Các tỉnh miền Trung quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19

Thứ Sáu, 14/08/2020, 07:24
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tại TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam liên tục phát hiện thêm các ca dương tính; nhiều người bệnh từng đến, hoặc đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hoặc có tiếp xúc gần với nhiều người trên địa bàn tỉnh nên nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Vì thế, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng cường lực lượng, nâng cao các giải pháp, phối hợp với cơ quan y tế và ngành liên quan để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan…


Những ngày qua, ngoài việc bố trí lực lượng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để xác minh, truy vết F1, F2 và những trường hợp có liên quan đến bệnh nhân (BN) nhiễm COVID-19 từng ghé đến các địa điểm ở địa phương, Công an TP Huế còn bố trí lực lượng đảm bảo ANTT tại các khu cách ly; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở lưu trú, các chợ, cửa hàng kinh doanh, quầy thuốc…

Trung tá Phan Nguyễn Nhân Hạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Huế cho biết, qua kiểm tra việc chấp hành phòng chống dịch của người dân và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm các quy định, như không mang khẩu trang nơi công cộng; tập trung quá 20 người tại nơi công cộng; nhiều quán karaoke, tiệm game online vẫn hoạt động.

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Do đó, ngoài việc lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm, đơn vị còn tuyên truyền đến người dân và các cơ sở, cửa hàng kinh doanh buộc phải thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch COVID-19; những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm.

Anh Nguyễn Hoàng Phong, chủ quán cà phê ở phường Phước Vĩnh, TP Huế, cho hay, sau khi được các cán bộ, chiến sĩ Công an TP Huế tuyên truyền, nhắc nhở, anh cho nhân viên quán bố trí bàn cà phê tối đa không quá 4 người, bàn cách bàn 2m và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn cho khách để đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Tuy nhiên, không phải chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nào cũng chấp hành nghiêm các quy định như anh Phong. Điển hình như mới đây, qua kiểm tra, Công an thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) phát hiện quán karaoke 999 đóng trên địa bàn có 9 khách tập trung hát tại 2 phòng của quán này.

Tại phòng hát số 2, Công an phát hiện các đối tượng Nguyễn Văn Trường Sơn (SN 1997, trú xã Phong Hòa); Lê Hoàng Kim (SN 1996) và Trương Đình Ánh (SN 1993), trú xã Phong Thu; Trần Thị Mỹ Châu (SN 1997, trú phường Hương Long, TP Huế) có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy. Test nhanh phát hiện 3 đối tượng Sơn, Kim, Ánh dương tính với ma túy nên cơ quan Công an đã mời các đối tượng về làm việc; đồng thời lập biên bản xử lý chủ quán karaoke vi phạm quy định phòng dịch…

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương ở tỉnh Thừa Thiên-Huế còn kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở kinh doanh, cửa hàng, quầy kinh doanh lương thực, thực phẩm ở các chợ; xử lý các trường hợp sai phạm, lợi dụng dịch COVID-19 để tăng giá, găm hàng, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện có 13 ca dương tính với SARS-CoV-2 chuyển từ các tỉnh, thành đến đang được điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế, trong đó có nhiều ca tiên lượng nặng.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang tổ chức cách ly y tế tập trung 2.680 trường hợp; cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú hơn 4.813 trường hợp; khuyến cáo tự cách ly tại nhà và nơi lưu trú hơn gần 3.632 trường hợp; đã thực hiện xét nghiệm 30.750 mẫu.

Theo Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, đi đôi với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an tỉnh đã tăng cường bố trí lực lượng CSGT, Cảnh sát cơ động, Công an chính quy của các địa phương phối hợp với lực lượng liên ngành để làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát y tế.

Bình quân mỗi ngày, các chốt đã kiểm tra hàng nghìn lượt phương tiện và người qua về; thực hiện khai báo y tế, cách ly đối với những người từ vùng dịch trở về địa phương theo đúng quy định. Đặc biệt, lực lượng Công an tích cực phối hợp truy vết, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp từ vùng dịch vào địa phương nhưng không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả.

* Sáng 13/8, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Quảng Nam (đóng tại huyện Núi Thành) công bố khỏi bệnh và cho xuất viện đối với 2 BN 716 và 719. BN 716 (nữ, SN 1978, trú thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) và BN 719 (nam, SN 1992, trú thôn Bình Khương, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) được chuyển đến BVĐK Trung ương Quảng Nam vào ngày 6/8, sau 1 tuần điều trị, 3 lần xét nghiệm đều có kết quả âm tính.

Theo quy định, các BN xuất viện trở về tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày với sự giám sát của cán bộ y tế địa phương. Ngoài ra, có nhiều BN mắc COVID-19 khác tại Quảng Nam cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị.

Liên quan đến công tác xét nghiệm SARS-CoV-2, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho BVĐK Vĩnh Đức (tại thị xã Điện Bàn) chủ động đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, hệ thống máy móc xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime-PCR nhằm nâng cao năng lực xét nghiệm để thay thế phương pháp test nhanh.

Đồng thời, yêu cầu bệnh viện này đào tạo cán bộ xét nghiệm đúng quy định và triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 đảm bảo hiệu quả, phù hợp; gửi báo cáo năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 về Sở Y tế Quảng Nam và Viện Pasteur Nha Trang.

Trong quá trình triển khai xét nghiệm, đơn vị tham gia xét nghiệm sàng lọc các mẫu thu thập từ cộng đồng theo chỉ đạo của Sở Y tế. Khi kết quả xét nghiệm nghi ngờ phải báo cáo về Sở Y tế, đồng thời chuyển mẫu về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam để xét nghiệm khẳng định.

Như vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 4 cơ sở được phép xét nghiệm COVID-19 và có kết quả xét nghiệm được công nhận, gồm CDC Quảng Nam, Trường Đại học Phan Châu Trinh, BVĐK Trung ương Quảng Nam và BVĐK Vĩnh Đức. Việc tăng cường các cơ sở đủ năng lực để xét nghiệm SARS-CoV-2 có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch; giúp cơ quan chức năng phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức truy vết F1, F2, tiến hành cách ly, khoanh vùng dập dịch.

Những ngày qua, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Quảng Nam vẫn đang diễn biến phức tạp khi số người mắc COVID-19 gia tăng. Tuy nhiên, với sự “tiếp lửa”, động viên của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch.

Thống kê sơ bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, tính từ ngày 29/7 đến 12/8 đã có 52 cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 30 tỷ đồng cùng nhiều vật tư, trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm khác, góp phần chung tay phòng, chống dịch bệnh. Sự chung tay giúp đỡ của các doanh nghiệp, đơn vị, các nhà hảo tâm cùng với nguồn lực của Nhà nước là điều kiện tối quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định tiếp tục cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Hội An kể từ 0h ngày 14/8. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã quyết định cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP Hội An, bắt đầu từ 0h ngày 31/7 đến 0h ngày 14/8.

* Cùng ngày, tại tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận còn 4 ca mắc COVID-19 đang được theo dõi, chăm sóc, điều trị tại Cơ sở 2 - Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn. Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập và đi vào hoạt động hơn 1.200 tổ giám sát và truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng, thực hiện việc theo dõi, giám sát, truyền thông phòng, chống dịch tại các hộ gia đình.

Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh tại tỉnh này đang có dấu hiệu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, đa số các ca mắc tại Quảng Ngãi nói riêng và cả nước đều không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ nên nguy cơ bỏ sót ca bệnh (F0) nếu không truy vết tất cả các đối tượng tiếp xúc.

Vì vậy, cần tập trung cao độ để thực hiện quyết liệt các biện pháp, nhất là truy vết đối tượng có yếu tố dịch tễ. Cần huy động thêm nhiều nhân lực, vật lực để tham gia. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực xét nghiệm và trả kết quả tại tỉnh để kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp và mở rộng đối tượng lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc, truy vết.

* Tại tâm dịch Đà Nẵng, ngày 13/8, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định áp dụng biện pháp cách ly khu vực để phòng chống dịch COVID-19 đối với 2 khu chung cư trên địa bàn quận Sơn Trà; gồm nhà B1 - chung cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông và nhà A3 - chung cư Vũng Thùng, phường Nại Hiên Đông. Thời gian cách ly, phong tỏa bắt đầu từ 10h ngày 13/8 đến 10h ngày 27/8 (có thể gia hạn thêm trong trường hợp cần thiết).

Để đảm bảo thực hiện biện pháp cách ly, người dân sinh sống tại các chung cư trên phải ở tại căn hộ, không được ra ngoài, thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn; hạn chế giao tiếp với người khác trong chung cư, nếu giao tiếp phải giữ khoảng cách 2m, không hoang mang, lo sợ, bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân và gia đình theo chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Theo ghi nhận thực tế, vào thời điểm thực hiện biện pháp cách ly, toàn bộ 2 khu chung cư được căng dây bảo vệ, lực lượng Công an, dân phòng và bảo vệ dân phố được bố trí chốt chặn tại cửa chính ra vào chung cư. Lực lượng y tế cũng đã triển khai các biện pháp khử khuẩn, khoanh vùng dập dịch.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, 2 chung cư B1 và A3 có tổng cộng 90 hộ với 211 nhân khẩu. Trong đó chung cư B1 có 4 ca mắc COVID-19, chung cư A3 có 2 ca mắc. Toàn bộ các ca mắc COVID-19 đã được đưa đi cách ly, chữa trị tại các bệnh viện chuyên sâu, riêng các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tập trung.

Nại Hiên Đông là phường có 56 block (toà nhà) chung cư, với hơn 4.770 căn hộ, được mệnh danh “phố chung cư”. Hiện tại, trên địa bàn phường đã ghi nhận 12 ca mắc COVID-19, và là địa phương có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trên địa bàn TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện tại.

Trước đó, vào tối 11/8, UBND phường Nại Hiên Đông cũng đã ra thông báo khẩn cấp liên quan đến thông tin về việc tạm dừng hoạt động chợ Nại Hiên. Nguyên nhân là qua điều tra dịch tễ một số ca nhiễm COVID-19, có 3 BN đã vào mua bán tại chợ này.

Để kịp thời ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng, ngay trong sáng 11/8, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã phối hợp với UBND phường Nại Hiên Đông tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ tiểu thương và người đi chợ tại thời điểm lấy mẫu để tầm soát dịch tễ.

Và trong thời điểm chờ kết quả xét nghiệm, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho tiểu thương và nhân dân, vào sáng 12/8, UBND phường Nại Hiên Đông quyết định tạm thời ngưng hoạt động chợ Nại Hiên Đông để phun khử khuẩn, cho đến khi cơ quan chức năng xác nhận an toàn.

Cùng ngày, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cũng đã ra quyết định về việc thiết lập vùng cách ly y tế đối với thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang - nơi có các ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố trong những ngày qua. Theo BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, tính từ ngày 24/7 đến 18h ngày 12/8, Bộ Y tế công bố tại Đà Nẵng ghi nhận 296 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 263 trường hợp đang điều trị tại TP Đà Nẵng, 16 trường hợp được chữa khỏi bệnh và ra viện.

Qua đó, đã xác định được 10.242 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định), 11.338 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định). Đặc biệt, đã xác định được 28 điểm dịch có quy mô 2 ca trở lên, là các điểm nóng thuộc 16 phường tại 7 quận, huyện. Hiện tại, Đà Nẵng đã cách ly 21.580 trường hợp, lấy mẫu xét nghiệm đối với 68.150 người.

Tính từ 27/7/2020 đến nay, lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị chức năng xử phạt hành chính 401 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch, với số tiền 497 triệu đồng. Trong đó, nhiều nhất vẫn hành vi vi phạm không đeo khẩu trang theo quy định, tụ tập đông người, sử dụng ma túy trái phép, đánh bạc...

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đánh giá cao sự cố gắng của CBCS trong công tác phòng, chống COVID-19 và bảo đảm ANTT trên địa bàn.

Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, dịch bệnh COVID -19 còn nhiều diễn biến phức tạp, chính vì vậy Công an các đơn vị, địa phương cần phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người dân không chủ quan trong công tác phòng, chống COVID-19; tuần tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về giãn cách xã hội; quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện, tự phát thu hút đông người nhưng không có biện pháp giãn cách phù hợp. Bên cạnh đó, cần bố trí nhà bạt tại các chốt để CBCS làm nhiệm vụ vào mùa mưa, không để ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cũng trong ngày 13/8, UBND Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện phối hợp với Sở Y tế, CDC Đà Nẵng hoàn thành việc truy vết và tổ chức xét nghiệm cho hết những người dân có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngay sau khi công bố các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày, đề xuất Sở Y tế thẩm định trình Chủ tịch UBND TP xem xét ra quyết định cách ly, khoanh vùng các điểm nóng có người nhiễm COVID-19 vào 8h ngày hôm sau và thực hiện ngay các bước phòng, chống dịch đối với các điểm này.

Đồng thời, tăng cường xử phạt hành chính theo thẩm quyền các hành vi vi phạm Chỉ thị 16; giao Sở Công Thương và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý tốt hơn hoạt động các chợ, siêu thị trên địa bàn; giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở LĐ,TB&XH, Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan làm việc với nhà thầu, chủ đầu tư, chủ sử dụng lao động các công trình xây dựng có trách nhiệm hỗ trợ điều kiện ăn, ở, đưa người lao động về quê nếu có nhu cầu; không để người lao động ở lại các công trình, lán trại không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Đặc biệt, Công an TP khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý, đưa ra xét xử kịp thời các vụ án vi phạm trong thời gian dịch bệnh để kịp thời tuyên truyền, răn đe.

Một tin vui, vào sáng 13/8, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã công bố 10 BN mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Đây là số BN khỏi bệnh nhiều nhất trong một ngày kể từ khi Đà Nẵng bùng phát dịch.

Ông Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, cho biết, các BN khỏi bệnh đều có kết quả xét nghiệm âm tính từ 3-5 lần (gồm các BN 466, 469, 495, 555, 581, 638, 682, 665, 730 và 685). Các BN có độ tuổi từ 1-66; trong đó, có 8 BN người Đà Nẵng và 2 BN người Quảng Nam.

Sau khi xuất viện, các BN được xe của bệnh viện đưa về tận địa phương để tiếp tục cách ly, theo dõi y tế thêm 14 ngày tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trao giấy xuất viện cho các BN và chia sẻ, đây là dấu hiệu đáng mừng của ngành Y tế và là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực trong suốt thời gian qua. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, ngành Y tế Đà Nẵng và Trung ương đã dồn sức ở Bệnh viện Hòa Vang để tập trung cứu chữa các BN mắc COVID-19.

Hơn 170 BN còn lại tại đây sẽ tiếp tục được cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất, với phác đồ điều trị phù hợp để được an toàn trong điều trị tại bệnh viện cũng như sau khi xuất viện. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết thêm, công tác điều trị các BN nhiễm COVID-19 còn lại vẫn còn đang tiếp tục.

Ngành Y tế đang phối hợp với Bộ Y tế triển khai, áp dụng các phác đồ điều trị mới, nhất là những BN có bệnh nền, để tích cực theo dõi, điều trị thích ứng với thể trạng, bệnh lý. Hiện tại, số BN xét nghiệm có kết quả âm tính ngày một nhiều lên.

Có được kết quả bước đầu này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, các bệnh lý, tim mạch, thận nhân tạo để hỗ trợ các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Bên cạnh đó, bệnh viện được chi viện hơn 100 thầy thuốc từ Phú Thọ, Bình Định, Huế để phối hợp tổ chức, điều trị, hồi sức.

Nhóm PV
.
.
.