Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát việc tiêm vaccine ComBe Five ở Hà Nội

Thứ Tư, 09/01/2019, 14:29

Trước sự quan tâm của dư luận về một số phản ứng của vaccine ComBe Five, nhất là khi từ năm 2019 cả nước đều triển khai tiêm vaccine này trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, ngày 9-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp kiểm tra công tác tiêm phòng  vaccine này tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội).



Tại các điểm tiêm chủng thuộc Trạm Y tế xã Phú Nghĩa và Ngọc Hòa, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra kiến thức của nhân viên y tế về quy trình chống sốc, việc xử lý khi trẻ có phản ứng nặng sau tiêm chủng; về khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm và hướng dẫn người dân theo dõi trẻ sau tiêm. 

Nhận xét về việc thực hành tiêm chủng của các nhân viên y tế trong việc tiêm vaccine ComBE FIVE, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng nhân viên y tế đã được tập huấn đầy đủ; các dây truyền lạnh và hộp chống sốc được cập nhật theo hướng dẫn mới nhất, cán bộ y tế đã nắm vững kiến thức khi được hỏi về việc tư vấn cũng như xử lý những phản ứng sau tiêm chủng nếu xảy ra sự cố.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác thực hành tiên chủng tại Chương Mỹ

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý: Bất cứ một vaccine nào đều có nguy cơ, nhưng tỉ lệ rất thấp so với lợi ích mà vaccine mang lại. Như tại Hà Nội, trong hơn 5.000 trẻ được tiêm vaccine ComBE Five, chỉ có 2 trường hợp trẻ ở Quốc Oai và Mê Linh có biểu hiện sốt, khóc kéo dài. Các bé đều đã ổn định sau khi được chuyển đến Bệnh viện  Xanh Pôn điều trị. Vả lại, theo thống kê, tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi từ 20- 30 trẻ mỗi ngày do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm các bệnh sẵn có như viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh lý tiềm ẩn khác, do đó không loại trừ trẻ tử vong sau tiêm chủng vì sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi chặt chẽ  trẻ sau tiêm để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế xử lý nếu có các phản ứng sau tiêm chủng.

Theo Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa, đã có hơn 240 trẻ được tiêm vaccine ComBE Five tại đây và nhân viên y tế đã khám sàng lọc và hoãn tiêm hơn 60 cháu. Sau tiêm, có 5 trẻ bị phản ứng, tỉ lệ trẻ có sốt chiếm khoảng 16% nhưng đều ổn định sau khi được xử lý.

Ông Hoàng Đức Hạnh –Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng báo cáo với Bộ trưởng tình hình triển khai tiêm vaccine ComBE Five:  Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai tiêm vaccine ComBE Five trên toàn địa bàn. Tập huấn kỹ cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng về các quy trình tiêm chủng an toàn, đặc biệt việc tư vấn, hướng dẫn người dân phát hiện, xử trí phản ứng sau tiêm; tập huấn giám sát và phản ứng sau tiêm chủng.  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội  và các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết về việc triển khai tiêm vaccine ComBE Five đồng thời tổ chức tuyên truyền về việc triển khai tiêm vaccine này. Đồng thời, các đơn vị luôn sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị đồng thời có phương án xử trí khi có các trường hợp phản ứng sau tiêm xảy ra.

Từ ngày 2-1-2019, các đơn vị bắt đầu tiêm vaccine ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng đến ngày 2-12-2019. Đã có 268/584 xã, phường, thị trấn thuộc 14/30 quận huyện, thị xã của Hà Nội thực hiện tiêm vaccine ComBe Five trong buổi tiêm chủng thường xuyên với tổng số 5.312 trẻ. Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nhẹ, thông thường như sốt, sưng đau tại nơi tiêm, quấy khóc, 2 trường hợp phản vệ nhẹ (mức độ I).Hiện tại tất cả các cháu đã khỏe mạnh bình thường.

Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp thị sát tại các điểm tiêm chủng

Đặc biệt, ngành y tế Hà Nội đã tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tuần, thay vì hàng tháng để tăng cơ hội tiêm chủng đúng lịch cho các đối tượng tiêm chủng (cả trẻ em và phụ nữ có thai).

Để có những kết quả  này, từ đầu năm, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng. Ngoài ra, theo diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, UBND Thành phố Hà Nội và Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời công tác tiêm chủng phòng bệnh.

Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội coi trọng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức: Truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp cho các bà mẹ trong các buổi tiêm chủng, qua facebook, website về lợi ích của tiêm chủng, các hình thức dịch vụ tiêm chủng, các phản ứng sau tiêm chung, cách theo dõi và xử trí; thực hiện nhắn tin nhắc lịch.

Ngoài ra, ngành y tế còn phối hợp với ngành giáo dục kiểm tra, rà soát lịch sử tiêm chủng của các học sinh, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các vaccine theo khuyến cáo của ngành y tế. Công tác kiểm tra giám sát hoạt động tiêm chủng tại các tuyến cũng như việc điều tra giám sát xử trí phản ứng sau tiêm chủng được quan tâm.

Thanh Hằng
.
.
.