Các bệnh viện phải nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19
Tương tự, tỉnh Bạc Liêu cũng huy động lực lượng vào cuộc triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch khi nhận được báo cáo có ca nghi nhiễm. Tuy nhiên, mẫu bệnh phẩm sau đó được gửi đi xét nghiệm khẳng định lại cho kết quả âm tính, hàng loạt các biện pháp trước đó đã được tháo bỏ.
Chấn chỉnh phòng xét nghiệm
Chiều tối ngày 1/3, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng người bệnh và nâng cao chất lượng xét nghiệm để đáp ứng công tác chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K. Các thành viên đã góp ý bệnh viện trong công tác phân luồng, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên sàng lọc, vấn đề giãn cách người bệnh, các quy trình đón tiếp, quản lý người bệnh ra, vào bệnh viện...
Khám sàng lọc và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện K. |
Trước đó, ngày 22/2, Bệnh viện K đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho bà T.T.Th. (SN 1963, ở thôn Đông Hải, xã Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) và có kết quả nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Bà Th làm ruộng và thường xuyên chăm sóc chồng điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện K cơ sở 3 từ tháng 10/2020. Lần lên viện gần đây nhất của bà là vào ngày 18/2.
Ngày 20/2, chồng bà Th có biểu hiện sốt, chuyển phòng cách ly tại Khoa Nội I. Đến ngày 22/2, bà Th và chồng được lấy mẫu sàng lọc tại Bệnh viện K Tân Triều và có kết quả nghi nhiễm SARS-CoV-2. Sau đó, mẫu xét nghiệm đã được chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm khẳng định.
Ngay khi nhận được thông tin, CDC Hà Nội đã cử 1 đội đáp ứng nhanh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, Bệnh viện K tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết trường hợp nghi mắc. Cùng đó, cơ quan chức năng đã tạm thời phong tỏa Khoa Nội I và tòa nhà khu B để điều tra dịch tễ. Mẫu bệnh phẩm của bà Th đồng thời được chuyển về CDC Hà Nội làm xét nghiệm khẳng định.
Chiều 23/2, mẫu xét nghiệm đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trong khi kết quả nghi nhiễm trước đó đã gây hoang mang, lo lắng trong bệnh viện và người bệnh.
Tương tự, ca nghi nhiễm COVID-19 ở tỉnh Bạc Liêu cũng khiến dư luận quan tâm bởi người này không có yếu tố dịch tễ từ vùng dịch. Sáng 28/2, CDC tỉnh Bạc Liêu báo cáo có một trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 do Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu thực hiện xét nghiệm khi đi xin việc làm. Đó là bệnh nhân nam, SN 1972, đang sống tại huyện ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng.
Bệnh nhân chưa biết chữ, không biết lái xe máy và thường làm thuê tại địa phương. Bệnh nhân có sức khỏe bình thường và trong 14 ngày qua không tiếp xúc hoặc không liên quan tới vùng/điểm nguy cơ có dịch bệnh, đồng thời không đi khỏi nơi cư trú.
Ngay sau đó, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cùng CDC Bạc Liêu và CDC Sóc Trăng đã triển khai toàn bộ hoạt động đánh giá dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm và coi như một ổ dịch để xử lý ngay trong khi chờ khẳng định. CDC tỉnh Bạc Liêu và CDC tỉnh Sóc Trăng đã xác định ngay các F1 và xử lý theo quy định.
Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh phẩm nghi nhiễm trên và tiến hành xét nghiệm trên cả hai mẫu thu thập ngày 27/2 và ngày 28/2 của bệnh nhân đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã cử đội chuyên môn đánh giá phòng xét nghiệm tới tỉnh Bạc Liêu để rà lại toàn bộ quy trình, kết quả xét nghiệm, biện giải và đã có những chấn chỉnh, hướng dẫn để đảm bảo kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Không thể làm “tạm bợ, đối phó”
Trước sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 biến thể mới, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nâng mức cảnh báo lên cao nhất, xét nghiệm tất cả người có biểu hiện hô hấp, nhằm không để lọt ca bệnh. Bệnh viện Thăng Long là nơi nữ công nhân Hải Dương đến thực hiện xét nghiệm COVID-19 vào ngày 15/1, cho kết quả âm tính. Sau đó, nữ công nhân này bay sang Nhật để xuất khẩu lao động và ngày 17/1 có kết quả dương tính với SASR-CoV-2 tại quốc gia này. Đây là ca bệnh đầu tiên ở Hải Dương được phát hiện, mở đầu chuỗi lây nhiễm tại địa phương này và dịch lan ra 12 tỉnh, thành phố khác.
Tiếp sau đó, dù dịch đang bùng phát tại Hải Dương, Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn lại bỏ lọt một ca bệnh là nam, 60 tuổi, là F2, từng ở nhà 7 ngày, có triệu chứng sốt, đi khám nhưng nhân viên y tế không phát hiện được. Đến ngày 4/2 xét nghiệm lại mới phát hiện dương tính, sau đó bệnh nhân này chuyển nặng nhanh.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng ra quyết định tạm đóng cửa phòng khám Raffles ở Tây Hồ do để lọt bệnh nhân 2.229 là chuyên gia người Nhật (bệnh nhân này phát hiện tử vong ngày 14/2) khi từng 2 lần đến khám, nhưng nhân viên y tế không phát hiện và cũng không chỉ định lấy mẫu xét nghiệm.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện phải đẩy mạnh xét nghiệm, sàng lọc sớm các ca bệnh và phải hết sức cảnh giác với tất cả các ca bệnh có ho, sốt, khó thở, dù không có yếu tố dịch tễ cũng xét nghiệm ngay hoặc đưa về điều trị tập trung ở các bệnh viện có thể cấp cứu được. Tuy nhiên, việc lấy mẫu và xét nghiệm cũng phải hết sức chuẩn xác, tránh để xảy ra trường hợp sai sót, đặc biệt các bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm SARS-CoV-2.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá cao việc Bệnh viện K chủ động thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 sàng lọc cho người bệnh, nhân viên y tế, người chăm sóc tại bệnh viện. Tuy nhiên, để giúp bệnh viện tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm Realtime RT-PCR, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã giao Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ, giám sát, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp, rút kinh nghiệm (nếu có) đối với trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả khác nhau như trường hợp nêu trên. Việc này nhằm liên tục cải tiến chất lượng xét nghiệm phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng chống dịch COVID-19.
Qua làm việc với Bệnh viện K, PGS.TS Trần Huy Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học cho biết, bệnh viện cần rà soát một số quy trình chuyên môn và tất cả các quy trình trong bệnh viện phải có sự phê duyệt của Giám đốc bệnh viện. Đặc biệt, bệnh viện phải xây dựng và rút kinh nghiệm trong quy trình quản lý, báo cáo thông tin, đặc biệt là những thông tin liên quan đến dịch bệnh phải đảm bảo tính chính xác, đúng người, đúng việc.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, phòng chống dịch COVID-19 là một nhiệm vụ còn dài trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Do đó, các bệnh viện không thể làm “tạm bợ, đối phó”. PGS.TS Lương Ngọc Khuê và các thành viên trong Đoàn kiểm tra ủng hộ Bệnh viện K sớm hoàn thiện các góp ý để Phòng xét nghiệm của bệnh viện được xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, vì bệnh nhân ung thư đa số đều suy giảm hệ miễn dịch. Việc đảm bảo công tác xét nghiệm sẽ giúp bệnh viện chủ động trong công tác phòng chống dịch và đáp ứng việc điều trị cho người bệnh.
Hải Dương kết thúc cách ly xã hội vào 0h ngày 3/3 Từ 0h ngày 3/3, Hải Dương kết thúc 15 ngày cách cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, gỡ bỏ phong tỏa TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, toàn tỉnh chuyển sang trạng thái mới, vừa phòng dịch vừa thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều người lo lắng, Hải Dương kết thúc cách ly trong khi vẫn có các ca bệnh mới liệu có an toàn? Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, quyết định trên là hợp lý. Tuy nhiên, Hải Dương cần đánh giá kỹ các nguy cơ dịch bệnh theo từng địa bàn cấp huyện, thành phố, thị xã, thậm chí tới từng xã, phường để có quyết định hợp lý. Nơi nào có nguy cơ cao cần tiếp tục cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 để đảm bảo mục tiêu kép. Đồng thời, Hải Dương cần đẩy mạnh xét nghiệm tại các điểm có nguy cơ, tăng cường giám sát để tiếp tục phát hiện được các ổ dịch mới có thể còn ẩn giấu trong cộng đồng. Đặc biệt, người dân cần tuân thủ Thông điệp 5K. (T.H) |