Cúm mùa có thể gây tử vong ở người bệnh mạn tính

Thứ Hai, 25/06/2018, 19:42
Hiện nay, số người mắc cúm mùa ở các địa phương đang gia tăng. Số bị bệnh nặng phải nhập viện cũng có dấu hiệu nhiều hơn. Đáng lo ngại khi bệnh cúm dễ lây, đặc biệt là bệnh có thể diễn biến nặng nếu đang mắc các bệnh mạn tính khác. Đây là thông tin mới nhất được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra vào chiều 25-6.


Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các chủng cúm mùa đang lưu hành trên thế giới và Việt Nam chủ yếu là cúm A(H1N1), cúm A(H3N2) và cúm B. Người mắc bệnh cúm mùa có thể diễn biến nặng hoặc tử vong nếu đang mắc các bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kết quả giám sát cúm mùa từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ vừa qau cho thấy, trong hơn 67.928 mẫu xét nghiệm đã phát hiện 2.328 mẫu dương tính với cúm, trong đó có 69.4% (1616) là cúm A, còn lại là cúm B. Trong các týp cúm A chiếm phần lớn là phân týp cúm A(H1N1) với 75.1% (888), còn lại là cúm A(H3N2) chiếm 24.9% (295).

Đã có một số trẻ mắc cúm phải nhập viện


Dịch cúm A(H1N1) đang có sự gia tăng tại Peru, Guatemala, Brazil và Lào, Singapore. Tại Lào, tình trạng viêm đường hô hấp cấp tính nặng tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Còn ở Việt Nam, theo số liệu của hệ thống giám sát cúm quốc gia, trong các năm trước và những tháng đầu năm 2018, cúm A(H1N1) chiếm khoảng 20-50% trong số các chủng cúm mùa lưu hành tại Việt Nam, còn lại là cúm B và cúm A(H3N2).

Ông Phu cho biết, cúm A(H1N1) là một trong các chủng cúm mùa. Người mắc cúm A (H1N1) có biểu hiện giống như khi mắc các chủng cúm mùa khác, như  sốt cao, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, đau họng. 

Bệnh cúm A (H1N1) lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…)

Bệnh thường khỏi sau 1 tuần điều trị thông thường. Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp - thường ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…, người già, trẻ em và phụ nữ có thai - có thể diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.

Ông Phu lưu ý hiện đã có vaccine phòng bệnh cúm mùa A (H1N1). Vì thế, người dân có thể đến các cơ sở y tế dự phòng để tiêm vaccine, đồng thời thực hiện các khuyến cáo phòng bệnh của ngành y tế.

Nhằm giúp người dân ứng phó với dịch cúm đang gia tăng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi người chú ý phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế. Người nhà, người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh. 

Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. 

 Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.


Thanh Hằng
.
.
.