Vaccine “6 trong 1” sẽ thiếu từ 60-110 triệu liều
Tâm lý này gây nên lo ngại về việc tác động xấu đến việc tiêm phòng cho trẻ vào thời gian tới, kéo theo hệ lụy là rất có thể làm bùng phát các dịch bệnh, nếu không cho trẻ tiêm phòng. Đặc biệt, vấn đề vaccine đã bước cả vào nghị trường Quốc hội những ngày qua. Vì thế, để mang đến bạn đọc những thông tin xung quanh vấn đề vaccine ở Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, một chuyên gia về vaccin.
+ Thưa ông, nhiều người cho rằng, gần đây tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem mới gia tăng, là có đúng?
PGS.TS.Phan Trọng Lân: Với tình huống đơn lẻ, đánh giá quan hệ nhân quả ở cấp độ cá nhân là khó khăn và cần nhiều thời gian. Năm 1974, tại Anh, đã có báo cáo 22 trường hợp trẻ chậm phát triển và động kinh sau khi tiêm vaccine ho gà toàn tế bào, dẫn đến nhiều năm sau đó, tỷ lệ tiêm chủng ho gà ở Anh giảm từ 81% xuống 31% . Hậu quả là 100.000 trẻ mắc ho gà và 31 trẻ tử vong, đồng thời, giảm tỷ lệ tiêm chủng ho gà và tăng số ca tử vong do ho gà ở Nhật Bản, Thụy Điển và Wales. Nhiều nghiên cứu sau này mới chỉ ra tỉ lệ chậm phát triển và động kinh ở trẻ sau khi tiêm vaccine tương tự với trẻ không tiêm vaccine.
Năm 1998, một tạp chí uy tín trên thế giới (Lancet) đăng về mối liên quan giữa vaccine MMR (sởi-quai bị-rubella) và bệnh tự kỷ, khiến tỉ lệ tiêm chủng MMR giảm và dịch bùng phát tại Anh. Nhiều nghiên cứu sau đó đã đi đến kết luận là không có mối liên quan nào giữa bệnh tự kỷ và MMR, còn tác giả bài báo bị kết tội là gian lận dữ liệu và có xung đột lợi ích khi đăng tải thông tin trên.
PGS.TS. Phan Trọng Lân. |
Trước bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nào, cần có điều tra, đánh giá khách quan, khoa học, toàn diện, phối hợp giữa Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhà sản xuất, các nước sử dụng vaccine để tìm hiểu nguyên nhân là do vaccine, do bệnh nền hay các yếu tố khác xảy ra trong địa bàn đang dùng vaccine đó. Vaccine ho gà toàn tế bào đã sử dụng trên 70 năm tại 138 nước và Quinvaxem cũng đã sử dụng gần 10 năm, với gần 450 triệu liều, tiêm cho trẻ em tại 94 nước và đã được WHO và các tổ chức quốc tế thẩm định, đánh giá hiệu quả trong sử dụng. Việc tiêm vaccine Quinvaxem đúng lịch và đủ liều sẽ giúp giảm tỉ lệ các phản ứng cho trẻ và hiệu quả phòng bệnh.
PGS.TS. Phan Trọng Lân và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long Lân giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại cơ sở. |
+ Sau mỗi tai biến, đều có Hội đồng tư vấn đánh giá các tai biến sau tiêm chủng. Nhưng, nhiều người băn khoăn là liệu Hội đồng có khách quan không, khi đều do ngành y tế “vừa đánh trống, vừa thổi còi”?
PGS.TS.Phan Trọng Lân: Việc điều tra các phản ứng sau tiêm chủng đòi hỏi có chuyên môn cao, nên các thành viên Hội đồng là những chuyên gia về tiêm chủng, lâm sàng, dịch tễ học vv... Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, Theo quy định của Bộ Y tế thì “Những người thực hiện công tác về tiêm chủng thì không tham gia vào thành phần của Hội đồng”. Năm 2015, Việt Nam đã được WHO công nhận Cơ quan quản lý vaccine quốc gia (NRA) đạt tiêu chuẩn, dựa trên các tiêu chí, gồm cả việc kiểm soát mâu thuẫn quyền lợi trong hoạt động của các Hội đồng, đã khẳng định tính khách quan và đúng qui định quốc tế.
+ Đã nhiều năm diễn ra việc thiếu trầm trọng vaccine dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” . Có phải do việc dự trù không đúng về nhu cầu tiêm, hay do số trẻ tiêm vaccine dịch vụ tăng cao do thông tin tai biến sau tiêm Quinvaxem?
PGS.TS.Phan Trọng Lân: Tháng 7-2014, WHO khuyến cáo chiến lược sử dụng vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào và vô bào tại các nước. Tháng 8-2015, WHO tiếp tục khuyến cáo các nước đang sử dụng ho gà vô bào triển khai mũi tiêm nhắc nhằm ngăn dịch bùng phát theo chu kỳ, do việc sử dụng vaccine cho phụ nữ mang thai ở tuần thứ 27 đến 36 có tỷ lệ mắc và tử vong cao do ho gà. Điều này dẫn đến nhu cầu vaccine tăng rất lớn. Ngoài ra, các nước phải chuyển từ dùng vaccine bại liệt uống sang vaccine bại liệt tiêm và giai đoạn 2015-2016 có 100 nước (kể cả Việt Nam) cam kết sẽ đưa vaccine bại liệt vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong khi vaccine phối hợp có chứa thành phần ho gà toàn tế bào và bại liệt tiêm mới đang nghiên cứu, thì nhu cầu đối với vaccine có chứa thành phần ho gà vô bào và bại liệt tiêm càng tăng. Ước tính, đến 2020, nhu cầu tối đa cho vaccine 6 trong 1 trên toàn cầu có thể tới 380 triệu liều, trong khi khả năng cung cấp chỉ khoảng 280-320 triệu liều.
+ Tại sao không thay thế Quinvaxem bằng vaccine thế hệ mới hơn?
PGS.TS.Phan Trọng Lân: Vaccine Quinvaxem hay “5 trong 1”, “6 trong 1” đang sử dụng hiện nay, khác nhau cơ bản là thành phần vaccine ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) hay vô bào (vaccine dịch vụ). Việc chuyển đổi từ sử dụng ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào đã được nhiều nước triển khai, nhưng vaccine này cũng có nhiều hạn chế: Tại Mỹ, từ khi chuyển sang dùng ho gà vô bào vào năm 1990, dịch ho gà đã bùng phát vào các năm sau đó. Báo cáo của WHO năm 2015 cho thấy dịch ho gà ở 19 nước là do giảm hiệu quả bảo vệ khi tiêm vaccine ho gà vô bào dẫn đến tích lũy số ca nhạy cảm và sau đó bùng dịch theo chu kỳ, cho dù tỉ lệ bao phủ vaccine tại các nước này đều khá cao, hơn 85%. Sự bùng phát dịch ho gà chưa thấy xuất hiện tại các nước dùng ho gà toàn tế bào và có tỉ lệ tiêm chủng cao. Do đó, việc chuyển đổi từ vaccine ho gà toàn tế bào sang vô bào cần cân nhắc đến khả năng kiểm soát dịch xảy ra, đảm bảo nguồn cung cấp vaccine, hạn chế tử vong trong trường hợp dịch ho gà xảy ra do việc dùng vắc xin ho gà vô bào. WHO khuyến cáo các nước đang dùng vaccine ho gà toàn tế bào với lịch tiêm chủng không quá 4 mũi, thì không nên chuyển đổi sang ho gà vô bào. Ngoài ra, xu thế trên thế giới sẽ sử dụng vaccine bại liệt tiêm và kết hợp vaccine thành phần ho gà vào vaccine 6 trong 1, nên việc thay đổi còn phụ thuộc vào sự tiến bộ của khoa học.
+ Cám ơn ông đã chia sẻ!