Bộ Y tế thành lập 40 đội cơ động ứng phó với virus Corona

Thứ Ba, 28/01/2020, 20:56
Chiều 28-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống virus Corona mới (nCoV); trong đó Phó Thủ tướng chỉ đạo, đêm nay Bộ Y tế phải hoàn thiện 4 kịch bản ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới.

Đến nay Việt Nam ghi nhận có 66 trường hợp có triệu chứng sốt có tiền sử đi về từ vùng dịch, trong đó 28 trường hợp không nhiễm virus Corona, các trường hợp còn lại đang làm xét nghiệm, chưa có kết quả và đều được cách ly theo dõi.

Riêng 2 trường hợp là hai bố con người Trung Quốc dương tính với virus Corona điều trị tại BV Chợ Rẫy, đến ngày 28-1 người con đã khỏi bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona, Bộ Y tế thành lập 40 đội cơ động để cách ly, khử khuẩn trong quá trình điều trị tại chỗ bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona mới.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong đêm 28-1, Bộ Y tế phải hoàn thiện 4 kịch bản ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới.

Theo đó, kịch bản 1 là có người về từ vùng dịch; kịch bản 2 là có 2 người mắc; kịch bản 3 là có 20 người mắc và kịch bản 4 là có hàng nghìn người bị nhiễm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: Báo Chính phủ)

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, nhưng tình hình bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới ở Trung Quốc diễn biến phức tạp hơn, nên chúng ta phải quán triệt tinh thần của Thủ tướng, của Chính phủ ngay từ đầu, sẵn sàng trong mọi tình huống, nhất định không để dịch lây lan rộng. 

"Phải có phương án sẵn sàng đối phó với cấp độ 3 theo quy chuẩn ASEAN là có trên 20  người bị bệnh, những phương án, kịch bản xây dựng phải chi tiết, đặc biệt phải xây dựng kịch bản xấu hơn là có tới hàng nghìn người bị nhiễm, bởi vì chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân các biện pháp vệ sinh để phòng dịch viêm phổi cấp do nCoV

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế chủ động chuẩn bị thuốc, máy thở, khẩu trang, cố gắng có các test thử để nhanh chóng phát hiện người bị bệnh, sớm cách ly và điều trị kịp thời. 

Các bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh phải thành lập đội phản ứng nhanh để ứng phó với dịch trên địa bàn. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai hệ thống giao ban trực tuyến từ đầu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, đến các bệnh viện đang quản lý các bệnh nhân nghi nhiễm để thường xuyên trao đổi, thống nhất về chuyên môn, minh bạch hóa thông tin.

Trước diễn biến của bệnh viêm phổi cấp lan rộng, Trung Quốc đã quyết định dừng các tuyến du lịch ra nước ngoài. Chiều 28-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu tăng cường kiểm soát quản lý người đi qua lại đường mòn lối mở, các cửa khẩu quốc tế, tạm thời không cấp thị thực du lịch cho khách đến từ vùng dịch, trừ trường hợp khẩn cấp.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm phổi cấp do virus Corona đến chiều ngày 28-1, tại Trung Quốc ghi nhận 4.515 ca nhiễm nCoV, 107 trường hợp tử vong. Có 18 quốc gia ghi nhận ca nhiễm nCov với tổng số 65 trường hợp. 

Trước đó, vào 27-1, Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã tổ chức giám sát sức khỏe của 18 y, bác sĩ, nhân viên cấp cứu 115 tiếp xúc với bé trai 10 tuổi người Trung Quốc nghi nhiễm virus Corona. 

Bé trai theo gia đình đi du lịch ở Việt Nam. Tối 26-1, trên đường di chuyển từ Hạ Long đến Hà Nội, bé có biểu hiện sốt, khó thở nên được đưa đến Trung tâm y tế huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương). Bé trai sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. 

Qua chẩn đoán hình ảnh và hội chẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương xác định bệnh nhân nhi 10 tuổi người Trung Quốc bị suy hô hấp, viêm phổi, có tiền sử suy thượng thận bẩm sinh, chưa loại trừ khả năng bị phù phổi. Bệnh nhi nghi nhiễm virus Corona sau đó được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Sáng 28-1, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh nhi được xác định là tổn thương phổi và suy hô hấp nặng, 3 ngày sau mới có kết quả xét nghiệm.

Trần Hằng
.
.
.