Cảnh báo gia tăng bệnh sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 14/09/2020, 07:54
Ngày 12-9, Khoa Sốt xuất huyết (SXH) của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện khoa đang điều trị cho khoảng 60 bệnh nhi nằm nội trú, chưa kể số trẻ tới khám ngoại trú hàng ngày cho về theo dõi tại nhà. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, mỗi tuần, thành phố có từ 500-600 ca mắc SXH tới khám tại các BV.

Đặc biệt, đã có trường hợp người lớn tử vong trong năm nay so SXH vì không tới cơ sở Y tế ngay. Trong đó, SXH đã có ở cả trẻ em và người lớn, nhiều ca diễn tiến nặng.

Trao đổi với PV Báo CAND, các bác sỹ BV Nhi đồng 1 cho biết, nhiều trường hợp trẻ khi được cha mẹ đưa tới BV đã trong tình trạng khá nặng, dù bệnh SXH đã được truyền thông rất nhiều và được coi là bệnh phổ biến của cộng đồng. Như có trường hợp một nam bệnh nhi được cha mẹ đưa tới nhập viện khi đã sốt cao suốt 4 ngày tại nhà nhưng cha mẹ vẫn chỉ cho rằng con bị sốt cảm bình thường và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Khi vào viện đã ở ngày thứ 4 của SXH sau khi có xét nghiệm máu. Bé trai này được đưa vào khi đã trong tình trạng mê sảng. Rất may, khi cháu bé được đưa vào các bác sỹ đã kịp xử trí và bé đã qua cơn nguy kịch, hiện vẫn đang nằm theo dõi trong khoa.

Khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Trong tuần qua, các bác sỹ BV Nhi đồng thành phố cũng đã kịp thời cứu bệnh nhi 13 tuổi (ở Trà Vinh), nhập viện khi đã trong tình trạng sốc SXH Dengue nặng ngày thứ 4, tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa. Để cứu bệnh nhi này, các bác sỹ phải đặt nội khí quản thở máy xâm lấn kiểm soát áp lực. Theo đánh giá của các bác sỹ, bệnh nhi này cũng may mắn thở máy đúng thời điểm, dẫn lưu ổ bụng và đảm bảo tưới máu ổ bụng, cũng như điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu kịp thời, mới tránh được tình trạng sốc kéo dài dẫn đến suy đa cơ quan...

Điều đáng chú ý nhất trong dịch SXH năm nay tại TP Hồ Chí Minh đó là đã có trường hợp một nữ bệnh nhân (16 tuổi, ngụ quận 7) tử vong do mắc SXH. Bệnh nhân được gia đình đưa đến nhập viện tại Bệnh viện quận 4, sau đó diễn tiến bệnh chuyển biến xấu đi nhanh chóng nên được chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều trị vào ngày thứ 6 của bệnh. Nhận thấy không có khả năng cứu sống nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà để lo hậu sự. Đây là trường hợp tử vong do SXH đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh trong năm nay, là trường hợp người lớn.

Theo cảnh báo từ các bác sỹ, qua tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân 20 tuổi (ngụ quận 11, TP Hồ Chí Minh). Dù sốt cao liên tục 3 ngày nhưng bệnh nhân này chỉ đến tiệm thuốc gần nhà mua thuốc hạ sốt vì e ngại sợ dịch COVID-19 mà không dám tới BV khám. Tuy nhiên, sau vài ngày bệnh diễn tiến xấu, mới đến BV quận 11 khám. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng máu cô đặc rất nhiều do mắc SXH Dengue. Theo các bác sỹ, nếu bệnh nhân này mà tới BV trễ hơn là đã có thể rơi vào tình trạng nguy kịch, khó cứu.

Cũng theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân SXH có những biểu hiện dễ nhầm lẫn với người mắc virus SARS-CoV-2 nên cần khai thác yếu tố dịch tễ của người bệnh thật cẩn thận, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn. Đối với bệnh SXH có triệu chứng là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, có thể đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Khi có một trong những biểu hiện trên, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế ngay để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh, không tự truyền dịch tại nhà để phòng ngừa biến chứng dẫn đến tử vong.

Trao đổi với TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH của BV Nhi Đồng 1 cho biết, thời điểm hiện tại, trong khoa SXH của BV Nhi đồng 1 đang điều trị cho khoảng 50-60 bệnh nhi nội trú và ngoại trú. Mùa mưa đã chính thức tại khu vực TP Hồ Chí Minh, cơ hội thuận lợi để muỗi truyền bệnh sinh sôi, khiến dịch SXH sẽ thêm diễn biến phức tạp, phải đề phòng, nhất là những ca SXH có biến chứng nặng. Do đó, người dân không nên chủ quan với dịch bệnh, đặc biệt trong thời gian này, khi mà trong môi trường còn đang lưu hành thêm dịch bệnh như COVID-19, bạch hầu… nên tránh để dịch chồng dịch.

BS CK2 Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D - BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong hơn 2 tháng qua, khoa cũng tiếp nhận nhiều trường hợp nhưng lại đến khám trễ, do đó tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Riêng ghi nhận trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), từ đầu năm 2020 tới nay, số ca mắc SXH được tới khám tại TP Hồ Chí Minh tới gần 12.000 trường hợp, trong đó hơn 6.500 trường hợp phải nhập viện và hơn 5.500 trường hợp điều trị ngoại trú. Điều tra dịch tễ cũng cho biết, trong khu vực TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 40 ổ dịch SXH tại 13 quận, huyện trên địa bàn. Và theo cảnh báo từ HCDC dịch SXH tại TP Hồ Chí Minh năm nay sẽ xuất hiện trễ hơn so với những năm trước đó. Vì vậy, người dân cần hết sức chú ý và thực hiện các biện pháp phòng chống. Đặc biệt là môi trường sinh sống, làm việc, xung quanh nhà nên phát quang bụi rậm, phòng chống sinh lăng quăng, sinh muỗi.

Các chuyên gia y tế lưu ý, nếu nghi ngờ trẻ mắc SXH, phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến BV kịp thời. Cụ thể, nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có các biểu hiện: quấy khóc, bứt rứt, khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen... cần đưa ngay đến các cơ sở y tế thăm khám. Nếu để sang ngày thứ 4, thứ 5, bé có thể rơi vào sốc SXH sẽ nguy hiểm.

H.Nga
.
.
.