Chuyện chiến thắng bệnh Covid-19 của các bác sĩ

Thứ Tư, 26/02/2020, 18:17

Để tập trung chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm đang hoành hành nhiều nước trên thế giới, bao nhiêu dự định cho cái Tết đoàn viên, các BS đều phải gác lại. 



Sau khi 3 bệnh nhân dương tính với virus Corona được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh chữa khỏi đã xuất viện, các BS đã phần nào thở phào nhẹ nhõm, nhưng phía trước “cuộc chiến” chống Covid-19 vẫn đang còn tiếp diễn. 

Là một trong những người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona, BS CKI Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới - BV Chợ Rẫy vẫn còn nhớ như in về những ngày điều trị bệnh cho 2 cha con người Trung Quốc là Li Zichao (28 tuổi) và Li Ding (66 tuổi).

Ngày 21/1, ông Li Ding được con trai đưa đến BV Chợ Rẫy khám do bị sốt, mệt mỏi. Khám cho ông Ding xong, BS Sang có cảm giác người con trai của ông cũng “có vấn đề” nên thuyết phục hai người ở lại để thăm khám.

Ban đầu anh Li Zichao không đồng ý khám, nhưng các BS thuyết phục nhiều lần, cuối cùng anh đã đồng ý. “Lúc đó tôi chỉ nghĩ thà mất một ít thời gian để kiểm định, còn hơn là để bệnh nhân về nhà nếu nhiễm virus thì rất nguy hiểm cho cộng đồng”, BS Sang kể.

2 bệnh nhân người Trung Quốc được BS tích cực điều trị bệnh

Ngày 22/1, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur cho thấy cả 2 người dương tính với virus Corona. Vậy là cuộc chiến thật sự đã bắt đầu. Gần 30 y, BS đã gác lại lời hứa cùng người thân vui đón Tết để điều trị cho 2 bệnh nhân. Đêm 28 Tết, các y BS BV Chợ Rẫy gần như không ngủ.

“Là một trong những người tiếp xúc ban đầu với bệnh nhân, tôi không chắc mình có bị lây nhiễm không. Về nhà, khi con chạy đến, tôi phải đẩy bé ra, chắc con hụt hẫng lắm. Nhưng điều khiến tôi sợ hơn là ánh mắt nghi ngờ của hàng xóm đối với cho vợ con mình, họ e dè; có những lời hỏi thăm xé lòng “có bác sĩ nào bị lây bệnh chưa?”, “thôi ở trong bệnh viện đi, đừng về nhà kẻo lây cho vợ con”… Vậy là Tết tôi và nhiều y BS không ở nhà, chỉ mong người thân, vợ con hiểu cho mình”, BS Sang tâm sự.

Lúc đó, nhiều tin tức đồn đoán BS nhiễm bệnh, tử vong… càng làm cho người thân lo lắng. “Thương nhất là con gái mới hơn 3 tuổi, thấy mọi người nô nức đón Tết mà không thấy ba nên cứ ra cửa chờ và hỏi mẹ sao không thấy ba về”, BS Sang xúc động kể.

Đến chiều 29 Tết, ông Li Ding vào đỉnh bệnh, yếu dần, thở dốc, sốt liên tục trên 40 độ, toàn thân như bị rút kiệt sức sống, mất khả năng thở tự nhiên, BS cho thở oxy hỗ trợ, tăng từ 2 lít oxy lên 5-6 lít (mức tối đa) nhưng vẫn không đạt mức thở cơ bản. Ông Ding hội tụ đầy đủ yếu tố khả năng cao sẽ tử vong: nam giới, trên 60 tuổi, bị 4 bệnh nền rất nguy hiểm, nên BV đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất.

Vừa chữa bệnh vừa tìm hiểu, các BS đã linh hoạt vận dụng những khuyến cáo của chuyên gia WHO, mở các cửa sổ để lưu thông không khí, đưa bệnh nhân ra bậu cửa tắm nắng…

Đến mùng 3 Tết, BS vào thăm khám thì ông Li Ding đã đứng ở cửa tắm nắng và tập thở. Thấy BS, ông Ding cười nhẹ và vẫy tay chào. “Tết lúc này mới thật sự đến với chúng tôi, các y BS bắt tay nhau mừng rỡ trước tin vui”, BS Sang kể.

Ông Li Ding khỏi bệnh xuất viện ngày 12/2

Mấy ngày Tết, y BS đem vào viện nào là bánh tét, bánh chưng, trái cây,… để biếu tặng ông Li Ding. Ông ngồi trên giường bệnh ăn ngon lành rồi khen bánh chưng, bánh tét Việt Nam rất ngon, cảm xúc lúc này của các BS vui không tả nên lời. Có hôm, vào 12 giờ đêm, ông Ding nói thèm ăn thanh long, vậy là y tá chạy đi mua bằng được.

"Tất cả những điều các BS làm là để cho bệnh nhân tin, từ đó mới chịu hợp tác để điều trị. Cuộc chiến này mãi là những trải nghiệm quý giá mà không phải y BS nào cũng có được", BS Sang vui vẻ nói.

Cũng là một trong những BS trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Corona tại Việt Nam, Ths. BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – BV Chợ Rẫy cho biết, đây là loại virus mới nên khi tiếp nhận 2 ca bệnh đầu tiên, các BS chưa biết gì về nó, chưa xác định nguồn lây chính thức nên tâm lý ai cũng sợ, lo nhất nguy cơ lây nhiễm cho cán bộ y tế, nhất là những y, bác sĩ có vợ đang mang thai, có con nhỏ và ba mẹ lớn tuổi đang mắc nhiều bệnh. “Toàn bộ y BS, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc cho người bệnh hầu như không được ăn Tết ở nhà. Đó là sự hy sinh cái Tết đoàn viên, gặp người thân lại phải tránh xa…”, BS Thơ bộc bạch.

Người con của ông Li Ding khỏi bệnh xuất viện ngày 4/2

Ngoài áp lực trong điều trị, các y BS còn phải đối mặt với những áp lực, căng thẳng rất lớn từ cộng đồng khi mạng xã hội liên tiếp đưa những thông tin sai sự thật về người nhiễm bệnh, người tử vong trong BV, nhiều người khi gặp BS đã tránh xa. Nếu để trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh tử vong xảy ra thật thì điều đó càng khiến cộng đồng hoang mang hơn, đẩy người dân đến cơn khủng hoảng niềm tin khó có thể phục hồi.

Chính vì vậy, các BS càng phải nỗ lực không mệt mỏi để chiến thắng bệnh tật. Nhớ lại những ngày chiến đấu với virus Corona, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - BV Chợ Rẫy cho biết, thời gian đó, áp lực và khó khăn lớn nhất của người trưởng khoa là ngày mai phải quyết định cho BS, điều dưỡng nào vào phòng cách ly khám bệnh. “Những BS bước vào đối diện với virus Corona không chỉ là cấp dưới, mà là anh em, học trò của tôi, ai cũng có gia đình, người thân. Nghiệp vụ, kinh nghiệm với dịch bệnh, tất cả BS, điều dưỡng ở khoa đều dày dạn cả, nhưng đây là bệnh lây nhiễm, không ai chắc chắn được”, BS Hùng tâm sự.

Trên trang facebook cá nhân, BS Hùng chia sẻ: "Trong 30 năm làm việc, không nhớ rõ có bao nhiêu bệnh nhân đã hồi phục, vượt qua lưỡi hái tử thần trở về với gia đình. Niềm hân hoan của họ khi xuất viện là niềm hạnh phúc, một đóa hoa tô điểm cho cuộc sống của nhân viên y tế nói chung và của tôi nói riêng”.

Gia đình ông Li Ding trong ngày xuất viện

BS Hùng cũng chia sẻ nội dung bức tâm thư của anh Li ZiChao gửi, đây là 1 trong 2 người Trung Quốc mắc Covid-19 đã được BV Chợ Rẫy chữa khỏi. Thư có đoạn: “Chúng tôi đã rời BV được ba ngày, nhưng tâm trí chúng tôi dường như vẫn còn nằm lại đó. Chúng tôi không thể quên được ấn tượng sâu sắc và tươi đẹp mà BV Chợ Rẫy đã để lại...”.

Việt kiều Mỹ khỏi bệnh xuất viện ngày 21/2

Theo BS Hùng, đối với y BS, một lời cảm ơn cũng được coi như là phần thưởng quý giá cho thành quả đã đạt được.

Đằng sau một bệnh nhân nhiễm virus Corona được điều trị khỏi là biết bao hy sinh, can đảm, đóng góp sức lực, thời gian của các y BS nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Thay vì sợ hãi và bỏ cuộc, họ lại ngày đêm sát cánh cùng bệnh nhân.

Bệnh viện Chợ Rẫy nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Với những kết quả đạt được, các y BS đã được Thủ tướng khen và chiều 21/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã trao Bằng khen của UBND thành phố và thưởng đột xuất cho các y BS BV Chợ Rẫy (50 triệu đồng), BV Bệnh Nhiệt đới (100 triệu đồng) đã điều trị thành công các ca bệnh nhiễm Covid-19.


Nhân Sơn
.
.
.