Hai trẻ em tử vong vì sốt xuất huyết: Điều trị tại nhà rất nguy hiểm

Chủ Nhật, 21/03/2021, 08:12
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nếu không được theo dõi điều trị, đặc biệt là từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh nhân lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm hơn như giảm tiểu cầu, xuất huyết, thoát dịch, cô đặc máu,suy đa tạng, nhiễm trùng máu và có thể dẫn tới tử vong.


Hai ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết đều là trẻ em từ 5-7 tuổi vừa xảy ra tại Phú Yên lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của căn bệnh này khi phụ huynh tự điều trị bệnh tại nhà cho con.

Sở Y tế tỉnh Phú Yên vừa thông tin về 2 ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn. Các nạn nhân đều là trẻ em từ 5-7 tuổi, một cháu ở thị xã Đông Hoà và một cháu huyện Sông Hinh, Phú Yên. 

Theo thông tin, cả hai cháu đều sốt ở nhà từ 3 đến 4 ngày, gia đình các cháu đều mua thuốc hạ sốt tự điều trị tại nhà. Khi  bệnh tình các cháu diễn biến nặng, cả hai gia đình mới đưa đến Trung tâm Y tếđể cấp cứu. Sau đó, các cháu được chuyển đến Bệnh viện Sản nhi Phú Yên. Khi tới đây, bệnh đã diễn biến rất nặng, các cháu bị "sốc" sốt xuất huyết và đều tử vong trước 48 giờ. Trong hai ca tử vong này có một cháu mắc bệnh nền là tan máu bẩm sinh.

Phụ huynh phải đưa con đến bệnh viện thăm khám, tránh tự điều trị tại nhà.

Phú Yên được biết đến là điểm “nóng” về sốt xuất huyết hằng năm. Theo số  liệu của Sở Y tế, đến đầu tháng 3/2021, Phú Yên ghi nhận 5 ổ dịch sốt xuất huyết với gần 200 ca mắc. So với cùng kỳ năm ngoái, ổ dịch và số người mắc sốt xuất huyết đều giảm nhưng ca tử vong thì lại tăng.

Những năm gần đây, sốt xuất huyết vẫn là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam và hằng năm ghi nhận nhiều ca tử vong do căn bệnh này gây ra. Trong số những ca tử vong vì sốt xuất huyết, có nhiều ca không đến viện mà tự điều trị tại nhà. Điển hình năm 2020 tại Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong do tự điều trị. 

Ca thứ nhất là nam thanh niên 17 tuổi, được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng mẹ làm hộ lý tại một bệnh viện của Hà Nội đã cho con truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị vì sợ nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Khi đưa đến Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, nam thanh niên đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

Trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân 57 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội mắc sốt xuất huyết tự mua thuốc điều trị tại nhà. Đến ngày thứ 5 bệnh tình diễn biến nặng, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai khi đã bắt đầu suy gan, suy thận và suy đa tạng. Bệnh nhân được chạy ECMO, tích cực lọc máu liên tục nhưng đã không qua khỏi. 

TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, theo chu kỳ, cứ 2-4 năm lại có đợt bệnh sốt xuất huyết nặng. Bệnh phụ thuộc vào muỗi do thời tiết. Chù kỳ sốt xuất huyết Dengue phát triển tháng 6 –7 đến tháng 11-12 ở miền Bắc, còn miền Nam diễn ra thường xuyên.

BS Thư cho biết, dấu hiệu sốt xuất huyết Dengue thời gian ủ bệnh 1-2 tuần, sau đó sốt cao, đau người, đau nhức hốc mắc, bắt đầu từ ngày thứ 5 trở đi bệnh nhân có dấu hiệu nặng, xuất huyết, cô đặc máu. “Những ngày đầu bệnh cảnh lâm sàng giống sốt virus, vì vậy lúc thăm khám bác sĩ phải sàng lọc bệnh nhân sốt xuất huyết để theo dõi cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo cô đặc máu phải cho bệnh nhân nhập viện điều trị, để tránh biến chứng tử vong”, BS Thư nhấn mạnh.

Theo BS Thư, nhiều người bị sốt xuất huyết nhưng không biết, bởi những ngày đầu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng giống với sốt virus thông thường, nên chủ quan ở nhà mua thuốc uống thuốc. Ngày thứ 5 trở đi bệnh nặng, lúc đó bệnh nhân không được xét nghiệm kịp thời, dẫn đến cô đặc máu, nguy cơ tử vong cao. “Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân những ngày đầu sốt phải đến bệnh viện để xét nghiệm sốt xuất huyết, có hướng điều trị nếu mắc bệnh. Diễn biến sốt xuất huyết rất nhanh, bệnh nhân có thể nặng và dẫn tới tử vong”, BS Thư cảnh báo. 

Theo Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, trong vòng 1-2 ngày đầu người bệnh phải đến thăm khám để sàng lọc sốt xuất huyết Dengue. Bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo và dấu hiệu nặng (tiểu cầu giảm, nôn nhiều, đau tai) cần phải nhập viện. Tại đây, bác sĩ theo dõi làm xét nghiệm công thức máu hằng ngày, khi có bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào sẽ kịp thời xử lý. “Tiểu cầu xuống dưới 100.000 phải cho bệnh nhân nhập viện, nhưng phải theo dõi sát, buổi sáng và buổi chiều tiểu cầu chênh lệch nhau nên không chỉ xét nghiệm ở nhà, phải có sự tư vấn cán bộ y tế”, BS Thư lưu ý thêm.

Để không mắc sốt xuất huyết, bác sĩ khuyến cáo người dân phải diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng, đi ngủ phải mắc màn. Đặc biệt, với trẻ em, phụ huynh cho con uống hạ sốt, thấy con vẫn chơi đùa bình thường. Khi bệnh đạt đến mức độ nặng thì dấu hiệu sốt sẽ không còn nữa nên phụ huynh cứ nghĩ con đã khỏi bệnh, tuy nhiên đây là thời điểm rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong. 

Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chú ý, khi thấy con mình sốt liên tục trong nhiều ngày kèm các biểu hiện của sốt xuất huyết thì nên đưa con đi thăm khám, xét nghiệm, tránh để những đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, với người mắc sốt xuất huyết rồi không được chủ quan vì vẫn mắc lại, thậm chí có trường hợp mắc sốt xuất huyết 2 lần chỉ cách nhau vài tháng. 

“Sốt xuất huyết Dangue có 4 tuýp, bệnh nhân có thể mắc lại 1 tuýp khác. Khi bị nhiễm lại lần thứ 2, cơ thể đã quen với con virus, bệnh nhân có thể có biểu hiện lâm sàng nặng hơn”, BS Thư cho biết.

Trần Hằng
.
.
.