Gia tăng bệnh nhân bị đột quỵ và bệnh truyền nhiễm

Thứ Năm, 25/04/2019, 07:28
Nắng nóng không chỉ kéo theo dịch bệnh, mà còn gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Bước vào hè, thời tiết miền Bắc và miền Trung đã đón đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu tiên lên tới 40 độ C ở nhiều địa phương. Nắng nóng không chỉ kéo theo dịch bệnh, mà còn gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bị đột quỵ vào nhập viện gia tăng (khoảng 20% so với trước).

Đột quỵ do làm việc liên tục dưới trời nắng nóng

Trao đổi với báo chí chiều 23-4, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, mỗi ngày Khoa tiếp nhận vài chục bệnh nhân đột quỵ vào điều trị (tăng khoảng 20%) khiến các bác sĩ làm việc liên tục từ sáng tới tối. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc do đột quỵ khi làm việc liên tục, căng thẳng dưới thời tiết nóng bức. 

Thời tiết nắng nóng là yếu tố dễ gây đột quỵ ở những người dễ có nguy cơ như mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, bệnh lý về máu, người hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, hội chứng chuyển hóa… Nếu không dự phòng tốt sẽ đẩy bệnh nhân vào nguy cơ đột quỵ.

Điển hình là trường hợp một thanh niên không có triệu chứng nguy cơ nào, đang đá bóng bị ngã và hôn mê, sau đó tử vong do phình mạch não. Theo bác sĩ, đá bóng và thời tiết không phải là nguyên nhân gây tử vong nhưng có thể là yếu tố tạo thuận lợi trên nền có bất thường mạch não. 

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam 68 tuổi (Xuân Hòa, Vĩnh Phúc), bị huyết áp cao nhưng không điều trị thường xuyên. Vài ngày trước do thời tiết nắng nóng, bệnh nhân đã bị đột quỵ, liệt 1/2 tay trái, phải chuyển đến cấp cứu tại BV Bạch Mai. Bệnh nhân được chẩn đoán tắc máu não, hôn mê. Sau 18 giờ điều trị lấy huyết khối cơ học, bệnh nhân đã tỉnh và rút ống nội khí quản. 

Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sốc nhiệt (say nắng, say nóng) vào cấp cứu. Anh Phạm Văn Hoài (Thái Bình) làm công nhân xây dựng, do phải thường xuyên làm việc ngoài trời vào thời gian nắng đỉnh điểm, anh đã bị rối loạn chuyển hóa gây ra sốc nhiệt phải vào viện cấp cứu. 

PGS.TS Nguyễn Văn Chi cũng cảnh báo thêm, những người tập luyện với cường độ mạnh trong thời tiết nắng nóng đều có nguy cơ nguy hiểm. Môi trường có nhiệt độ cao hơn cơ thể, sẽ dễ xảy ra nhiều biến cố sốc nhiệt, dễ rơi vào tình trạng hôn mê. Do vậy, những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. 

12h-16h là nhiệt độ cao nhất, do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Khi cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.

Phụ huynh phải hết sức phòng bệnh cho con trong ngày hè nắng nóng.

Hạn chế ra đường vào lúc 12h đến 16h

Có mặt ở Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chúng tôi gặp cảnh nhiều trẻ em bị sốt do viêm họng, viêm đường hô hấp, bệnh sởi vào khám. Chị Phạm Thị Minh (Ba Đình, Hà Nội) đưa con gái học lớp 5 tới khám, buồn bã cho biết: “Các xét nghiệm cho thấy con mắc sởi. 

Bác sĩ cho theo dõi tại nhà, cháu sắp thi học kỳ nên tôi khá lo lắng”. Ôm con nhỏ khóc ngằn ngặt do sốt cao, chị Phùng Thị Nhi (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mấy hôm thời tiết nóng, con ở trong điều hòa nhiều, đêm bố mẹ ngủ quên không chỉnh nhiệt độ điều hòa cao, con nhiễm lạnh gây viêm họng cấp.

Tại Bệnh viện Medlatec, có nam học sinh lớp 10 bị sốt cao 2 ngày tới khám. Qua xét nghiệm máu cho kết quả bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết. Bệnh nhân kể, ở trường học muỗi rất nhiều và không xác định được bị muỗi ở trường hay ở nhà đốt. 

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, những người đã mắc sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại, nhưng do đã từng mắc nên có kháng thể sốt xuất huyết đối với tuýp đã mắc, nhưng sốt xuất huyết có đến 4 tuýp. Do vậy, để phòng bệnh, người dân phải diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy tại nơi sinh sống để không sản sinh ra muỗi.

Nắng nóng kèm theo mưa là nguyên nhân gia tăng bệnh truyền nhiễm. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nếu trong tháng 3 và đầu tháng 4-2019, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội từ 70 đến 80 ca/tuần, thì riêng tuần vừa qua (từ ngày 15 đến 21-4) đã tăng vọt lên 123 ca. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 928 ca mắc sởi, tăng 15 lần so với cùng kỳ năm 2018. 

Không chỉ dừng lại đó, trong tuần vừa qua, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà… tăng nhẹ. Đến nay đã có 185 ca sốt xuất huyết (tăng 2,2 lần) và ho gà tăng hơn 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Đánh giá về tình hình thời tiết ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, các bệnh dịch dễ gia tăng và bùng phát trong mùa hè khi thời tiết nắng nóng, đặc biệt là dịch bệnh dễ lây lan thông qua môi trường, qua đường hô hấp…

Theo khuyến cáo của BS Đào Việt Phương, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, năm nào cũng có vài đợt cao điểm nắng nóng, người dân cần tránh ra ngoài đường vào thời gian cao điểm từ 12-16h. Những người phải lao động ngoài trời cần đảm bảo đủ nước, các phương tiện bảo hộ để giảm bớt tác động của nhiệt và tia tử ngoại. 

Nhiều người quan niệm mùa đông dễ xảy ra tăng huyết áp hơn mùa hè là sai lầm, vì mùa nào cũng phải kiểm soát huyết áp theo 3 yếu tố ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi, thuốc điều trị, nhằm đạt mục tiêu huyết áp ổn định. Thời tiết bất thường là những yếu tố thuận lợi gây ra nguy đột quỵ nếu người bệnh không tuân thủ. 

Những ngày nắng nóng, người có yếu tố nguy cơ, gia đình phải giúp bệnh nhân kiểm soát các yếu tố trên để phòng tránh đột quỵ. Đặc biệt, khi phát hiện người nhà có dấu hiệu đột quỵ thì cần lưu tâm “giờ vàng”, đến bệnh viện càng sớm càng có lợi. Không nên cố gắng cho người bệnh uống thuốc hay nước đều rất nguy hiểm vì gây nguy cơ sặc.

Trần Hằng
.
.
.