Chạy chữa khắp nơi vì mảnh xương nằm trong phế quản 6 tháng

Thứ Sáu, 27/07/2018, 20:00

Chiều 27-7, bác sỹ (BS) Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, các BS Khoa Hô hấp của BV vừa gắp thành công mảnh xương trong phế quản bệnh nhân bị hóc trước đó 6 tháng.


Theo đó, bệnh nhân là ông T.V.T. (63 tuổi, ngụ Bình Thủy, TP Cần Thơ), được chuyển đến BVĐKTƯ Cần Thơ với chẩn đoán viêm phổi do tắc nghẽn trong tình trạng sốt, ho đàm đục, nặng ngực và được chỉ định nhập viện điều trị. 

Qua thăm khám lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh nhân, được biết 6 tháng trước ông T. có ăn hủ tiếu xương, sau đó cảm giác vướng ở cổ và ho khan nhiều. Sau đó bệnh nhân đi khám, điều trị rất nhiều nơi, nhưng tình trạng ho tái lại nhiều lần sau mỗi đợt điều trị, kéo dài 6 tháng nay. 

Mảnh xương nằm trong phế quản bệnh nhân T. 6 tháng, được các BS lấy ra.

Các BS nghi ngờ bệnh nhân có dị vật đường thở nên chỉ định nội soi phế quản nhằm đánh giá đường thở và tình trạng viêm do tắc nghẽn được thực hiện bởi BSCKI Nguyễn Văn Tuyết (Phó trưởng khoa nội hô hấp) và BSCKI Đặng Duy Thanh. 

Kết quả, ngay lỗ phế quản thùy dưới bên phải có một mảnh xương kích thước 10x10mm. Các BS đã dùng kềm gắp dị vật thành công đồng thời bơm rửa và lấy dịch xét nghiệm.

Theo Ths-BS Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Hô hấp, dị vật đường thở bỏ quên thường gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi, đôi khi lúc hóc dị vật các triệu chứng xâm nhập không rõ ràng. Rất nhiều trường hợp dị vật được phát hiện qua những triệu chứng “vay mượn” ví dụ như những bệnh nhân viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần. 

Nội soi phế quản ống mềm là lựa chọn đầu tiên  để xác định chẩn  đoán và lấy bỏ dị vật, đặc biệt các trường hợp dị vật nằm sâu trong cây phế quản, tỷ lệ thành công trên 90%. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn và không đòi hỏi gây mê toàn thân như ống nội soi cứng. 

“Dị vật đường thở bỏ quên lâu ngày sẽ gây ra các biến chứng như viêm phổi tái diễn, áp xe phổi, chít hẹp phế quản... Vì vậy, các trường hợp bị dị vật đường thở cần được phát hiện và can thiệp lấy bỏ dị vật càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng” – BS Thúy cho biết.

Văn Đức
.
.
.