Còn nhiều lúng túng trong chi trả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thứ Năm, 11/05/2017, 07:57
Phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát được chi phí và nâng cao chất lượng KCB. Tuy nhiên, các phương thức chi trả BHYT ở nước ta còn nhiều bất cập.



Đó là lý do để Bộ Y tế và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo về xây dựng các phương thức chi trả dịch vụ y tế tại Hà Nội ngày 10-5, nhằm tiếp cận các phương thức hiệu quả nhất cho Việt Nam.

Với mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân thì phương thức chi trả là giải pháp quan trọng để mua dịch vụ y tế hợp lý, đảm bảo sự bền vững của quỹ. Hiện nay, thanh toán chi phí KCB BHYT được thực hiện theo 3 phương thức: Thanh toán theo định suất; thanh toán theo giá dịch vụ và thanh toán theo trường hợp bệnh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, đang có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương trong chi trả BHYT KCB ngoại trú, có nơi chi trả 60.000 đồng/lần khám, có nơi lại trả 200.000 đồng/lần khám. Điều này không tạo ra chất lượng và sự công bằng giữa các cơ sở y tế. Vì thế, mục tiêu của Bộ Y tế là xây dựng và đổi mới phương thức chi trả theo hướng khuyến khích nâng cao chất lượng và đảm bảo công bằng giữa các tuyến KCB.

Phương thức chi trả theo định suất đang được thực hiện ở Việt Nam với nhiều mô hình. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, các mô hình này còn nhiều điều không phù hợp thực tế.

Phương thức chi trả khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả sẽ đảm bảo công bằng cho người bệnh.

Nếu tính suất phí theo chi phí bình quân năm trước theo nhóm đối tượng BHYT ở tỉnh, thì đơn vị nào năng lực thấp hơn lại lợi hơn khi nhận quỹ và đơn vị nào năng lực cao lại bị giao quỹ thấp hơn, dẫn đến các cơ sở y tế sẽ chọn các thẻ nằm trong nhóm người ít bị bệnh, vì đơn vị nào có nhiều thẻ trong nhóm đối tượng có chi phí KCB cao thì không đủ quỹ, đơn vị nhiều thẻ thuộc nhóm ít khám và chi phí thấp sẽ thừa quỹ. Vì vậy, khi mới giao quỹ đã biết ngay là thừa hoặc thiếu quỹ.

Còn mô hình tính suất theo chi phí bình quân năm trước của thẻ BHYT theo tuyến chuyên môn kỹ thuật thì dù có ưu điểm là không chênh lệch nhiều giữa các cơ sở cùng tuyến, nhưng đơn vị nào có nhiều thẻ trong nhóm nhiều người KCB và chi phí KCB cao thì không đủ quỹ và ngược lại.

Mô hình định suất áp dụng năm 2015 lại gây ra tình trạng tỉnh nào năm trước đã bị âm quỹ thì năm sau càng âm, tỉnh nào đã thừa quỹ thì năm sau lại thừa nhiều hơn, có đơn vị kết dư quá lớn, dẫn đến không công bằng, không tạo cơ chế cho việc tăng năng lực, trình độ và áp dụng dịch vụ mới ở các cơ sở y tế. Đơn vị nào càng ít hoạt động càng có kết dư lớn. Không thực hiện đúng nguyên tắc kết dư thì được hưởng, còn bội chi thì phải tự cân đối, nên không khuyến khích việc chi phí tiết kiệm, hiệu quả, mà còn tạo cơ chế cho việc chỉ định dịch vụ quá mức để có lợi cho năm sau giao quỹ, gây phiền hà và tốn kém không cần thiết cho người bệnh.

Trực tiếp thực hiện các mô hình, đại diện các tỉnh Ninh Bình và Khánh Hòa đã chỉ ra những hạn chế của một số phương thức chi trả: Việc thanh toán theo định suất có cách tính quỹ phức tạp, không hợp lý khi chỉ phụ thuộc vào số lượt KCB ngoại trú chứ không phụ thuộc vào số thẻ BHYT đăng ký tại đơn vị. Đơn vị kết dư quỹ càng nhiều thì năm sau quỹ càng thấp; đơn vị chi vượt càng nhiều thì năm sau quỹ lại càng cao.

Trong khi đó, phương thức chi trả theo phí dịch vụ lại vô tình khuyến khích các cơ sở KCB chỉ định nhiều dịch vụ y tế cho bệnh nhân BHYT để thu được nhiều kinh phí, gây lãng phí và trục lợi quỹ BHYT của cơ sở KCB, của người tham gia BHYT, dẫn đến bội chi quỹ BHYT.

Vì thế, việc đổi mới phương thức chi trả sẽ góp phần tăng tính minh bạch trong thanh toán chi phí KCB và hoạch định chính sách, khuyến khích y tế phát triển.

Ông Yoriko Nakamura - đại diện của USAID cho rằng, hiện các nước vẫn phổ biến áp dụng kết hợp các phương thức chi trả khác nhau. Nhiều nước đã triển khai hệ thống thanh toán theo định suất và theo trường hợp bệnh để cải thiện hiệu quả và kiểm soát chi phí. Các phương thức chi trả đều có ưu điểm lẫn nguy cơ, vấn đề là để giảm thiểu nguy cơ phải lưu ý đến quá trình thiết kế triển khai các phương thức này với các tiêu chí: công thức minh bạch, xác định rõ danh mục các dịch vụ và tính toán chi phí; rõ ràng về các mục được chi trả… Việt Nam cần quan tâm cải thiện quá trình thiết kế và triển khai các phương thức thanh toán này.

Thanh Hằng
.
.
.