Chủ động giữa “tâm” dịch tay – chân – miệng và sốt xuất huyết

Chủ Nhật, 28/10/2018, 18:07
Trong khi nhiều tỉnh phía Nam, bệnh tay – chân – miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) đang hoành hành, thì ở Tiền Giang, tình hình có vẻ khả quan hơn. Tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của tỉnh, số người đến tiêm phòng rất đông, cho thấy ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân và là lý do giải thích cho bệnh TCM và SXH ở đây được kiểm soát tốt.


BS. Đỗ Quang Thành, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang cho biết, đang mùa dịch, nhưng mỗi ngày có khoảng 10-20 bệnh nhân TCM và SXH nhập viện điều trị nội trú, không có dấu hiệu bất thường so với năm trước. Mặc dù vậy, trước sự gia tăng dịch bệnh của nhiều địa phương, Bệnh viện không chủ quan nên đã xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh TCM, SXH chu đáo. 

Trong đó, bệnh viện chú trọng việc chống lây nhiễm chéo, tổ chức phân luồng từ khâu tiếp đón, khám bệnh cũng như nội trú. Các ca bệnh nặng đều được kịp thời phát hiện, xử trí và được điều trị cách ly tại Buồng Nhiễm của Khoa Nhi hoặc Khoa nhiễm. Còn  các trường hợp mắc bệnh nhẹ được các bác sĩ tư vấn đầy đủ để đưa các cháu về chăm sóc tại nhà, hướng dẫn các triệu chứng nặng cần đến ngay bệnh viện, tránh biến chứng.

Nhiều trẻ bị TCM phải nhập viện

Ngoài ra, Bệnh viện đã thành lập hai tổ cấp cứu cơ động cùng dự trữ thuốc men, hoá chất khử trùng... để khi có dịch bênhh xảy ra kịp thời hỗ trợ tại hiện trường. Bệnh viện còn tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị các bệnh trên cho các bác sĩ và các lớp về chăm sóc dành cho các điều dưỡng để đảm bảo tối đa về chuyên môn.

Theo  BS. Đỗ Quang Thành, đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận gần 700 ca SXH, trong đó, có 51 ca nặng và gần 600 ca TCM. Riêng  từ đầu tháng 10 đến nay có 164 ca. Do được phát hiện sớm nên các ca bệnh TCM hầu hết đều nhẹ và tăng trong các  tuần gần đây. Đặc biệt là Bệnh viện cũng cảnh báo các ca bệnh TCM diễn biến nặng với các triệu chứng không điển hình.

Điều này có thể gặp ở tại Khoa Cấp cứu nhi của Bệnh viện. Bé trai Lê Kim Trung (4 tuổi, nhà ở huyện chợ Gạo, tỉnh Tiền giang), phải nhập viện điều trị nội trú ngay buổi sáng chúng tôi có mặt.  

Chị Võ Thuý Kiều, mẹ của bệnh nhi cho biết bé đi học về vào buổi chiều thì kêu đau lưỡi, không ăn được nên mẹ bé cho đi khám. Miệng bé không bị nổi mụn nhưng khi đi khám, được bác sĩ chẩn đoán con bị TCM thể nhẹ, nên hướng dẫn chị cách chăm sóc cháu tại nhà. 

Mặc dù được dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng sau đó về nhà, bé lại bị nôn ói, mệt nhiều rồi trằn trọc không ngủ được, nên chị Kiều lại đưa con đi khám. Lần nay bác sĩ nói cho con nhập viện đề phòng bệnh nặng lên thêm nữa.

Bác sĩ cho biết, có trường hợp bị TCM mà không có các triệu chứng điển hình là nổi các mụn phỏng ở miệng, bàn tay, vùng mông… nhưng lại là những ca bệnh dễ diễn biến nặng. Vì thế, phụ huynh không được chủ quan, mà phải theo dõi sát diễn biến sức khỏe của con khi ở nhà, để kịp thời đưa đến Bệnh viện khi có các dấu hiệu chuyển bệnh nặng.

Theo BSCKI. Võ Trần Anh Khoa, người trực tiếp điều trị tại Buồng bệnh nhiễm của Khoa Nhi cho biết: Lúc cao điểm số bệnh nhi nhập viện lên đến 30 - 40 bệnh nhi mỗi ngày. Nhưng những ngày này, bệnh nhi TCM và các bệnh nhiễm nhập viện giảm, trung bình còn khoảng 10 bệnh nhi nội trú mỗi ngày.

BSCKI. Võ Trần Anh Khoa khám bệnh cho bệnh nhi TCM

“Các thầy thuốc đều tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về mức độ bệnh nào mới cho nhập viện, mức độ nào thì để về nhà chăm sóc, nên đã không để xảy ra quá tải Bệnh viện. Tuy nhiên, với những ca chưa nặng, nhưng nếu gia đình các cháu ở xa Bệnh viện thì chúng tôi cũng khuyến cáo cho các bé điều trị nội trú, tránh để biến chứng”- BSCKI. Võ Trần Anh Khoa cho hay.

Tại Trung tâm y tế thành phố Mỹ Tho, số bệnh nhân TCM và SXH cũng có phần tăng so với trước. Theo BS. Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và  HIV/AIDS thì Trung tâm rất chú trong phòng các bệnh gây dịch như SXH, sởi, TCM. 

Tại thời điểm hiện nay, việc phòng bệnh TCM đang được tăng cường trong các nhóm trẻ mẫu giáo, mầm non. Nếu có ca bệnh, ổ bệnh, thì Trung tâm sẽ  xử lý ngay, không để lây lan. Các lớp học có từ hai trẻ mắc TCM là sẽ nghỉ học 1 tuần, để nhân viên y tế và nhà trường khử khuẩn, vệ sinh lớp học, dụng cụ, đồ chơi. Vừa qua một lớp mầm non của  Trường Bông Sen trên địa bàn đã nghỉ học để cơ quan y tế xử lý như vậy.

“Hệ thống giám sát dịch bệnh lưu hành như SXH, TCM và các bệnh mới nổi đã được tổ chức đến tận phường xã, để khi có các ca bệnh tại trường học, trong cộng đồng sẽ xử lý ngay, không để dịch bệnh lây lan”- bác sĩ Thành cho biết.



Thanh Hằng
.
.
.