Gánh nặng từ bệnh ung thư ngày càng tăng: Ai sẽ chi trả?
- Nỗi lo ở xã có nhiều người chết vì bệnh ung thư1
- Nga tổng hợp hoạt chất mới có khả năng điều trị ung thư
- Hy vọng mới cho người ung thư đường tiêu hóa
- Ngô Thanh Vân, Văn Mai Hương và dàn sao Việt kêu gọi phòng chống ung thư
Theo PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) K, số ca ung thư ở nam giới nước ta có xu hướng tăng nhanh: từ 29,3% lên 35,1%/100.000 dân chỉ sau 10 năm, với 10 loại ung thư phổ biến là phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, tuyến tiền liệt, bàng quang v.v… Ở nữ giới, nhiều nhất là ung thư vú, đại tràng, cổ tử cung, nhưng những năm gần đây, ung thư cổ tử cung đã giảm, cho thấy phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến việc vệ sinh và khám bệnh để phát hiện sớm.
Đáng lưu ý là hầu hết bệnh nhân ung thư ở nước ta chỉ đến BV khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn, tới gần 90%, như ung thư gan, dạ dày, phế quản phổi, tuyến giáp v.v… nên chi phí điều trị càng tăng cao mà hiệu quả lại thấp, nhất là các loại thuốc chữa ung thư rất đắt.
Phẫu thuật cắt u ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. |
Theo GS.TS. Mai Trọng Khoa (Phó Giám đốc BV Bạch Mai) và PGS.TS. Bùi Diệu (Giám đốc BV K) thì bệnh nhân ung thư đã đến BV là phải chi phí rất tốn kém, có khi phải chi trả tới 100 triệu đồng ngay lần nhập viện đầu tiên. Trong khi sau 12 tháng, có tới 24% bệnh nhân tử vong, 31% bệnh nhân còn sống đều gặp khó khăn về kinh tế.
Những người tuổi cao, từ 65 tuổi trở lên, gia đình có thu nhập thấp, trình độ học vấn thấp và không có bảo hiểm y tế (BHYT) thì tác động của bệnh ung thư lên gia đình bệnh nhân càng lớn.
Vì thế, giải pháp nào để người bệnh ung thư được tiếp cận các loại thuốc mới nhất, khi việc điều trị vô cùng tốn kém, khiến nhiều gia đình khánh kiệt, là trăn trở của nhiều bác sĩ. Thực tế, nhiều gia đình đã phải “bỏ cuộc” vì không thể đủ tiền chạy chữa, khi có người phải sử dụng loại thuốc một triệu đồng/viên/ngày, mà sử dụng đến khi nào khỏi!
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), chi phí thuốc điều trị ung thư hằng năm chiếm khoảng 10% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT, có nơi tới 19% và vẫn tiếp tục gia tăng.
Hiện có 13 loại thuốc ung thư được BHYT thanh toán 50%, nhưng chi phí rất lớn như thuốc Glivec tới 500 triệu/năm, Cetuximab 85-90 triệu/năm, Sorafenib 118 triệu/tháng, Erlotinib 40 triệu/tháng v.v… Việc điều trị sẽ hiệu quả hơn khi bệnh nhân được tiếp cận với các thuốc mới, liệu pháp điều trị tiên tiến để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Nhưng nếu không được hỗ trợ thì người bệnh sẽ bỏ cuộc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Cũng như các GS. Mai Trọng Khoa, Bùi Diệu, Trần Văn Thuấn, TS. Phạm Xuân Dũng (BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, việc điều trị ung thư bằng liệu pháp nhắm trúng đích sẽ ít độc hơn, thông minh hơn, người bệnh sống lâu hơn, nhưng chi phí điều trị đắt. Hiện BHXH Việt Nam thanh toán một số thuốc điều trị ung thư nhắm đích là 40-50% và đã có hiệu quả đáng kể, khi kéo dài thời gian sống thêm gấp đôi so với trước, nên vai trò của BHYT với bệnh nhân ung thư là rất quan trọng.
Với những dẫn chứng ở chính BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, TS. Phạm Xuân Dũng đề nghị: Gánh nặng ung thư ở Việt Nam đang là một vấn đề quan trọng cho gia đình, xã hội và hệ thống y tế. Để bệnh nhân tiếp cận được các phương pháp chẩn đoán, điều trị tốt nhất, thì BHYT phải giữ vai trò chủ yếu để đảm bảo các quyền lợi của bệnh nhân với các khoản chi trả rõ ràng, dễ hiểu, thanh toán thuận lợi. Bên cạnh đó cũng cần các nguồn lực khác như các bảo hiểm, quỹ từ thiện, các tổ chức, cá nhân v.v…
Bà Tống Thị Song Hương chỉ ra rào cản hiện nay để người bệnh ung thư được hỗ trợ một phần chi phí, là Nghị định 68 quy định không được dùng thuốc chữa bệnh cho người, kể cả thuốc đã được phép lưu thông, để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc.
PGS.TS.Trần Văn Thuấn cũng cho biết, việc sàng lọc phát hiện ung thư vú là hơn 63/100.000 dân; ung thư cổ tử cung là 22,6/100.000 dân v.v… Do đó, việc sàng lọc để phát hiện sớm ung thư sẽ giúp tiết kiệm chi phí điều trị, hiệu quả điều trị cao hơn, song, việc này chưa được BHXH Việt Nam thanh toán.
Tuy nhiên, đại diện BHXH Việt Nam cũng nêu quan điểm: Có tới 50% cơ sở y tế điều trị ung thư tự chẩn đoán, tự điều trị nhưng sau một thời gian điều trị, xác định lại thì không phải là ung thư. Điều này khiến vừa rất tốn kém chi phí điều trị, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người bệnh. Vì thế, đề nghị Bộ Y tế cần ban hành quy trình chẩn đoán và qui định ai được quyền xác định bệnh ung thư, thì BHXH mới thanh toán, để việc chẩn đoán và điều trị ung thư được tốt hơn.
Các cơ sở y tế cần chỉ định sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế hiệu quả với chi phí hợp lý, tiết kiệm, để đảm bảo nguồn tài chính bền vững và quyền lợi cho bệnh nhân ung thư.
Bà Tống Thị Song Hương cho biết thêm, Bộ Y tế đang có các giải pháp thiết thực để hỗ trợ bệnh nhân ung thư như chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna, Tarceva, giúp người bệnh được hỗ trợ về tài chính, tiếp cận với thuốc.
Thực tế, 95% bệnh nhân sống thêm 5 năm với chất lượng cuộc sống tốt, làm việc bình thường. Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư đã huy động được hơn 19 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, các tổ chức và đã hỗ trợ được 1.356 bệnh nhân ung thư nghèo. Hiện Luật Dược cũng đang sửa theo hướng cho phép các công ty dược được triển khai các chương trình hỗ trợ bệnh nhân theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, với gánh nặng của căn bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân ung thư chỉ có thể nâng cao chất lượng và kéo dài cuộc sống khi có sự hỗ trợ từ các nguồn lực trong xã hội, vì với nhiều người bệnh, chi trả cho điều trị là quá sức nên chấp nhận bỏ điều trị.