Cảnh giác trước biểu hiện mất kiểm soát hành vi của người tâm thần

Thứ Năm, 09/05/2019, 08:07
Bạc Liêu hiện có hơn 2.000 người mắc bệnh tâm thần. Thời gian gần đây,  tình trạng người tâm thần phạm tội cũng diễn biến phức tạp. Một số người đã gây ra những vụ án đặc biệt nghiệm trọng, để lại hậu quả nặng nề đối với người thân, gia đình và xã hội.


Điển hình là vụ việc xảy ra lúc 15h ngày 12-3, bà Nguyễn Kim Ngọc (SN 1980, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cùng con trai lớn và con gái nhỏ là cháu N.T.K. (SN 2016), ra trước nhà ngồi hóng mát. Lúc sau, bà Ngọc bế cháu K vào nhà vào vệ sinh, chốt cửa rồi dùng búa chém liên tiếp vào người cháu. 

Nghe tiếng động, người con trai chạy vào đạp tung cửa nhà vệ sinh, phát hiện mẹ dùng búa sát hại em gái nên giật lấy búa, hô hoán để mọi người đưa cháu K đi cấp cứu. Tuy nhiên, khi hàng xóm chạy đến thì cháu K đã tử vong, trên người nhiều vết máu.

Theo một lãnh đạo xã Long Điền, bà Ngọc bị bệnh tâm thần. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, gia đình đưa bà này lên bệnh viện tâm thần ở Biên Hòa (Đồng Nai) điều trị. Sau khi sức khỏe ổn định, bà Ngọc được cho về, uống thuốc điều trị tại nhà… và vụ việc đau lòng đã xảy ra.

Đối tượng Ngọc bị bệnh tâm thần đã gây án.

Trước đó, lúc 15h ngày 24-7-2108, tại ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), đối tượng Thạch Sà Khên (SN 1983, bị bệnh tâm thần), đã dùng dao rượt chém hàng xóm, khiến 3 người chết, 9 người bị thương, trong đó có nạn nhân chỉ mới 6 tháng tuổi…

Việc quản lý người bị bệnh tâm thần sống trong cộng đồng hiện nay còn nhiều bất cập. Chưa có một văn bản nào quy định về trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đưa người bị tâm thần chưa thực hiện hành vi phạm tội đến cơ sở khám chữa bệnh điều trị. Việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

“Dưới góc độ pháp lý, tôi nhận thấy người bị bệnh tâm thần là người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Do vậy, dù hậu quả họ gây ra mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc không truy cứu trách nhiệm hình sự của họ là đúng với tinh thần của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, điều cần bàn đối với các đối tượng bị bệnh tâm thần là khi họ chưa thực hiện hành vi phạm tội, phải có biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người bị bệnh”, Đại tá Dương Tứ Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự  Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Đại tá Dương Tứ Phương cho rằng các cơ quan, đoàn thể ở địa phương cần quan tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình nhiều hơn nữa. Nếu thấy dấu hiệu bệnh nhân không thuyên giảm, có những hành động mất kiểm soát, đe dọa đến ANTT, cần nhanh chóng phối hợp, động viên gia đình đưa những trường hợp đó đến các bệnh viện tâm thần để điều trị. Cần xây dựng quỹ hỗ trợ người nhà có người bị bệnh để họ đưa người thân của mình đi điều trị.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Văn phòng luật sư Vạn Lý, TP Cần Thơ) cho rằng, việc người mắc bệnh tâm thần phạm tội không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, gần đây việc người mắc bệnh tâm thần liên tục gây ra những tổn hại trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí cướp đi mạng sống người khác là thực tế đáng báo động. Việc khắc phục, chung tay góp sức nhằm giảm thiểu tình trạng trên cần có sự tham gia từ nhiều phía, như: gia đình; tổ chức khám và điều trị bệnh; cơ quan quản lý nhà nước; công tác vận động tuyên truyền.

Theo luật sư Đức, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không quản lý được người bệnh trước hết là do xã hội còn định kiến với bệnh tâm thần mà thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc với họ. Ngoài ra, nhiều gia đình có người mắc bệnh tâm thần không đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị mà thường tự điều trị ở nhà hoặc thậm chí có tâm lý mặc kệ cho những người tâm thần thích làm gì thì làm, không hề có sự quan tâm, chăm sóc hay có một cơ chế giám sát, theo dõi diễn tiến bệnh tật phù hợp.

Cá biệt, có những gia đình còn từ chối cung cấp thông tin hoặc giấu tình trạng của người bệnh. Trong khi đó, việc chấp nhận để người bệnh được vào danh sách Nhà nước quản lý hay không, thì lại phải chờ tới sự cho phép của gia đình người bệnh. Về thời gian cố định trong việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần hiện nay chưa được ghi nhận trong bất kỳ văn bản pháp quy nào.

Bên cạnh đó, việc xử lý người tâm thần phạm tội là một vấn đề khó khăn trong thực thi pháp luật hiện nay. Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự…

Đ.Văn – B.Ân
.
.
.