Bạo hành y tế gia tăng: Luật pháp và đạo đức bị thách thức

Bài 1: Khi những người thầy thuốc bị hành hung

Chủ Nhật, 16/12/2018, 10:09
Những năm gần đây, nạn bạo hành y tế ngay tại bệnh viện (BV) đã trở nên nhức nhối. Chỉ trong tháng 4-2018, đã có tới 3 vụ nhân viên y tế bị hành hung trong khi đang cứu chữa người bệnh, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Tình trạng này không chỉ đe dọa tính mạng và sức khỏe người thầy thuốc, mà còn là sự thách thức lương tri, thách thức pháp luật vì nghề thầy thuốc là nghề cứu người.

Đầu tháng 4-2018, nữ bệnh nhân L.T.H.T (35 tuổi, trú tại phường Sông Cầu, Bắc Kạn) nhập viện. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa vào Khoa nội tổng hợp để các y, bác sĩ thăm khám. 

Tuy nhiên, trong khi các bác sĩ đang thăm khám, giải thích thì chồng của bệnh nhân chạy vào to tiếng lăng mạ, đánh bác sĩ Hoàng Thị Huế và điều dưỡng viên Hà Thị Hảo của khoa. Chỉ sau đó vài ngày, bác sĩ Vũ Hồng Chiến, Khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Xanh Pôn, Hà Nội) đã bị người nhà nạn nhân hành hung trong khi đang cấp cứu cho bệnh nhi lúc nửa đêm.

Vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn gây bức xúc dư luận.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các vụ việc chủ yếu xảy ra ở BV tuyến tỉnh, chiếm 60%, tiếp đến là BV tuyến Trung ương chiếm 20% số vụ việc. Các bệnh viện có tần suất xảy ra cao như: BV Đa khoa thành phố Cần Thơ xảy ra 3 vụ việc và BV Bạch Mai xảy ra 2 vụ việc. 

Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ, chiếm tới 70% và điều dưỡng chiếm 15% số vụ việc. 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên BV, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh. Đặc biệt, có những vụ việc đối tượng bị hại là người bệnh, người nhà người bệnh như vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV Đa khoa quận 7, TP. HCM; hay vụ việc người nhà bị đánh tại Bệnh viện ITO – Sài Gòn, năm 2016. 

Các vụ việc xảy ra liên tiếp và ngày càng gia tăng, cho thấy sự coi nhờn pháp luật lẫn đạo đức của thủ phạm. Một phần cũng cho thấy chế tài xử lý đối với những kẻ hành hung nhân viên y tế chưa đủ sức răn đe. Bởi thực tế, đã có nhiều vụ bác sĩ bị đánh, nhưng hầu hết là xử phạt hành chính, hoặc nhắc nhở, chỉ có một số vụ bị khởi tố. 

Số vụ được xử lý nghiêm chưa nhiều, đó là lý do khiến nhiều người coi thường luật pháp. Thực tế có thể thấy, các vụ việc giống nhau về hành vi, diễn biến, nhưng cách xử lý lại khác nhau. Vụ Trương Văn Thanh hành hung bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở BV Xanh Pôn (Hà Nội) đã bị Công an quận Ba Đình (Hà Nội) khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Vụ đối tượng Lê Hồng Nam đánh các bác sĩ ở BV Sản nhi Yên Bái chỉ vì nhân viên y tế không cho hắn nhìn vợ đẻ qua cửa sổ, cũng đã bị khởi tố và bắt giam. Vụ Cấn Ngọc Giang đánh trọng thương bác sĩ Lê Quang Dương ở BVĐK Thạch Thất (Hà Nội) khi đang cấp cứu cho con, cũng bị Tòa án xử 9 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích. Vụ Nguyễn Tiến Dũng (phường Tứ Kỳ, quận Hoàng Mai) hành hung bác sĩ của BV Bạch Mai vào rạng sáng 25-7-2014 cũng đã bị Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) tuyên phạt 16 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.

Song, riêng vụ việc một doanh nhân và cán bộ phường xông vào đánh bác sỹ và gây rối trật tự công cộng rất nghiêm trọng xảy ra tại BVĐK 115 Nghệ An vào tối 18-8-2017 khiến dư luận rất bức xúc đã không bị khởi tố, mà chỉ xử lý vi phạm hành chính. Điều này gây sự bất bình không chỉ của các thầy thuốc, mà còn khiến dư luận thắc mắc nguyên nhân nào dẫn đến việc xử phạt nương tay như vậy? Nhất là sẽ tạo tiền lệ để những vụ tấn công thầy thuốc tiếp tục xảy ra.

Trước những vụ tấn công thầy thuốc xảy ra liên tiếp, gây hoang mang trong dư luận, tháng 2-2018,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: "Các địa phương và các ngành chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm đến nhân phẩm, tính mạng nhân viên ngành y tế. 

Có hai việc tôi đặt ra. Một là phát động quần chúng lên án những hành vi làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bác sĩ và nhân viên y tế trong phạm vi quốc gia. Thứ hai tôi yêu cầu các cơ quan chức năng, nhất là ngành Công an, điều tra xử lý nghiêm những hành động gây thương tích cho cán bộ ngành y tế… Phải xử lý ở mức cao để răn đe, giáo dục những trường hợp gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng nhân viên y tế".

Khi vụ bác sĩ ở BV Xanh Pôn bị tấn công, Thủ tướng cũng tiếp tục yêu cầu sát sao việc xem xét khởi tố đúng pháp luật hành vi đánh bác sĩ trong BV, để có tính giáo dục cao. Điều này phần nào động viên tinh thần của các thầy thuốc để họ an tâm làm nhiệm vụ cứu người.

Thanh Hằng
.
.
.