Hạt ô môi “nằm” trong phế quản bé gái 3 tuổi suốt 2 tuần

Thứ Năm, 14/04/2016, 19:23
Chiều 14-4, sau 2 ngày được gắp dị vật là hạt ô môi ra khỏi cơ thể, tuy nhiên bé gái D.N.T.Vy (3 tuổi, ngụ tại xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, Cần Thơ), mới tạm gọi là thoát hiểm, và vẫn phải theo dõi sức khoẻ chặt chẽ sau tai nạn hạt Ô môi lọt vào đường thở.

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh khẳng định, đây là một ca hóc dị vật rất nặng mà các bác sĩ đã cấp cứu và nội soi thành công.

Bé nhập viện ngày 11-4 trong tình trạng ho nhiều, mặt sưng phình, tím tái, lưng và ngực cũng sưng phình to bất ngờ, đặc biệt khi áp tai nghe vào vùng lưng phát ra những tiếng kêu lép bép. Các kết quả chụp chiếu cho biết, bé có tình trạng tràn khí dưới da, tràn khí trung thất.

Hạt ô môi được ép làm nhỏ và lấy ra khỏi phế quản của bé gái D.N.T.Vy.

Kết quả chụp X Quang phổi, phát hiện một dị vật bít hoàn toàn phế quản bên phải. Tuy nhiên, trưa ngày 11-4, khi bác sĩ tiến hành nội soi nhằm lấy dị vật ra thì không được, do dị vật có đặc điểm là quá lớn và hình thể trơn láng.

Theo kết quả trên máy, hạt ô môi đo được 1,79cm. Nếu cứ tiếp tục gây mê, cố lấy dị vật ra lúc này sẽ nguy hiểm cho tính mạng của bé. Các bác sĩ quyết định dừng lại và tiến hành hồi sức cho bé.

Sáng 12-4, kết quả chụp Citi đã xác định chính xác vị trí hạt ô môi gây rách phế quản, ngay vị trí ngã 3 vùng phế quản, gây tràn khí qua da (nguyên nhân khiến mặt, ngực, của bé sưng phình to). Các bác sĩ dùng thiết bị nội soi “ép” cho hạt ô môi vỡ ra và gắp ra từng mảnh.

Hiện, sức khỏe của bé đã ổn định nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi trong khoảng vài tuần tới.

Cháu D.N.T.Vy được bác sĩ Nguyễn Thế Huy khám lại vào chiều 14-4.

Mẹ của bé là chị Nguyễn Hồng Đ (38 tuổi) cho biết, trước nhập viện Nhi Đồng 1 khoảng 2 tuần, trong khi bé ngồi chơi cùng chị gái, hai chị em thấy có hũ ngâm ô môi với rượu của ông ngoại (dùng để chữa bệnh đau nhức), đã lén lấy ra và ăn.

Cô chị gái ăn không sao, nhưng cô em ăn và bất ngờ bị sặc, hóc hạt ômôi. Thấy con tím tái và biết con lỡ nuốt hạt ô môi, chị Đ vội đưa bé đến BV huyện.

Tại đây, các bác sĩ khám rồi cho thuốc về uống. Về nhà suốt 2 tuần, tình trạng ho của bé ngày càng nặng. Đến ngày 10-4 mặt bé có biểu hiện sưng phù. Tình trạng sưng phù tăng nhanh một cách rõ rệt, ngực bé cũng sưng phù kì lạ, nên người nhà đưa bé đến BV Đa khoa Cần Thơ.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé hóc dị vật đường thở nên đã chuyển bé đến BV Nhi Đồng 1.

Huyền Nga
.
.
.