Ăn Tết trong bệnh viện do ngộ độc thức ăn và tự tử

Thứ Tư, 21/02/2007, 11:52
Trong dịp Tết, mỗi ngày, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm tiếp nhận 7-8 bệnh nhân, chủ yếu do ngộ độc thức ăn". Nhưng đau lòng hơn cả là số ca tự tử vì những lý do không đáng có.

Có mặt tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai vào dịp đầu năm, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc khá căng thẳng do bệnh nhân nhập viện quá tải.

Nhiều bệnh nhân ngộ độc thức ăn do thời tiết nắng nóng

Theo bác sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc: "Dịp Tết Đinh Hợi năm nay, số bệnh nhân có biểu hiện tăng hơn so với các dịp Tết trước. Mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận 7-8 bệnh nhân, chủ yếu do ngộ độc thức ăn".

Có lẽ do thời tiết Tết năm nay nắng nóng bất thường nên nhiều bệnh nhân bị ngộ độc do dùng thức ăn để qua đêm. Mùng 2 Tết, ông Võ Văn Huy ở Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội đã phải vào viện chỉ vì ăn mấy thìa chè kho. Chỉ 2 tiếng sau khi ăn, ông Huy đã nôn ói.

Do tuổi cao (70 tuổi) lại có tiền sử bệnh dạ dày, cơn đau khiến ông bất tỉnh và gia đình hốt hoảng đưa vào viện cấp cứu. Tuy hiện nay, ông đã qua cơn nguy kịch, nhưng con cháu bị một phen hú vía.

Kế bên giường bệnh của ông Huy, bà Trần Thị Mộng Hường, 63 tuổi, ở khu tập thể Đại học Thủy Lợi, Hà Nội cũng nhập viện trong tình trạng bất tỉnh do ăn thịt gà luộc để trong tủ lạnh. Kế bên nữa là một chị ngộ độc do ăn bánh chưng với thịt bò.

Có gia đình 4 người thì 3 người phải đón Tết ở Trung tâm chống độc vì ăn bánh chưng đặt hàng… Thời tiết nắng nóng cộng với thói quen dùng thức ăn dự trữ, ăn nhiều bữa trong ngày đã khiến nhiều người, nhất là người cao tuổi phải nhập viện.

Có thể do những cảnh báo về rượu giả từ trước Tết Đinh Hợi, lượng bệnh nhân ngộ độc rượu bia đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên Tết năm nay, Trung tâm chống độc vẫn tiếp nhận nạn nhân bị ngộ độc cồn do uống rượu Vốt ka giả.

Cảnh báo nạn tự tử trong dịp Tết

Trong những bệnh nhân vào Trung tâm chống độc trong dịp Tết này, đau lòng hơn cả là số ca tự tử vì những lý do không đáng có. Trên các bệnh án của năm mới, tên hai loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cực kỳ độc hại là Paraqat và Nereistoxin vẫn tiếp tục xuất hiện.

Theo bác sỹ Nguyễn Kim Sơn, Tết là dịp có nhiều thời gian rảnh rỗi nên nhiều cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Thậm chí, có gia đình "Ôsin" về quê ăn Tết, phải tự làm việc nhà cũng sinh ra lục đục.

Ngay trong ngày 30 Tết, Trung tâm chống độc đã tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu và 1 trường hợp ngộ độc thuốc ngủ. Trong đó, bệnh nhân nam ở Văn Giang, Hưng Yên uống thuốc trừ sâu Nereistoxin do cãi nhau với vợ về tiền mừng tuổi năm mới nên đã qua đời.

Cặp vợ chồng trẻ Mùi Văn Thảo (20 tuổi) và Mùi Thị Hường (18 tuổi) ở xã Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La mới cưới nhau được hai tháng.

Ngày mùng 3 Tết, sau khi đi xem múa xoè, ném còn về, hai vợ chồng nảy sinh cãi vã. Sẵn chai thuốc diệt cỏ Paraqat trong tủ, lại có chút men rượu trong người, anh Thảo cầm uống luôn. Chị vợ thấy vậy cũng cầm… uống theo. Khi cả hai vợ chồng đã bất tỉnh, người nhà mới phát hiện và đưa đi viện.

Đau lòng hơn, chị Hường vừa được phát hiện đã có thai. Tuy hiện nay, cả hai đã tỉnh, nhưng các bác sỹ chưa thể kết luận những ảnh hưởng và di chứng lâu dài đối với bản thân hai vợ chồng và thai nhi do ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraqat.

Công việc đầu năm của kíp trực gồm 2 bác sỹ và 2 y tá của Trung tâm chống độc thêm vất vả vì những bệnh nhân như Lê Trung Thành, trú tại Cửa Bắc, Hà Nội.

Tối mùng 2 Tết, bệnh nhân Thành được một nhà nghỉ đưa tới trong tình trạng hôn mê sâu do uống thuốc ngủ Gardenal. Từ hôm nhập viện tới nay, bệnh nhân Thành chỉ có một chị gái đến thăm và bỏ đi ngay. Theo các bác sỹ tìm hiểu, bệnh nhân Thành nghiện ma tuý và đã bỏ nhà đi lang thang.

Do bệnh nhân vẫn hôn mê và không có người nhà, nên các y tá và bác sỹ phải đảm nhận mọi khâu chăm sóc. Trung tâm chống độc hiện phải chịu chi phí điều trị khoảng 500.000 đồng/ngày của bệnh nhân Thành.

Rất mong qua Báo CAND, Công an phường Cửa Bắc sớm báo cho gia đình bệnh nhân Thành biết và chia sẻ trách nhiệm với Trung tâm chống độc

Thanh Loan
.
.
.