Đổi mới cơ chế tài chính, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả của cơ sở y tế công lập

Thứ Năm, 12/12/2019, 19:44
Đổi mới cơ chế tài chính, xây dựng và hoàn thiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị là vấn đề Bộ Y tế đang quan tâm thực hiện. Cả nước đã có 240 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên, xây dựng danh mục, định mức dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế dự phòng. Thời gian qua, giá dịch vụ khám, chữa bệnh đã từng bước tính đúng, tính đủ chi phí.


240 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính (Bộ Y tế), để thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số (thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP), theo hướng đổi mới cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế, trên cơ sở đó đổi mới phương thức quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.

Đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả của các cơ sở y tế công lập.

Theo ông Liên, phân loại đơn vị làm 4 nhóm: Nhóm 1, tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư;  nhóm 2, tự bảo đảm chi thường xuyên; nhóm 3, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; nhóm 4, đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

Số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng 160 cơ sở y tế tự chủ chi thường xuyên, chiếm 7,6% số đơn vị.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, đến nay, cả nước đã có 240 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên, xây dựng danh mục, định mức dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế dự phòng. Thời gian qua, giá dịch vụ khám, chữa bệnh đã từng bước tính đúng, tính đủ chi phí.

Ngoài ra, quy định ngân sách nhà nước bảo đảm đối với các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, trung tâm y tế huyện đa chức năng. Các đơn vị cung ứng được ít dịch vụ, thu không đủ chi thì vẫn tiếp tục được ngân sách nhà nước bảo đảm phần tiền lương còn thiếu, tiền lương tăng thêm do điều chỉnh chính sách tiền lương.

Để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài theo Nghị quyết TW 20, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Tuy thông tư này gặp phải nhiều ý kiến của dư luận, song theo lý giải của Bộ Y tế, phương pháp tính giá theo nguyên tắc được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư.

Nhằm đổi mới cơ chế tài chính, Bộ Y tế đang xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho y tế, phát triển y tế tư nhân, tạo điều kiện để các cơ sở y tế vay vốn, huy động vốn, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị.

Tiết kiệm chi ngân sách 3.000 tỷ mỗi năm

Bộ Y tế cũng cho biết, thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động gắn với cơ chế tự chủ, năm 2019 ngành Y tế có 29 đơn vị được giao quyền tự chủ (tăng 4 đơn vị so với năm 2018), giảm chi lương từ ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), từ năm 2016 Bộ Y tế đã thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế, mỗi năm giảm 1,6 đến 2%, đến năm 2021 đạt tỷ lệ giảm 10% biên chế hành chính so với năm 2015. Hằng năm, các đơn vị thuộc Bộ chỉ tuyển dụng 50% số biên chế công chức đã giảm.

Bộ Y tế cũng đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo Kế hoạch hành động số 07-KH/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế theo các Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành TW Đảng lần thứ 6 khóa II.

Theo đó, Bộ Y tế đã thu gọn đầu mối các Phòng thuộc Vụ, Cục, từ 94 đầu mối xuống còn 59 đầu mối (giảm 35 đầu mối); giảm khoảng 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.

Tại các địa phương đã thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Có khoảng 266/315 đơn vị đã sát nhập (53/63 tỉnh); vị trí lãnh đạo giảm khoảng 1.260, tương ứng giảm chi khoảng 90.720 tỷ/năm. Biên chế hành chính giảm khoảng 2.140 người, tương ứng giảm chi khoảng 154.080 tỷ/năm

Thực hiện cơ chế tự chủ kinh phí chi thường xuyên, có khoảng 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước; giảm chi khoảng 2.500 tỷ/năm. Việc tự chủ ở 51 tỉnh, thành phố đã giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 14.682 tỷ.

Đến nay, ngành Y tế đã thống nhất mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng, đã có 44 tỉnh (khoảng 475 huyện) sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế huyện. Vị trí lãnh đạo giảm khoảng 2.220 người, tương ứng giảm chi khoảng 159.840 tỷ/năm. Biên chế hành chính giảm khoảng 10.899 người, tương ứng giảm chi khoảng 910.966 tỷ/năm.

Ngành y tế đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính. Đẩy mạnh việc giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên cho các bệnh viện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.  Qua đó, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ/1 năm đối với tuyến Trung ương và gần 15.000 tỷ đối với hệ thống y tế địa phương.

Các cơ sở y tế khám chữa bệnh tự chủ nhằm giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Khoản kinh phí này sẽ giúp cho việc mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách. 

Minh Thư
.
.
.