60 loại thuốc bị rút số đăng ký không ảnh hưởng tới chất lượng chữa bệnh

Thứ Hai, 28/09/2015, 18:57
Trong 60 loại thuốc bị rút số đăng ký vào tháng 9/2015, có tới 51 loại thuốc không còn nhu cầu sản xuất, kinh doanh nên bị thị trường từ chối.


Trước sự lo lắng của người dân, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, trong số 60 loại thuốc bị rút số đăng ký, chỉ có 2 loại thuốc do vi phạm chất lượng, còn có tới 51 thuốc do doanh nghiệp tự xin rút đăng ký vì không còn nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo quy định hiện hành.

Nhiều người khi băn khoăn về chất lượng thuốc khi sử dụng.

Có 6 loại thuốc của Công ty Sanofi-Aventis Việt Nam bị rút số đăng ký lưu do hồ sơ công bố là biệt dược gốc, nhưng thuốc nhập khẩu không phải là thuốc gốc. Một loại thuốc vi phạm do sản xuất không đúng với hồ sơ đăng ký lưu hành và 2 loại thuốc khác vi phạm về chất lượng thuốc do không đạt tiêu chuẩn chất lượng thuốc về chỉ tiêu hàm lượng nước cao hơn so với hồ sơ đã được cấp số đăng ký.

Thực tế này cho thấy, công tác tiền kiểm của ta còn lỏng lẻo, nếu không muốn nói là quan liêu hành chính. Bởi, theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì ở nước ngoài, muốn nhập thuốc là phải đến tận cơ sở sản xuất thuốc của nước xuất khẩu để kiểm tra. Trong khi ở Việt Nam hoàn toàn thực hiện trên giấy tờ.

Chính vì thế, ông Tiên Nguyễn Văn Tiên đã đề nghị Bộ Y tế cần đưa việc kiểm tra các nhà máy sản xuất dược nước ngoài trước và sau khi đăng ký vào nguyên tắc chung của Luật Dược sửa đổi.

Một câu hỏi nữa cũng được đặt ra là vì sao thuốc Ấn Độ luôn có trong danh sách các thuốc kém chất lượng, mà Việt Nam vẫn nhập về? Ông Đông lý giải: Ấn Độ có nhiều nhà sản xuất dược phẩm, có nền sản xuất nguyên liệu làm thuốc phát triển nên có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu thuốc nguyên liệu và thuốc thành phẩm rất nhiều sang các nước, trong đó có Việt Nam.

Với số lượng lớn thuốc của các nhà sản xuất Ấn Độ lưu hành trên thị trường thì tỷ lệ thuốc kém chất lượng nhiều hơn các nước khác là không tránh khỏi.  Ấn Độ có khoảng 3.500 thuốc đăng ký tại Việt Nam thường xuyên và số vi phạm chất lượng năm 2014 là 31 thuốc (chưa đến 1%), còn từ đầu năm 2015 đến nay chỉ có 2 loại thuốc Ấn Độ vi phạm chất lượng đã bị rút số đăng ký.

Với việc hàng loạt thuốc bị rút số đăng ký lưu hành, nhiều người lo lắng khi đã trót mua phải các loại thuốc kém chất lượng đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả chữa bệnh.

Đại diện của Cục quản lý dược cho rằng, người sử dụng thuốc có thể tiến hành các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật dân sự để yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bồi thường thiệt hại.

Là cơ quan quản lý Nhà nước về dược, Cục Quản lý dược sẽ xem xét, giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng và giám sát việc thực hiện của các sơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi có kết luận xử lý.

Dạ Miên
.
.
.