Cứu sống sản phụ người dân tộc Chăm bị giảm tiểu cầu nguy kịch

Thứ Ba, 30/07/2019, 11:12

Ngày 30-7, Bệnh viện đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, các bác sĩ (BS) của BV vừa cứu sống sản phụ bị giảm tiểu cầu cực thấp, nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con.


 Theo đó, lúc 21h33’ ngày 28-7, sản phụ A Si Sảh (SN 1998, người dân tộc Chăm, ngụ xã Vĩnh Tường, huyện An Phú, tỉnh An Giang), được BV Sản Nhi An Giang chuyển đến BVĐKTƯ Cần Thơ trong tình trạng đau bụng nhiều, xuất huyết dưới da chân trái, tiểu cầu 4900/mm3 (giảm tiểu cầu cực nặng), chuyển dạ sinh khó, thai 38 tuần; trong thai kỳ sản phụ có đi khám thai nhưng không liên tục tại địa phương. 

Sau khi thăm khám, các BS nhận thấy sản phụ có bệnh lý đi kèm xuất huyết giảm tiểu cầu nghiêm trọng do miễn dịch. Xác định đây là trường hợp nặng nguy cơ xuất huyết cao, đe dọa tính mạng cả mẹ và con, các BS tiến hành truyền 5 đơn vị tiểu cầu, 2 đơn vị hồng cầu với mục tiêu đưa ngưỡng tiểu cẩu an toàn cho phép phẫu thuật. 

Hai mẹ con sản phụ A Si Sảh đang được chăm sóc tại BVĐKTƯ Cần Thơ. 

Tiên lượng đây là ca mổ khó, có nhiều biến chứng nguy hiểm, sản phụ được làm các xét nghiệm cơ bản, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nguồn máu… 

Đến 9h30 ngày 29-7, xét nghiệm số lượng tiểu cầu cho phép phẩu thuật an toàn… các BS quyết định mổ lấy thai cấp cứu. 

Sau 20 phút căng thẳng, ca mổ hành công, bé gái chào đời khỏe mạnh nặng 2.900g được đưa về phòng Sơ sinh chăm sóc. 

Sáng ngày 30-7, sản phụ tỉnh, sức khỏe ổn định, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không dấu xuất huyết mới. Xét nghiệm huyết học số lượng tiểu cẩu hồi phục tốt. Sản phụ được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Sản.

Theo BSCK2 Cao Văn Nhựt, Trưởng khoa Sản BVĐKTƯ Cần Thơ, nguy cơ xuất huyết nặng khi số lượng tiểu cầu dưới 50.000/mm3 (tiểu cầu bình thường từ 150.000-300.000/ mm3). 

Đây là trường hợp sản phụ mang thai có nguy cơ xuất huyết rất cao do lượng tiểu cầu lúc nhập viện chỉ đạt khoảng 5000/mm3. Tiên lượng rất nặng cho cả mẹ và con, nên chỉ định truyền tiểu cầu cấp cứu. 

“Sự thành công của ca phẫu thuật có nhiều yếu tố, như: sự chuyển viện kịp thời của tuyến dưới; sự phối hợp nhịp nhàng của BV truyền máu huyết học TP Cần Thơ trong cung cấp chế phẩm tiểu cầu; sự phối hợp kịp thời giữa các chuyên khoa và đặc biệt là lựa chọn thời điểm an toàn phẫu thuật”, BS Nhựt cho biết.

Văn Đức
.
.
.