Nhiều người dân chưa hợp tác trong phòng chống sốt xuất huyết ở Hà Nội
Trước diễn biến dịch sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây, khi cả nước đã phát hiện hơn 42.000 trường hợp mắc, 13 trường hợp tử vong (tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016), Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống SXH tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, trong đó có Hà Nội.
- Cấp bách chặn dịch sốt xuất huyết đang gia tăng
- Dịch sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại các quận nội thành Hà Nội
- Dịch sốt xuất huyết gia tăng bất thường ở Hà Nội và TP. HCM
- Chủ quan phòng dịch sốt xuất huyết, là cơ hội cho lây lan Zika
- TPHCM xuất hiện nhiều vùng nguy cơ phát dịch sốt xuất huyết
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến ngày nay, Hà Nội đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp mắc SXH. Trong đó, trong đó có 1 trường hợp tử vong, còn lại, trên 92% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn hơn 200 bệnh nhân đang điều trị.
Bệnh nhân SXH xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 6, nhưng tăng mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, sớm hơn chu kỳ dịch hàng năm 3 tháng. Bệnh nhân có ở cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 304 xã, phường, thị trấn (chiếm 52% số xã, phường), nhưng chủ yếu ở các quận nội thành và các huyện Thanh Trì, Thường Tín (chiếm hơn 90% số bệnh nhân). Số người mắc SXH chủ yếu tại các quận: Đống Đa (758/1), Hoàng Mai (583), Hai Bà Trưng (206), Hà Đông (168), Thanh Trì (168), Ba Đình (147)…
Để đối phó với dịch SXH, ngành y tế Hà Nội đã chủ động kiểm soát nguồn truyền bệnh, vận động nhân dân phối hợp với ngành y tế diệt muỗi, diệt lăng quăng, loại bỏ các ổ đọng nước tự nhiên. Tuy vậy, Hà Nội là địa phương có muỗi Aedes –nguồn lây bệnh SXH - đã lưu hành nhiều năm nay, cộng thêm thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng lan rộng xen kẽ các đợt mưa, là điều kiện để muỗi truyền bệnh SXH phát triển.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH ở cơ sở |
Một vấn đề khiến công tác phòng, chống dịch SXH khó khăn là nhiều nơi, người dân chưa phối hợp với ngành y tế trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi khi không cho nhân viên y tế vào nhà phun thuốc diệt muỗi; một số nơi chính quyền chưa thực sự vào cuộc, còn chủ quan....
Trong khi đó, bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hơn nữa du lịch và giao lưu đi lại giữa các quốc gia có dịch với các địa phương trong cả nước rất lớn, nên nguy cơ dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017 nếu không có các biện pháp phòng chống.
Để chủ động công tác phòng chống sốt xuất huyết và phòng chống dịch bệnh mùa hè, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Thành Đoàn Hà Nội ra quân tăng cường phòng chống SXH: giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch; các dụng cụ chứa nước có bọ gậy được phát hiện gồm 14 loại dụng cụ, chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp; triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy từ 7-9-2017 và từ tháng 10 đến hết năm 2017; kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại công trường xây dựng chung cư cao cấp Hồng Kông Tower (phường Láng Thượng, quận Đống Đa).
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát; xử phạt các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.