Giữa Thủ đô, cả làng điêu đứng vì dịch sốt xuất huyết

Thứ Ba, 01/12/2015, 08:28
Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang được các lực lượng chức năng tăng cường phun diệt muỗi ở các nơi có ổ dịch. Tuy nhiên, sau những đợt cao điểm phun trừ muỗi của bên y tế dự phòng, số lượng người mắc bệnh ở phường Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội vẫn tăng lên, thậm chí có gia đình 7 người thì cả 7 người cùng nhập viện vì SXH.

Phú Lương hiện có khoảng 22.000 khẩu được chia ra làm 22 tổ. Trong đợt dịch SXH đây là một trong nhưng ổ dịch lớn của quận Hà Đông, đặc biệt tại các tổ 2, 3, 5… số lượng người mắc khá lớn. Có mặt tại tổ 2 Văn Nội, điểm bùng phát dịch SXH đầu tiên của phường Phú Lương, ông Tưởng Phi Thăng, Tổ trưởng tổ 2 cho chúng tôi biết, tổ 2 có hơn 1.000 khẩu trên 300 hộ.

Từ lúc phát dịch SXH tới nay gần 3 tháng thì hầu hết trong tổ nhà nào cũng có từ 1-2 người bị, có hộ bị cả nhà. Có gia đình đi viện chi phí rất tốn kém như trường hợp của anh Phan Huy Huyên tổ 2 bị SXH nặng, tụt tiểu cầu xuống gần 0, tiếp 2 chai tiểu cầu mất 10 triệu, chưa kể tiền thuốc khác và tiền điều trị tại viện.

Trong khi đó, anh Phúc ở tổ 3, Văn Nội cũng là một bệnh nhân SXH, anh cho biết, tổ 3 rất nhiều nhà có người bị SXH, một người mắc dịch cả nhà lo theo, không làm ăn được gì, tốn kém vô cùng. Sợ nhất là mọi người trong gia đình cũng mắc.

Đi tiếp vào tổ 5, điểm bùng phát dịch SXH sau tổ 2 nhưng số người mắc dịch SXH vẫn cao, anh Nguyễn Viết Cường ở tổ 5, Văn Nội cho biết, anh và con trai bị SXH mới khỏi được gần 1 tuần nay. Theo sơ bộ xung quanh nhà anh đợt vừa qua có hơn 10 người mắc SXH. Thứ 7 vừa qua lực lượng chức năng có đi phun thuốc muỗi đồng loạt, bệnh cũng có đỡ hơn.

Cách đó không xa, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dán, 68 tuổi, cũng đang điêu đứng về SXH, nhà bà có 6 người thì 3 người bị SXH liên tiếp nhau, trong đó bà và cháu trai phải nằm viện điều trị, còn một đứa cháu gái phát hiện sớm điều trị ở nhà. Tính sơ bộ riêng chi phí của bà nằm điều trị ở Bệnh viện 103 hết hơn 5 triệu đồng. Đứa cháu trai nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cả tuần nay rồi chưa thanh toán không biết hết bao nhiêu, cả gia đình giờ đảo lộn hết mọi việc vì dịch bệnh.

Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được truyền dịch tại Trạm xá phường Phú Lãm - Hà Đông.

Ông Nguyễn Viết Oánh, Tổ trưởng tổ 5 cho biết, tổ 5 có hơn 1.400 người với hơn 300 hộ, số người mắc dịch SXH khá lớn. Như hộ gia đình ông Tâm - Sơn ở tổ 5 có 7 người thì bị cả 7 người từ già đến trẻ. Nhà ông Cử ở ngõ 8, ngách 2 có 3 người bị cả 3. Hay gia đình Nguyễn Công Thắng có 4 người, Nguyễn Công Tiến 5 người thì cả nhà bị gần hết và đều nằm ở Viện Y học cổ truyền. Ở đây, mỗi hộ ít nhất có từ 1-2 người bị SXH…

Đặc biệt, trong tổ 5 có một trường hợp bị SXH khá nặng, đó là em Phan Thi A, 16 tuổi, bị tràn dịch màng phổi, kèm theo một số triệu chứng khác. Hiện, em vừa mổ tim xong đang ở phòng hồi sức cấp cứu  Bệnh viện Bạch Mai…

“Số hộ bị cả nhà nhiều lắm, hầu như nhà nào cũng có người bị SXH, dịch tới nhà nào thì điêu đứng nhà đó, vừa hao tổn tinh thần vừa tốn kém vô cùng, đơn giản đi vào viện cũng tốn từ 5-10 triệu, số hộ tốn 10-30 triệu cũng không ít. Ngay bản thân nhà có 5 người thì tôi và con trai bị SXH. Tính sơ bộ 2 bố con hết hơn 7 triệu rồi”, ông Oánh nói.

Làng Văn Nội, vốn là một làng đông dân, khá sầm uất của phường, tuy nhiên, trong thời gian qua dịch bệnh SXH đã làm cho không khí ở đây trầm hẳn xuống, nhà nào cũng có người bị SXH.

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Y tế phường Phú Lãm, tháng 10 và 11 có 281 lượt người dân của Phú Lương và Phú Lãm ra khám có nghi ngờ SXH, trong đó người dân Phú Lương chiếm đa số. Đây chỉ là một con số khá khiêm tốn so với số người dân trong làng Văn Nội bị SXH. Bởi theo lý giải của Trưởng trạm Y tế phường Phú Lãm, khi dịch bệnh bùng phát, người dân nghi nhiễm SXH đã chủ động lên các bệnh viện tuyến trên khá nhiều, có một số mới phát hiện thì ra trạm xá khám và điều trị ban đầu, còn con số thực tế chắc nhiều hơn rất nhiều.

Theo ông Tưởng Phi Thăng, công tác dập dịch từ trung tâm y tế thành phố, quận, phường đều xuống tuyên truyền và phun thuốc thường xuyên nhưng không dập hết được dịch, tổ 2 rộng, có khu cánh đồng nên cũng khó khăn trong công tác dập dịch. Bên cạnh đó, trong quá trình đi tuyên truyền xuống các hộ, có một số hộ không hợp tác. Để có thể dập được dịch trong thời gian tới cần có sự hợp tác của người dân, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, cùng đẩy lùi dịch SXH.

Đồng thời, có ý kiến cũng cho rằng, cần dập dịch kép phun đồng bộ bằng xe ôtô vào buổi tối xung quanh nhà và khu vực, sau đó ban ngày phun trong nhà để hạn chế tối đa sự phát tán muỗi mang bệnh.

Lưu Hiệp
.
.
.