Hơn 3.000 em bé được cứu sống như thế nào?

Thứ Năm, 09/07/2015, 10:21
3.115 ca phẫu thuật, hàng trăm ngàn ca khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cứu sống hơn 3.000 em bé, trong đó 125 trẻ sơ sinh, có em chỉ nặng 1,2kg, tức là nằm vừa bàn tay của một người lớn. Đây thực sự là một kỳ tích...

Kể từ khi triển khai Chương trình phẫu thuật tim kín vào năm 2004 và phẫu thuật tim hở từ năm 2007, tới nay, các bác sĩ (BS) bệnh viện này đã thực hiện được 3.115 ca phẫu thuật tim bẩm sinh cho khu vực phía Nam. Trong  đó, có 645 ca tim bẩm sinh nặng, phức tạp và 125 ca bệnh nhi sơ sinh được phẫu thuật thành công.

Ca phẫu thuật tim hở có số cân nặng thấp nhất là 2000 gam, và ca phẫu thuật tim kín có cân nặng thấp nhất là 1.200 gam. Trong đó, tỉ lệ tử vong phẫu thuật tim đã giảm từ 7,7% năm 2004 xuống còn 1,1% vào năm 2014.

Một ca trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM.

Thế nhưng, dù đã hoạt động hết công suất, thậm chí các BS đã phải làm việc vào ngày thứ 7, chủ nhật, nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phải chờ phẫu thuật và danh sách trẻ cần phải phẫu thuật tim bẩm sinh hiện đã lên tới 1.300 trẻ. Số ca khám ngọai trú thì rất cao: 18.023 trường hợp (năm 2012); 13.867 trường hợp ( năm 2013) và 13.385 trường hợp ( năm 2014) tới khám tại Nhi đồng 1, liên quan tới mắc tim bẩm sinh.

PGS-TS Nguyễn Minh Phúc, Trưởng khoa tim mạch bệnh viện này chia sẻ: “Trước thời điểm 2004, TP HCM khi ấy thành phố mới có Viện tim ra đời được vài năm, chủ yếu điều trị cho người lớn. Trẻ mắc tim bẩm sinh cũng được vào Viện tim điều trị nhưng phải “xếp hàng” đợi chờ, khắc khoải. Nhiều bé không đợi nổi, tử vong, dù Viện tim đã ưu tiên tối đa cho các trường hợp bệnh Nhi. Tôi còn nhớ vào mỗi buổi sáng họp giao ban, thường có thông báo trường hợp trẻ mắc tim bẩm sinh tử vong. BS chúng tôi trăn trở, cần phải làm cái gì đó! Xuất phát từ ý nghĩ đó mà tập thể các y bác sĩ trong Khoa tim mạch cùng lãnh đạo bệnh viện đã cùng nhau họp bàn, triển khai. …”.

Theo PGS –TS Minh Phúc, ê kíp bệnh viện cho mổ tim bẩm sinh lúc đầu chỉ thực hiện các ca phẫu thuật tim kín, chưa phải mở lồng ngực. Sau đó, năm 2007, bệnh viện cử 50 người y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, bác sĩ gây mê, …đi học cả ở trong và ngoài nước về kỹ thuật mỗ tim hở. Ca đầu tiên mổ tim hở được tiến hành đúng ngày 1/6/2007.

Năm 2009 ê kíp bác sĩ tiếp tục triển khai kỹ thuật thông tim can thiệp là một trong “mũi nhọn” giải quyết các ca tim bẩm sinh. Từ 2010 tới nay đã triển khai mổ tim hở cho nhiều ca tim bẩm sinh mắc bệnh lý nặng, bệnh lý phức tạp, và trên cơ thể trẻ còn rất nhỏ. Cùng với nâng cấp tay nghề, chuyên môn, là việc xây dựng nguồn nhân lực cho mổ tim bẩm sinh. Đội ngũ từ 38 người  năm 2004, tới 2007 tăng gấp 3 lần.

Đến nay, ê kíp phẫu thuật tim bẩm sinh của bệnh viện đã có 112 người. Đặc biệt tại đây, đội ngũ Y bác sĩ chuyên môn Hồi sức sơ sinh có sẵn là một “lợi thế” để triển khai thành công các chương trình phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ, mổ được những ca còn nhỏ, nhẹ ký và bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp.

Từ những ca đơn giản thực hiện từ 2004 tới những bệnh lý phức tạp nhất về tim mạch mà Thế giới làm được, đều được thực hiện thành công tại đây.

Nói về cuộc hành trình “từ trái tim tới trái tim” này, TS – BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay:  10 năm qua, nhờ có  sự hỗ trợ của nguồn Ngân sách TP HCM, còn có sự hỗ trợ của Viện tim TP, tổ chức Children’s HeartLink, đặc biệt là sự hỗ trợ từ nhiều nhà hảo tâm. Hiện, bệnh viện thực hiện được khoảng 7 ca/ngày ( 2-3 ca nặng, còn lại là thực hiện các ca cấp cứu và ca phẫu thuật tim bẩm sinh trong chương trình). Riêng với các trường hợp trẻ cần thông tim can thiệp, hiện không phải chờ đợi, mỗi ngày bệnh viện thực hiện được từ 5-7 ca.

Ngoài ra, bệnh viện đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập mạng lưới quản lý điều trị bệnh tim bẩm sinh cho khu vực phía Nam. Theo đó, bệnh viện đã tăng cường đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho các tỉnh, thành. Bệnh Nhi sau khi được chẩn đoán và quản lý tại địa phương, được đưa lên phẫu thuật tại Nhi đồng 1, xuất viện sẽ được tái khám, tiếp tục điều trị tại địa phương theo phác đồ của bệnh viện Nhi Đồng 1. Và nếu mạng lưới này hoạt động tốt, thời gian chờ đợi và điều trị tại Nhi Đồng 1 sẽ giảm, mở ra nhiều  cơ hội cho trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh sớm được phẫu thuật.

Huyền Nga
.
.
.