Gần 70 nghìn người Hà Nội test nhanh COVID-19: 1 mẫu nghi ngờ đang chờ kết quả

Thứ Bảy, 01/08/2020, 20:10
Tính đến tối 1/8, Hà Nội đã xét nghiệm nhanh cho 69.696 người từ Đà Nẵng về, phát hiện 11 mẫu nghi ngờ, trong đó làm xét nghiệm bằng Realtime-PCR có 10 mẫu âm tính, 1 mẫu đang chờ kết quả. 

Trao đối với phóng viên Báo CAND vào tối 1/8, BS Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết: "Lúc đầu dự kiến xét nghiệm cả đợt cho khoảng 21.000 người từ Đà Nẵng về, nhưng ngày hôm qua (31/7), CDC Hà Nội đã phát đi 51.000 nghìn test nhanh và các quận, huyện đã sử dụng hết. Đến tối 1/8 đã có 69.696 người xét nghiệm nhanh, dự kiến ngày mai tăng lên khoảng 72.000- 73.000 người”. 

Theo ông Tuấn, từ ngày 30/7, các quận, huyện rốt ráo thống kê, thông báo người dân lần lượt tới các điểm lấy mẫu xét nghiệm nhanh, đảm bảo khoảng cách an toàn, không gây nhốn nháo tại các điểm xét nghiệm. So với dự kiến ban đầu, tổng số người đến xét nghiệm nhanh đã tăng hơn 3 lần. 

Người dân đến xét nghiệm nhanh tăng vọt (Ảnh:Trần Hằng)

Có mặt tại điểm xét nghiệm tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, phường Cống Vị, quận Ba Đình vào ngày 1/8, theo ghi nhận của chúng tôi, có cả người nước ngoài cũng tới test nhanh.

 Đại diện Trung tâm Y tế quận Ba Đình cho biết, tại 5 bàn xét nghiệm trong sáng 1/8 đã lấy 450 mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân trên địa bàn phường Vĩnh Phúc. 

Trước đó, người dân đăng ký với phường chỉ có 400, nhưng trên thực tế khi xét nghiệm lại tăng hơn. Tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.

Chiều 1/8 tại đây, xét nghiệm cho người dân phường Cống Vị đi Đà Nẵng về.  

Cũng theo vị đại diện Trung tâm Y tế quận Ba Đình, ngày hôm qua (31/7), tại điểm xét nghiệm đặt tại Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 760 người dân từ Đà Nẵng về của 4 phường: Kim Mã, Điện Biên, Ngọc Hà và Đội Cấn; kết quả không phát hiện trường hợp nào nghi ngờ dương tính. 

Đo thân nhiệt trước khi vào lấy mẫu xét nghiệm nhanh (Ảnh: Trần Hằng)

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, đến hết ngày 30/7, quận Hai Bà Trưng thống kê được gần 1.500 người khai báo y tế về từ Đà Nẵng. Tuy nhiên con số này có thể sẽ còn tăng lên khi người dân biết thông tin sẽ làm xét nghiệm nhanh miễn phí. 

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng, trong chiều 31/7, việc test nhanh COVID-19 sẽ được mở rộng tại 8 phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và đến sáng 1/8 làm ở 10 phường. Đội ngũ y tế thực hiện test nhanh đều đã được huấn luyện kỹ càng, đồng thời có sự hỗ trợ của tuyến trên xuống.

Theo CDC Hà Nội, việc xét nghiệm nhanh sẽ thực hiện ưu tiên với những trường hợp vừa từ Đà Nẵng trở về trong những ngày gần đây và hiện có điều kiện sức khỏe không tốt. Những người trở về từ trước đó sẽ lần lượt được xét nghiệm sau. Mỗi 1 ca test nhanh COVID-19 được thực hiện và cho kết quả trong khoảng 10-15 phút. Mẫu bệnh phẩm nào cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ lập tức được gửi lấy mẫu xét nghiệm PRC và cách ly bệnh nhân. 

Trong trường hợp âm tính, người được tiến hành xét nghiệm sẽ được trở về địa phương và cam kết tự cách ly ở nhà trong thời hạn 14 ngày.

Trước đó, trong hai ngày 29 đến 30/7, tại Hà Nội đã phát hiện 2 trường hợp mắc COVID-19, cả hai đều trở về từ Đà Nẵng cách đó ít ngày.

Dự kiến ngày mai (2/8), người đến xét nghiệm sẽ ít hơn (Ảnh: Trần Hằng)

 BS Khổng Minh Tuấn cho biết, qua 3 ngày xét nghiệm nhanh có 11 mẫu nghi ngờ, đã làm xét nghiệm PCR có 10 mẫu âm tính, 1 mẫu đang chờ kết quả.

Người dân không nên chủ quan khi có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính

BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Hà Nội đã và đang tiến hành làm xét nghiệm test nhanh cho những người từ Đà Nẵng trở về từ đầu tháng 7, tuy nhiên rất nhiều người đã hiểu chưa đúng về giá trị của xét nghiệm này, vì vậy người dân cần hiểu rõ hơn về giá trị của xét nghiệm này tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo giải thích của BS Khiêm, để phát hiện một người có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không hiện nay có 2 nhóm các xét nghiệm: Các xét nghiệm trực tiếp và các xét nghiệm gián tiếp. 

Xét nghiệm mà TP Hà Nội đang thực hiện là xét nghiệm gián tiếp, đây là các xét nghiệm nhằm tìm kiếm các dấu vết của virus để lại trong cơ thể nhiễm. Cụ thể trong trường hợp bệnh COVID-19 làm các xét nghiệm tìm kháng thể mà cơ thể sinh ra khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Có điều hết sức lưu ý là người nhiễm virus SARS-CoV-2 không phải ai cũng sinh ra kháng thể, và kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 (ví dụ một bài tổng hợp rất nhiều các nghiên cứu về COVID-19 cho thấy chỉ có 23% người nhiễm SARS-COV2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm, 58% người nhiễm 2 tuần mới có kháng thể; và 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể)

“Xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện rằng người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không. Ngược lại, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm, và không lây cho người khác - người bị nhiễm virus này ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể xét nghiệm này chắc chắn âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác”, BS Khiêm nói.

Theo BS Khiêm, việc làm xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể trong quần thể dân số nguy cơ có giá trị xác định tỷ lệ người từng nhiễm virus này, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp. 

“Như vậy, người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, BS Khiêm khuyến cáo.



Trần Hằng
.
.
.