Cần siết những kẽ hở giả bệnh án tâm thần

Thứ Bảy, 03/04/2021, 07:18
Giả tâm thần để được đưa đi điều trị nhằm trốn tội, trốn tránh cơ quan điều tra là một thủ đoạn mà tội phạm hay sử dụng. Những người làm công tác giám định pháp y tâm thần nếu không giữ vững bản lĩnh, bị tội phạm mua chuộc, làm sai lệch bệnh án, để tội phạm giả điên sẽ gây ra hậu quả rất lớn cho xã hội.


Bài học nhãn tiền đã xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I và một số bệnh viện có điều trị cho bệnh nhân tâm thần, nhiều cán bộ y tế bị lĩnh án vì lợi ích mà tiếp tay cho tội phạm.

"Bùa hộ mệnh" của tội phạm ma túy

Bệnh án tâm thần đã trở thành “bùa hộ mệnh” hay “tấm bình phong” cho nhiều đối tượng phạm tội trốn tránh trách nhiệm hình sự. Có kẻ tội phạm khi bị bắt trưng giấy chứng nhận bị tâm thần để trốn tội. Tội phạm giả điên không còn là chuyện hy hữu và làm giả bệnh án tâm thần không đơn thuần là sai phạm nghề nghiệp, vi phạm đạo đức, mà chính là hành vi tiếp tay, bao che cho tội phạm.

Khu điều trị của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Điển hình là vụ án đường dây làm giả bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hàng chục đối tượng hình sự vào tháng 6/2018. Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 2 cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I là bác sĩ chuyên khoa II Thân Thái Phong, Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng, Khoa Dinh dưỡng. 

Cơ quan điều tra đã yêu cầu rà soát 94 hồ sơ bệnh án, trong đó có tới 41 hồ sơ là của các đối tượng giang hồ cho thấy có đường dây “chạy bệnh án” cho các đối tượng phạm pháp hình sự nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, cơ quan bảo vệ pháp luật liên tục phát hiện các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có giấy chứng nhận tâm thần giả. Kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng cho thấy có một số cán cán bộ, bác sĩ vì thiếu đạo đức nghề nghiệp, bất chấp pháp luật, bị cám dỗ vật chất mà đã cấp giấy chứng nhận tâm thần giả cho các đối tượng giang hồ, cộm cán. 

Việc này càng khiến các đối tượng này có “bùa hộ mệnh” (được loại trừ trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội), vì thế mà không ngần ngại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý..., gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhiều vụ việc bác sĩ bệnh viện tâm thần tiếp tay cho các đối tượng phạm tội, cấp giấy chứng nhận tâm thần giả đã bị phát hiện phanh phui và xử lý trong thời gian qua. Những tưởng rằng những vụ việc như vậy sẽ làm cảnh tỉnh các cán bộ bệnh viện tâm thần, tuy nhiên sự việc lần này tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I lại lần nữa gây chấn động dư luận, khiến người dân cảm thấy lo lắng thực sự đối với nghề y nói chung và một số bệnh viện tâm thần nói riêng.

Ở vụ án này, Nguyễn Xuân Quý có tiền sử bệnh tâm thần do Viện Pháp y tâm thần Trung ương giám định, vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I từ tháng 11-2018. Theo một chuyên gia tội phạm học, trước đây tội phạm hình sự thường dùng hồ sơ tâm thần để làm thẻ bài trốn tội, có những vụ việc dẫn tới chết người nhưng vẫn không bị xử lý hình sự. Sau này, tội phạm ma túy cũng dùng chính thẻ bài đó để không bị xử lý hình sự. “Việc giám định pháp y tâm thần cực kỳ quan trọng, phải được thực hiện cẩn trọng, nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm”, vị chuyên gia cho biết. 

Vị chuyên gia phân tích: Với tội phạm ma túy, đã bị tâm thần làm sao biết cách giấu ma túy, biết bán ma túy, biết sử dụng thủ đoạn ngụy trang bán ma túy để đối phó với cơ quan Công an. 90% tội phạm ma túy đều sử dụng ma túy, khi sử dụng ma túy đá, các đối tượng xuất hiện ảo giác, có đối tượng biểu hiện giống tâm thần. Khi giám định tâm thần không có máy đo, bằng mắt thường, nghe và cảm nhận, đánh giá… 

Để không bị tội phạm qua mặt, người giám định phải có trình độ chuyên môn cao, thận trọng, khách quan. Chọn người giám định phải có đạo đức tốt để không bị tội phạm mua chuộc, vì lợi ích vật chất mà làm sai lệch hồ sơ bệnh án. Đặc biệt, cần phải siết chặt công tác quản lý, không để những kẽ hở cho bác sĩ và tội phạm lợi dụng để sai phạm.

Phải xử lý nghiêm minh

Theo thông tin mới nhất, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I có báo cáo lần 2 gửi Bộ Y tế. Theo tường trình của BSCKII Đỗ Thị Lưu, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền thì vào tháng 2/2021, tranh thủ ngày nghỉ, nhân viên trong Khoa nghỉ, chỉ có nhân viên trực, bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý tự ý ngăn đôi phòng để sử dụng một mình (cùng phòng với Quý có 1 bệnh nhân khác). Khoa phát hiện sự việc đã yêu cầu bệnh nhân dỡ bỏ vách ngăn nhưng bệnh nhân trình bày lý do muốn ngăn để được nằm điều trị riêng cho yên tĩnh. Vì phòng bệnh rộng nên lãnh đạo khoa đồng ý, không yêu cầu bệnh nhân Quý dỡ bỏ nữa.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân Quý sử dụng phòng riêng, các trang bị bệnh nhân mang vào trong phòng lãnh đạo khoa hoàn toàn không biết. Mỗi khi bác sĩ và lãnh đạo khoa kiểm tra bệnh nhân với tính chất bệnh lý, bệnh nhân ra phòng ngoài và cho khám, hỏi bệnh ở phòng ngoài, không cho ai vào trong. 

Lãnh đạo khoa hoàn toàn không nghĩ tới việc bệnh nhân tàng trữ chất gây nghiện và một số dụng cụ sử dụng chất gây nghiện trong phòng. Chính vì thế, các trang thiết bị và thuốc gây nghiện mà bệnh nhân mang vào phòng cho đến khi cơ quan Công an phát hiện, lãnh đạo khoa hoàn toàn không hay biết.

Bản tường trình trên cho thấy sự vô lý và vô trách nhiệm của BS Lưu cũng như cán bộ điều trị, trông coi Nguyễn Xuân Quý. Luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật thì việc sử dụng cơ sở vật chất của bệnh viện phải theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức, việc sử dụng phải đúng mục đích để phục vụ điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần. Trong khi cơ sở vật chất của các bệnh viện còn khó khăn, thiếu thốn thì bệnh viện này lại trang bị cả một phòng hát, loa đài, đèn chiếu sáng laze để phục vụ cho hoạt động bay lắc, sử dụng trái phép chất ma túy thì đó là câu chuyện không thể tưởng tượng nổi. Có thể xem xét xử lý kỷ luật ở mức cao nhất đối với các cán bộ phụ trách và người đứng đầu cơ sở chữa bệnh này. Đồng thời có thể xem xét làm rõ để xử lý hình sự một số cán bộ, cá nhân về các tội phạm về chức vụ.

Luật sư Cường cho rằng, với nghề y là nghề đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao và có đạo đức tốt vì nghề nghiệp có liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân cộng đồng. Đối với bác sĩ bệnh viện tâm thần thì ngoài việc chữa bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh tâm thần còn phải có trách nhiệm phát hiện ra các đối tượng giả bệnh để trốn tránh trách nhiệm hình sự, phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng cộm cán về an ninh trật tự. 

“Bởi vậy, trong vụ việc bay lắc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay, thậm chí giúp sức cho hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy diễn ra như thế nào để có căn cứ xử lý các cán bộ, bác sĩ có liên quan theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, trong trường hợp có căn cứ cho thấy có cán bộ biết rõ có việc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn tiếp tay giúp sức thì có thể xử lý hình sự với các cán bộ đó về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoặc tội chứa chấp người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Trong trường hợp có cán bộ tham gia vào việc buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý cũng sẽ xử lý hình sự về tội danh tương ứng với vai trò đồng phạm.

Trần Hằng
.
.
.