Công nghệ mới trong phẫu thuật “tổn thương đám rối thần kinh tay”

Thứ Ba, 24/05/2016, 14:15
Sử dụng keo dán sinh học để xử lý dây thần kinh thương tổn. Nhờ kỹ thuật mới này, ca phẫu thuật được rút ngắn thời gian chỉ còn 1,5 giờ.


Sáng 24/5, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho hay, Giáo sư người Pháp và cộng sự cùng các bác sĩ Nhi Đồng 1 đã thực hiện phẫu thuật giúp các trường bệnh nhi bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.

Đây là một căn bệnh rất cần được phát hiện và phẫu thuật kịp thời vì nếu không được can thiệp trong vòng 6 tháng tuổi, bệnh nhi mắc phải sẽ bị liệt cả đời.

GS -BS Alain Gilbert thăm khám lại cho bé trai 4 tháng tuổi sau 1 ngày được phẫu thuật.

Được biết, trong sáng 24/5, GS-BS Alain Gilbert và cộng sự đến từ Pháp cùng với ê kíp các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh (chuyên về vi phẫu) sẽ phẫu thuật giúp 3 bệnh nhi thoát liệt tay suốt đời do bị “tổn thương đám rối thần kinh cánh tay”.

Trước đó, ngày 23/5, với sự hỗ trợ của GS trên, BV Nhi Đồng 1 cũng đã phẫu thuật thành công cho 4 bệnh nhi đối mặt nguy cơ liệt tay cả đời vì thương tổn đám rối thần kinh cánh tay.

Đã có 10 bệnh nhi có dấu hiệu thương tổn đám rối thần kinh cánh tay được GS Alain Gilbert tham gia hội chẩn hôm 23/5, có 4 bệnh nhi buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ khi sinh ra đã bị dị tật liệt đám rối dây thần kinh tay.

Theo GS Alain Gilbert chia sẻ, cứ 4 trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay thì có 3 trẻ tự phục hồi, trẻ còn lại buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật mới có thể giúp trẻ trở lại trạng thái bình thường.

Đối với trường hợp thương tổn đám rối thần kinh cánh tay nặng nề cần can thiệp bằng phẫu thuật, GS Gilbert cũng nhấn mạnh phải hết sức kịp thời, cần được can thiệp, phẫu thuật trước 9 tháng tuổi vì nếu sau thời điểm này, can thiệp không còn ý nghĩa. Trẻ sẽ bị liệt cả đời.

Cũng theo GS Gilbert, phẫu thuật này là một loại kỹ thuật khó và cần bác sĩ phẫu thuật cần ít nhất có từ 5-10 năm kinh nghiệm. Khó ở chỗ phải tìm đúng dây thần kinh bị thương tổn trong “đám rối”, sau đó tiến hành khâu nối (mất khoảng 7 giờ/ca phẫu thuật).

Ngoài ra, kỹ thuật được GS Gilbert dùng trong phẫu thuật có sử dụng keo dán sinh học để xử lý dây thần kinh thương tổn. Nhờ kỹ thuật mới này, ca phẫu thuật được rút ngắn thời gian chỉ còn 1,5 giờ.

Loại keo này do GS Gilbert cùng các cộng sự “xách tay” từ Pháp sang. Với Việt Nam, GS cũng chia sẻ, hiện nước ta chưa nhập khẩu được loại keo sinh học này.

Huyền Nga
.
.
.