không đơn và kiểm soát vấn đề này bằng việc kết nối mạng để quản lý. 

Từ tháng 8-2018, Sở Y tế đã phối hợp với Viettel Hải Phòng thực hiện cài đặt phần mềm cho 240 nhà thuốc và 40 công ty kinh doanh thuốc, liên thông dữ liệu hằng ngày về hệ thống dược quốc gia.

Nhiều cơ sở ký hợp đồng, được tập huấn sử dụng phần mềm quản lý xuất nhập, mua bán thuốc. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu thực hiện, nhiều nhà thuốc nêu một số khó khăn như thiếu thiết bị, chưa có nhân lực biết sử dụng phần mềm cập nhật máy tính thường xuyên; việc sử dụng phần mềm phải trả phí... Nhiều nhà thuốc còn cho rằng, việc kết nối trong lĩnh vực dược chưa có sự đồng bộ với các lĩnh vực khác như thuế, thanh tra, kiểm tra nên đã gây khó cho hoạt động chung... Phần lớn người kinh doanh và cơ sở kinh doanh thuốc không muốn bị kiểm soát, theo dõi và cho rằng dễ bị lộ các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh nên chưa mấy ai mặn mà với kết nối mạng.

Thuyết phục người dân mua thuốc theo đơn

Bà Nguyễn Thị Xuân, chủ quầy thuốc ở quận Lê Chân (một trong những quầy thuốc được Sở Y tế chọn thí điểm kết nối mạng với các cơ sở cung ứng thuốc) cho biết, khi kết nối mạng, những đơn thuốc của người bệnh sẽ được lưu tại quầy thuốc. Đồng thời nhà thuốc cũng thực hiện việc cập nhật danh mục thuốc và đơn thuốc của người bệnh vào phần mềm trên máy tính. Qua đó tránh được tình trạng người dân mượn đơn của người khác để đi mua thuốc. Tuy nhiên, việc thuyết phục người dân mua kháng sinh phải có đơn cũng rất khó khăn. 

Bà chia sẻ: “Chúng tôi đã kiên trì giải thích với người dân là nên đi khám bệnh trước để bác sĩ kê đơn rồi hãy mua thuốc... Nhưng mỗi lần yêu cầu họ xuất trình đơn thuốc là một lần quầy thuốc của tôi mất đi một khách hàng, vì trong khi đó nhiều quầy thuốc khác vẫn bán kháng sinh không cần đơn. Theo tôi, thực hiện việc bán thuốc theo đơn phải triển khai đồng loạt, triệt để. Như vậy cũng ngăn ngừa được việc người dân mua không đúng thuốc để chữa đúng bệnh và tránh lạm dụng thuốc, nhất là các loại thuốc kháng sinh, dẫn đến hậu quả xấu cho sức khỏe…”.

Để triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ và có hiệu quả đề án, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho hay: 

“Sở đang tích cực nắm bắt thông tin về các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để cùng nhà mạng và các cơ sở kinh doanh thuốc tháo gỡ... Đồng thời tăng cường việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc mua thuốc theo đơn, các nguy cơ kháng kháng sinh, tập huấn đào tạo cho bác sĩ kê đơn... 

Sở Y tế sẽ triển khai nhiều hình thức truyền thông đa dạng để các nhà thuốc hiểu đây là quy định bắt buộc về việc các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm và sẽ bị xử lý…”.

Ông Nguyễn Đình Trình, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng cũng cho biết: 

Hiện Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi, Bộ Y tế sẽ rà soát, bổ sung những hành vi vi phạm trong việc không chấp hành triển khai ứng dụng quản lý hoạt động mua bán thuốc bằng công nghệ thông tin, kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe. Ngoài xử phạt bằng tiền, còn bổ sung hình thức xử phạt như tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược. 

Ngay sau khi có nghị định sửa đổi, Sở Y tế Hải Phòng sẽ hướng dẫn kịp thời đến các nhà thuốc, quầy thuốc... Đồng thời tuyên truyền cho họ hiểu rằng, các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra, thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc ba năm/lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Quản lý thị trường... để họ thực hiện nghiêm các quy định của Luật Dược. 

Trong quá trình thực hiện đề án, ngành Y tế Hải Phòng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của đề án để rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời...

Văn Thịnh
.
.
.