Bạo hành y tế gia tăng: Luật pháp và đạo đức bị thách thức

Đi tìm nguyên nhân bạo hành thầy thuốc

Thứ Hai, 17/12/2018, 09:55
Nguyên nhân nào khiến nghề thầy thuốc càng ngày càng không được coi trọng với việc người nhà, bệnh nhân hành hung nhân viên y tế ngày càng gia tăng, là câu hỏi được đặt ra sau hàng loạt vụ bạo hành ở bệnh viện (BV).

Theo đại diện Vụ Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế), có một phần nguyên nhân từ phía cán bộ y tế, BV. Do tình trạng quá tải, người bệnh đông, phải xếp hàng, chờ đợi lâu. Trong khi đó, cũng có những cán bộ y tế tinh thần thái độ, lời ăn tiếng nói, phong cách, thái độ ứng xử với người bệnh chưa được người bệnh, người dân đồng thuận, gây những bức xúc cho người bệnh, người dân; thậm chí có cả những hành vi tiêu cực trong BV. 

Còn về phía xã hội thì nhiều người bệnh, người dân nhận thức chưa đúng, chưa cảm thông với điều kiện khó khăn của bệnh viện, không có thói quen xếp hàng, chờ đợi. Một số cá nhân lợi dụng đặc thù ngành Y tế, có những đòi hỏi quá mức, có hành vi ứng xử không đúng mực với cán bộ y tế.

Bác sĩ bị hành hung trọng thương trong khi đang làm nhiệm vụ.

Từ phía cơ quan Bộ Công an thì cho rằng, nguyên nhân trước hết là do sự thiếu thốn, hạn chế về các trang thiết bị an ninh bảo vệ tại các BV. Tại một số BV, lực lượng bảo vệ còn thiếu chuyên nghiệp, hành lang, khu vực cách ly giữa khu vực khám chữa bệnh, điều trị với khu vực người nhà bệnh nhân, khu vực bên ngoài còn chưa đảm bảo. Tại các bệnh viện lớn, với sự đầu tư cơ sở vật chất tốt về cơ bản đã được đảm bảo, nhưng tại các bệnh viện cấp cơ sở, việc kiểm soát người ra vào bệnh viện còn buông lỏng, lơ là. Nhiều BV không có camera theo dõi, người nhà vào thăm gặp không đeo thẻ hoặc ra vào tự do... 

Thái độ ứng xử với bệnh nhân, người nhà của một số bác sĩ chưa chuẩn mực, thậm chí còn nhũng nhiễu gây tâm lý bức xúc cho người nhà bệnh nhân. Đặc biệt bạo hành thường xảy ra tại các ca cấp cứu liên quan đến chấn thương, sinh đẻ. Trong các tình huống đó, các bác sĩ còn thiếu các kỹ năng về tâm lý, trấn an tinh thần cho người nhà, tạo nên tác động tiêu cực đến tinh thần, cảm xúc của bệnh nhân, người nhà trong giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng khiến họ phẫn nộ dẫn đến các hành vi quá khích như đập phá đồ đạc tài sản, đe dọa, chửi bới nhân viên BV, thậm chí hành hung y bác sĩ… 

Quy trình khám chữa bệnh tại một số BV chưa khoa học, gây phiền toái, mệt mỏi cho người nhà bệnh nhân, nhất là tại các BV có lưu lượng bệnh nhân lớn, thời gian chờ giải quyết lâu gây nên những tâm lý tiêu cực, cáu gắt, dễ nảy sinh các hành vi quá khích. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong và ngoài bệnh viện chưa được quản lý chặt chẽ, dịch vụ trong và ngoài bệnh viện móc nối với nhau gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ đối với bệnh nhân. Bản thân các cơ sở kinh doanh do mâu thuẫn trong quá trình kinh doanh cũng dẫn đến các hoạt động gây mất trật tự, ảnh hưởng đến an ninh bệnh viện.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc BV Đại họcY Hà Nội cho rằng, đây là vấn đề không chỉ của ngành Y mà là của toàn xã hội. Đó là do niềm tin của chúng ta đang dần bị mất đi, đó là niềm tin giữa con người với con người. Khi chúng ta không có niềm tin thì chúng ta sẽ mất đi sự tôn trọng. Chúng ta không thể đòi hỏi như cuộc sống trở về ngày xưa "Nhất tự vi sư, bán sự vi sư", mà cần tôn trọng quyền con người.

“Ngành Y của chúng tôi giờ đã thay đổi phương hướng, trước đây là chữa bệnh cứu người, ngày nay tôi khuyên nhân viên, học sinh của tôi là chúng ta làm nghĩa vụ, bổn phận của mình. Khách hàng chính là bệnh nhân của mình. Tôi cũng không mong mọi người coi chúng tôi là thần thánh, những người đến cứu chữa bệnh, hãy coi chúng tôi là những người đang thực hiện công việc của mình. Hãy để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ  của chúng tôi. Khi những người nhà bệnh nhân xúc phạm, đánh bác sĩ thì câu chuyện sẽ khác nếu ở trong xã hội thông thường. Khi chúng tôi đang mặc áo blouse chúng tôi không thể cởi áo ra để đánh nhau với người ta được. Do đó lúc nào chúng tôi cũng ở thế yếu so với các đối tượng manh động kia. Nếu cơ quan lập pháp hiểu ra điều đó sẽ có sự thông cảm hơn, sẽ ra những điều luật để bảo vệ cho những người yếu thế là những nhân viên y tế chúng tôi. Về mặt pháp luật, chúng tôi cần phải được bảo vệ như những người khác” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Quan tâm công tác an ninh bệnh viện để ngăn ngừa nạn bạo hành y tế

Để ngăn ngừa các vụ bạo hành y tế như thời gian qua, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cho các bệnh viện: Đó là tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh, an toàn người bệnh. Tích cực biểu dương các bệnh viện thực hiện tốt an ninh trật tự bệnh viện; chia sẻ kinh nghiệm giữa các bệnh viện.

Tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và Công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Xây dựng tiêu chuẩn về bảo đảm cơ sở hạ tầng bệnh viện để phòng ngừa mất an ninh, trật tự bệnh viện.

Bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh về trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bổ sung Luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ. Đặc biệt, cần xử lý thích đáng các vụ việc nổi cộm để hạn chế, răn đe các đối tượng quá khích trong bệnh viện.

PV

Thanh Hằng
.
.
.