Người đạp xe xuyên Việt vì thông điệp hiến tạng: “Cho đi là mãi mãi”

Thứ Sáu, 20/05/2016, 16:00
Sau 37 ngày một mình đạp xe từ Cà Mau với thông điệp về hiến tạng “Cho đi là mãi mãi”, sáng 20-5, Trần Nguyễn An Khương (28 tuổi, ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau) đã có mặt tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Hà Nội. Xúc động trước tấm lòng của chàng trai trẻ, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm, cùng gác mọi việc lại để đón chào anh.

Cảm phục tấm lòng của chàng thanh niên đất Mũi, không hẹn mà nhiều nhà báo đã có mặt tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để trò chuyện cùng anh. Cứ hình dung đó sẽ là một chàng trai phong trần, lãng tử, mạnh mẽ để đủ sức vượt chặng đường cả ngàn cây số dọc theo chiều dài đất nước, tôi thật sự bất ngờ khi thấy trước mặt mình một chàng trai gầy gò, bé nhỏ, ít nói và rất rụt rè ngồi nép mình trong căn phòng vốn rất chật hẹp của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. 

Tôi còn bất ngờ hơn khi biết anh có mặt tại đây là để đăng ký hiến tạng ngay khi còn sống, mặc dù anh đã đăng ký hiến đa tạng sau khi qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

  GS.TS Trịnh Hồng Sơn và Ths. Nguyễn Hoàng Phúc tặng hoa và kỷ niệm chương cho Trần Nguyễn An Khương.

Tại sao có câu chuyện cảm động của con người bé nhỏ nhưng trái tim bao la này? Trần Nguyễn An Khương kể: Năm 2013, một người bạn của anh bị suy thận. Những ngày vào viện thăm bạn, chứng kiến nhiều bệnh nhân bị suy thận nặng, chỉ có duy nhất con đường sống nếu được thay thận và rồi, nhiều người cứ lần lượt ra đi vì không có tạng để ghép. Chính người bạn của Khương cũng ra đi ở tuổi 25 sau 2 tháng được bác sĩ chỉ định ghép thận.

Khương không sao quên được nỗi khao khát đến khắc khoải của người bạn trong những ngày cuối đời là có một phép màu nào đó để kéo dài sự sống. Nỗi đau ám ảnh anh đến mức lúc nào anh cũng đau đáu với vấn đề hiến tạng. Anh tìm hiểu rất kỹ vấn đề ghép tạng và biết rằng, hàng năm, nước ta có hàng nghìn người bệnh cần ghép tạng, nhưng không có nguồn tạng, vì thế, hàng nghìn người đã phải tử vong. 

Trong khi đó, mỗi năm, cả nước có khoảng 1 vạn người tử vong do tai nạn giao thông, rất nhiều người chết não có thể sử dụng tạng, nhưng do quan niệm lạc hậu nên nguồn tạng rất lớn hông được dùng để cứu người bệnh. Vì thế, An Khương luôn nghĩ cách làm sao để vận động mọi người quan tâm đến vấn đề này.

     GS.TS Trịnh Hồng Sơn trao đổi với Trần Nguyễn An Khương về các thủ tục hiến tạng.

Sau khi đã đăng ký hiến xác cho Đại học Y TP. Hồ Chí Minh, Trần Nguyễn An Khương bèn nói với cha mẹ về dự định hiến tạng. Ba anh im lặng còn mẹ anh chỉ khóc. Nghe anh nhẹ nhàng thuyết phục rằng, khi chết đi nếu chôn thì xác cũng phân hủy, hoặc hỏa táng sẽ thành tro cốt, rất uổng phí, trong khi có thể cứu sống cho vài người thì sao lại không hiến để cứu người, cuối cùng cả ba mẹ đều đồng ý. Hiểu anh, bạn gái anh cũng ủng hộ quyết định này.

 Thế là tháng 8-2013, anh đăng ký hiến đa tạng cho Bệnh viện Chợ Rẫy với mong muốn sau khi anh xa lìa nhân thế sẽ có nhiều người được cứu sống.

Thấy một mình ủng hộ việc hiến tạng là chưa đủ, An Khương quyết định làm một chuyến đi xuyên Việt để chuyển tải thông điệp này đến mọi người. Với số tiền tiết kiệm ít ỏi, anh mua một chiếc xe đạp, mang theo vài bộ quần áo và lên đường vào ngày 12-4-2016.

  Trần Nguyễn An Khương và chiếc xe vừa cùng anh hành trình xuyên Việt vì thông điệp hiến tạng.

Trần Nguyễn An Khương kể: Ba mẹ tôi rất ủng hộ chuyến đi này. Tôi không kêu gọi hay thuyết phục ai hiến tạng, chỉ muốn thông điệp từ chuyến đi sẽ được nhiều người biết đến, để tìm hiểu và từ đó thay đổi quan niệm “chết thì phải toàn thây” và sẽ có nhiều người phát tâm đăng ký hiến mô tạng, nhằm mang lại hy vọng sống cho những bệnh nhân suy tạng.

Suốt hơn một tháng trời, với bao khó khăn vất vả, mưa nắng dãi dầu, anh đã đặt chân tới 27 tỉnh dọc quốc lộ 1. Từ những dòng chia sẻ nặng ân tình trên facebook, An Khương đã được các bạn trẻ ở nhiều địa phương đón tiếp nồng hậu. Gặp mọi người, anh đều tranh thủ truyền tải thông điệp về hiến tạng, đưa các tài liệu về hiến tạng mang theo cho mọi người đọc. Thật vui khi hầu hết mọi người động viên và ủng hộ anh, nhiều người cho biết sẽ nghĩ về việc hiến tạng.

Trần Nguyễn An Khương trên đường ra Hà Nội.

Tôi hỏi Khương đã cân nhắc kỹ chưa trước quyết định hiến tạng ngay khi còn sống, Khương quả quyết: “Tôi đã tìm hiểu kỹ và biết rằng, nhiều người đã hiến tạng vẫn sống với một quả thận và tôi cũng có thể như thế, chứ không phải tôi mơ hồ hay bồng bột với quyết định của mình. Tôi cũng không quá so đo về việc hiến tạng lúc sống, vì tôi e như thế sẽ lỡ mất cơ hội của nhiều người bệnh. 

Sau khi đăng ký hiến tạng, tôi luôn có ý thức bảo vệ sức khỏe để có được tạng tốt khi hiến. Tôi chưa biết ba mẹ và bạn gái có đồng ý việc tôi hiến tạng khi còn sống hay không, nhưng tôi sẽ thuyết phục bằng được.”

Khương cũng chia sẻ, sau khi làm thủ tục đăng ký hiến tạng ở Hà Nội, anh sẽ quay lại Đà Nẵng, để tặng chiếc xe đạp và tất cả các hành trang chuyến đi cho buổi đấu giá từ thiện, nhằm gây quỹ giúp đỡ các em nhỏ ung thư ở Bệnh viện 600 giường do CLB Xuyên Việt tổ chức.

 GS.TS. Trịnh Hồng Sơn cảm động: Trần Nguyễn An Khương thực sự là một hiện tượng, một tấm gương rất cảm động, đáng trân trọng. Trong bối cảnh nguồn tạng hiến đang rất hiếm khi nhu cầu tạng cho người bệnh rất lớn, hy vọng tấm gương tâm huyết của Khương sẽ có tác dụng lan tỏa để mọi người hiểu nhiều hơn, từ đó, sẽ quan tâm đến việc tình nguyện hiến tạng.

PGS.TS Trịnh Hồng Sơn cũng cho biết, sau những thành công về ghép tạng, đã có ba nhà sư và một phụ nữ ở ở Bắc Ninh đã đăng ký hiến gan, thận ngay lúc sống. Nhiều gia đình công nhân, trí thức, đại gia đã đến đăng ký hiến tạng. Hy vọng từ những tấm lòng nhân ái này, phong trào hiến tạng sẽ ngày càng sâu rộng.

Theo Bộ Y tế, cả nước có khoảng hơn 100.000 ca suy thận, trong đó, có 10.000 bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo; 300.000 người mù liên quan đến bệnh giác mạc. Trong đó, có tới 6.000 người bị suy thận mạn cần ghép thận, 5.000 người chờ ghép giác mạc và 1.500 người bị suy gan được chỉ định ghép gan.
Thanh Hằng
.
.
.