Đón Tết trong bệnh viện –nỗi buồn nhân đôi

Thứ Ba, 31/01/2017, 16:34
Không ai muốn ăn Tết xa nhà, nhất là lại phải nằm viện. Thế nhưng, Tết nào cũng có những bệnh nhân phải đón giao thừa trên giường bệnh. Dĩ nhiên, song hành cùng họ những ngày này chính là các thầy thuốc…

Suốt những ngày Tết Đinh Dậu, các giường bệnh của Khoa Tim mạch –Lồng ngực (Bệnh viện (BV) Việt Đức) vẫn kín người. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh vừa tất bật với việc chăm sóc bệnh nhân, vừa cho biết, Tết này có khoảng 40 người phải đón giao thừa tại Khoa, đều là những người bị bệnh tim nặng phải nằm hồi sức cấp cứu hay những ca bệnh phức tạp.

Trên nệm ga trắng, gương mặt cháu Nguyễn Tấn Lộc (8 tuổi, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) càng xanh xám trong cơn hôn mê. 

Anh Nguyễn Văn Đức, bố cháu Lộc, ngồi thẫn thờ bên cạnh con. Anh cho biết cháu bị sốt nhiễm trùng máu chạy vào tim, phải vào BV Nhi Trung ương cấp cứu rồi chuyển qua BV Việt Đức. 

Do cháu bị hôn mê lâu nên phải chờ điều trị cho sức khỏe cháu tốt lên mới có thể phẫu thuật tim rồi điều trị não cho cháu. Chưa biết khi nào cháu tỉnh lại, chứ đừng nói chyện cháu bình phục. 

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh bên cháu Nguyễn Tấn Lộc

Vì thế, anh Đức vừa lo cho bệnh tật của bé Lộc, vừa buồn khi Tết này, gia đình anh mỗi người một nơi. Vợ anh một mình vừa lo cho mấy đứa trẻ ở nhà, vừa lo việc gia đình bộn bề. Cả nhà chẳng ai còn tâm trí nào mà nghĩ đến chuyện ăn Tết, chỉ mong sao bé Lộc tỉnh lại là đủ mừng.

Ở giường bên, bé Nguyễn Bảo Hân (Vĩnh Phúc) nằm thiếp đi trong tay bà ngoại. Đã 5 tháng tuổi mà bé vẫn còi cọc, chỉ nặng chừng 4,5 kg. Bà ngoại Bảo Hân cho biết, cháu bị bệnh tim bẩm sinh và khi được đưa đến Bệnh viện Việt Đức còn phát hiện ra cháu mắc thêm hai bệnh về tim nữa. 

Cháu đã được phẫu thuật gần 3 tuần và vừa mới được rời khỏi Phòng cấp cứu hồi sức, nên cháu phải “ăn Tết” trong BV. Bà ngoại cháu xúc động: Những ngày nằm viện, bé Bảo Hân đều được các bác sĩ quan tâm chu đáo và tận tình. Với gia đình bà, sức khỏe của cháu lúc này là quan trọng nhất, và chẳng còn lòng nào nghĩ tới chuyện Tết nhất.

Những ngày Tết, ở Khoa Cấp cứu của BV Việt Đức tấp nập hơn ngày thường rất nhiều. Các xe cứu thương vào ra liên tục và các nhân viên y tế phải làm việc hết công suất, chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân. 

TS. Lê Tư Hoàng - Phó Trưởng khoa Điều trị 1C, Trưởng tua trực, cho chúng tôi biết: Các bệnh nhân đã vào Khoa cấp cứu đều trong tình trạng nặng, nên phải “đón Tết” trên giường bệnh. 

Nhiều người bị đa chấn thương, hôn mê sâu, còn chẳng biết Tết là gì nữa. Bên giường bệnh đều là những gương mặt người thân lo âu, thấp thỏm …

Mẹ con chị Cầm Thị Tám

Nhưng những ngày cận Tết, đã thấy nhiều nhóm thiện nguyện đến tặng quà các bệnh nhân. Có đủ cả bánh kẹo, bánh trưng, quất, đào… với hy vọng tiếp thêm động lực cho họ chiến đấu với bệnh tật. 

Phút giao thừa, lãnh đạo BV, lãnh đạo các Khoa phòng còn đến chúc Tết và mừng tuổi cho các bệnh nhân, động viên họ yên tâm điều trị. Khi đã phải đón Tết trong BV, các bệnh nhân đều chẳng còn tâm trạng nào nữa, nên sự quan tâm về tinh thần lẫn vật chất của BV có ý nghĩa rất quan trọng.

Dự kiến, BV Bạch Mai chỉ có khoảng 500 bệnh nhân ở lại ăn Tết tại BV, nhưng cuối cùng vẫn có tới hơn 800 bệnh nhân phải ở lại điều trị do bệnh nặng. 

Ở Phòng Hồi sức của Khoa Nhi (BV Bạch Mai) đều là các bệnh nhân nặng phải ở lại. Có cháu bị động kinh lăn lộn vật vã, gào thét liên tục, nhiều bệnh nhi nằm thiếp đi vì đau đớn, mệt mỏi. 

Cô bé Lê Thị Oanh (14 tuổi, ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Yên Bái) nhăn nhó trong cơn đau vì bệnh viêm đa khớp có mủ hành hạ. Chị Cầm Thị Tám, mẹ cháu Oanh, buồn bã 2 mẹ con phải đón Tết trong BV trong tình trạng này. Trong khi chồng chị bị bệnh động kinh, rồi còn 2 đứa con nhỏ dại ở nhà. 

Có điều an ủi mẹ con chị là ngay khi cháu nhập viện, các nhân viên y tế đã biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên đã liên hệ với một tổ chức từ thiện để mẹ con chị được cung cấp các bữa ăn miễn phí. 

Chưa giao thừa đã có một số nơi đến mừng tuổi cho cháu. Chị xúc động: Tôi rất biết ơn các thầy thuốc, vì đã không chỉ chữa bệnh cho cháu, mà còn lo cho 2 mẹ con từng bữa ăn, lại còn mừng tuổi cho cháu, nên hai mẹ con cũng bớt buồn tủi…

Riêng khoa Thần kinh có tới hơn 100 bệnh nhân, hầu hết đều trong tình trạng bệnh nặng, phải điều trị dài ngày như: đột quỵ, u não, nhiễm khuẩn thần kinh vv… 

Theo GS. Lê Văn Thính, Trưởng Khoa Thần kinh, mỗi ngày Khoa tiếp nhận 20-30 bệnh nhân, có lúc tới hơn 50 người. Ngày Tết, số bệnh nhân nhập viện tăng hơn. Riêng ngày 30 Tết, Phòng cấp cứu của Khoa có gần 50 bệnh nhân trong trạng thái liệt nửa người, chảy máu trong não, nhồi máu trong não… nguy cơ tử vong khá cao nên cường độ làm việc của các thầy thuốc vô cùng vất vả.

Thanh Hằng
.
.
.