Đẩy nhanh thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt

Chủ Nhật, 14/06/2020, 09:51
Lợi ích của thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt là an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian... Nhưng vì sao nhiều bệnh viện còn chưa “mặn mà”?

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) không dùng tiền mặt, đã có khoảng 78,6% bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế triển khai, nhưng nhiều BV lớn mới triển khai thí điểm một vài khoa, bộ phận; BV tuyến tỉnh, tuyến huyện triển khai còn thấp. 

Lợi ích của thanh toán chi phí KCB không dùng tiền mặt là an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, cải cách thủ tục hành chính, làm giảm tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh.

Nhưng vì sao nhiều bệnh viện còn chưa “mặn mà”?  Phóng viên Báo Công an nhân dân đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Trần Quý Tường.

PV: Thưa Cục trưởng, Nghị quyết số 02 ngày 1-1-2019 của Chính phủ yêu cầu trước tháng 12-2019 phải hoàn thành việc 100% BV trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu viện phí bằng hình thức không dùng tiền mặt. Nhưng đến nay tại nhiều BV, người dân vẫn phải “xếp hàng” chờ thanh toán. Vậy việc triển khai này đã thực hiện được đến đâu?

PGS.TS Trần Quý Tường:  Đến nay, 100% các BV đã triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý BV ở các mức độ khác nhau, một số BV đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; đạt 99,5% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Qua khảo sát của một số ngân hàng trong quá trình triển khai không dùng tiền mặt thanh toán chi phí KCB, đều đánh giá ngành Y tế ứng dụng rất tốt CNTT, đây là nền tảng để các BV có thể triển khai thuận lợi thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

Trước khi thực hiện Nghị quyết số 02 ngày 1-1-2019 của Chính phủ, đã có khoảng 30 BV trên cả nước triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt có BV lớn, triển khai rất tốt từ cách đây chục năm là BV  Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. 

Đến nay BV này đạt khoảng 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí qua thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Ngoài ra một số BV khác triển khai ở mức độ khác nhau. Ví dụ như BV Bạch Mai triển khai ở khu Khám bệnh theo yêu cầu; BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế còn triển khai nhỏ lẻ.

Sau khi Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 12 ngày 12-10-2019 về đẩy mạnh triển khai thanh toán KCB không dùng tiền mặt, đến tháng 6-2020, các BV trực thuộc Bộ Y tế đã triển khai thanh toán không tiền mặt chiếm tỷ lệ khoảng 78 %. Các BV đa số triển khai tại điểm thanh toán KCB dịch vụ, nơi có giao dịch với số lượng tiền lớn.

Tại các địa phương, theo báo cáo chưa đầy đủ, tỷ lệ cơ sở KCB triển khai thanh toán không tiền mặt chiếm khoảng 39%. Chủ yếu tập trung tại các BV tuyến tỉnh, thành phố thuộc tỉnh. Các cơ sở KCB tuyến huyện, đặc biệt vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ triển khai còn thấp vì đối tượng bệnh nhân chủ yếu KCB theo BHYT, giao dịch tiền mặt ít, nhu cầu triển khai thanh toán điện tử thấp hơn.

Ở Hà Nội, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ y tế công tại các đơn vị thuộc ngành y tế Hà Nội hiện ước khoảng 50% trong tổng doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Hiện tại có gần 30% các đơn vị đã phát triển dịch vụ thanh toán qua thẻ, trọng tâm là thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thẻ.

PV: Theo ông, với kết quả như trên, liệu có bị chậm so với Nghị Quyết số 02 của Chính phủ hay không?

PGS.TS Trần Quý Tường: Sau khi Bộ Y tế triển khai Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế vào tháng 10-2019, giám đốc các BV đã thấy tầm quan trọng và đã có quan tâm hơn. Chúng tôi đi kiểm tra một số BV thấy đã có kế hoạch triển khai, một số BV đã ký kết với ngân hàng, một số BV đã lắp trạm thanh toán. Tuy nhiên, tiến độ vẫn còn chậm. 

Theo Nghị quyết của Chính phủ, 100% các BV đô thị đến ngày 1-1-2020 phải triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng tới nay chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo tôi, mặt được lớn nhất là về cơ bản đã thay đổi nhận thức của lãnh đạo ngành y tế, lãnh đạo BV, lãnh đạo các cơ sở y tế về lợi ích của thanh toán chi phí KCB không dùng tiền mặt.

Mới đây nhất tại Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế hoàn thành trước ngày 1-7-2020 việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức không dùng tiền mặt. 

Đến nay, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 12 ngày 12-10-2019, đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt và yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai nội dung này; đã ban hành tài liệu hướng dẫn kết nối phần mềm quản lý BV với phần mềm thanh toán điện tử; có công văn đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai thanh toán chi phí dịch vụ KCB không dùng tiền mặt. Như vậy, Bộ Y tế đã hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ giao.

PV: Người bệnh được thụ hưởng lợi ích gì từ việc triển khai chủ trương trên, thưa ông?

PGS.TS Trần Quý Tường: Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong KCB tại các BV mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, đặc biệt giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, người bệnh bỏ hẳn khâu xếp hàng chờ nộp tiền. Mỗi bệnh nhân vào viện, thủ tục thanh toán ít nhất là 2 lần, một lần nộp tiền vào viện, một lần nộp tiền ra viện. Đó là với người bệnh nhẹ, còn người bệnh nặng nằm lâu, cứ vài ngày lại phải nộp tiền một lần… 

Những bệnh viện quá tải, thời gian xếp hàng chờ thanh toán có lúc lên tới 30 phút. Lợi ích của triển khai thanh toán điện tử làm rút ngắn thời gian vào viện, ra viện, không mất mát, rất tiện lợi. Người nhà có thể gửi tiền cho người bệnh bất cứ lúc nào, việc trả chi phí rất an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và công khai, minh bạch hơn thanh toán tiền mặt. Đặc biệt, người bệnh không phải trả chi phí giao dịch thanh toán điện tử.

Về phía các BV, lợi ích của việc triển khai này là không phải bố trí nhiều người thu tiền, không phải bố trí người tổng hợp thanh toán đếm tiền. Các BV như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, K, Chợ Rẫy, Trung ương Huế… không phải bố trí mỗi ngày 1 ô tô chở người nộp tiền vào ngân hàng; tiết kiệm được nhân lực, thời gian và bảo quản tiền, chưa kể việc thanh toán điện tử giúp phòng tránh lây nhiễm bệnh, như dịch COVID-19 vừa qua.

 Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế triển khai nhiều giải pháp như chuyển khoản, thanh toán qua thẻ, thanh toán qua mã QR code tĩnh, POS có kết nối với HIS, thanh toán qua ví điện tử …

PV: Thưa ông, vì sao việc triển khai cho đến nay còn chậm? Phải chăng đang có những rào cản khó tháo gỡ?

PGS.TS Trần Quý Tường: Khi triển khai đã gặp một số khó khăn. Thứ nhất về phía người dân không có tài khoản ngân hàng, không thành thạo thao tác trên thiết bị điện tử thông minh và chưa có thói quen, vẫn thích cầm tiền mặt hơn. Người dân còn thiếu niềm tin, tâm lý lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.

Đối với BV, khó khăn lớn nhất hiện nay là phí giao dịch. Việc thanh toán tiền viện phí qua ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian sẽ phải mất phí cho mỗi giao dịch. Theo quy định phí giao dịch là do bệnh viện phải chịu, người dân không chịu. 

Trước đây, phí là 0,8%, rất lớn, gần đây Bộ Y tế có đề nghị và ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại giảm xuống còn 0,4%, một số nơi sử dụng máy POS đã giảm xuống 0,3%, nhưng đối với một số BV lớn thì chi phí này vẫn còn cao, có thể lên tới hàng chục tỷ/năm. Mặt khác chi phí này chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện nên các đơn vị cũng gặp khó khăn trong việc chi trả. Do vậy, các chuyên gia đang tính toán là giảm thêm một chút nữa, chỉ 0,1-0,2%.

Khó khăn nữa là tại các BV công lập, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, phần lớn bệnh nhân đã được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nên tỷ lệ thanh toán viện phí trực tiếp so với tổng thu của các đơn vị rất thấp. Mặt khác các BV này không gặp phải tình trạng quá tải như một số BV tuyến Trung ương. Một số cơ sở trả lời đánh giá là “không cần thiết” triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Chẳng hạn như Kon Tum, hiện tại chưa có các tổ chức tín dụng, vì vậy công tác phối hợp để lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hoặc mã thanh toán QR Code hoặc phần mềm trên điện thoại di động…gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Hay ở Hà Tĩnh có 10/20 đơn vị có triển khai thanh toán không dùng tiền mặt nhưng chỉ có 2 đơn vị có giao dịch phát sinh với ngân hàng.

Rào cản nữa là hệ thống cơ sở vật chất tại nhiều đơn vị chưa thể áp dụng đồng bộ hóa dữ liệu để thanh toán, do đó khó có thể triển khai tự động hóa một số quy trình thanh toán viện phí. Trường hợp thanh toán cho bệnh nhân điều trị nội trú tạm ứng thừa, BV không thể chi trả số tiền thừa bằng tài khoản của BV mà phải dùng tiền mặt, đây là nguyên nhân khó khăn khi áp dụng hình thức thanh toán điện tử.

Khó khăn nữa là công nghệ thông tin ứng dụng rồi nhưng chưa toàn diện, chưa tổng thể, chưa minh bạch hết, cho nên một số BV không muốn quá minh bạch, dẫn tới việc triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra.

PV: Tới đây Bộ Y tế có những giải pháp nào để gỡ bỏ các rào cản, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết của Chính phủ đề ra không, thưa ông?

PGS.TS Trần Quý Tường: Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện tài liệu hướng dẫn về triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt tại các cơ sở KCB và xây dựng chính sách cơ cấu chi phí giao dịch thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt trong chi phí dịch vụ KCB. Giới thiệu mô hình điểm về triển khai thanh toán không tiền mặt tới các cơ sở KCB. Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có chính sách, cơ chế cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ đối với thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.

Các cơ sở KCB phải quán triệt chủ trương của Chính phủ về việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng như lợi ích của việc thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt tới toàn thể cán bộ, nhân viên của BV. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen dùng tiền mặt. Phối hợp với các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán được Nhà nước cấp phép triển khai các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện cũng như các đối tượng bệnh nhân khác nhau của đơn vị.

Tới đây, Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế phải chủ động phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp để thanh toán chi phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Còn các cơ sở y tế phải triển khai nhiều giải pháp để người dân dễ dàng và thuận lợi thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, như: Thanh toán bằng hình thức chuyển khoản: Công bố công khai số tài khoản, hướng dẫn nội dung chuyển tiền để người dân có thể chuyển tiền thanh toán chi phí dịch vụ y tế; Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. 

Đối với triển khai hình thức thanh toán thông qua QR Code, khi triển khai cần lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở TCVN 03:2018 của Ngân hàng Nhà nước ban hành và chuẩn cấu trúc thông tin QR Code y tế do Bộ Y tế quy định; Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.