Bộ Y tế đảm bảo cung ứng đủ thuốc Tamiflu cho phòng chống bệnh cúm
Đó là khẳng định của đại diện Bộ Y tế trước tình trạng người dân đổ xô mua và tích trữ thuốc Tamiflu để phòng bệnh cúm, khiến nhiều nhà thuốc “cháy” Tamiflu.
- Đóng cửa chợ gia cầm nếu phát hiện virus cúm H7N9
- Bác bỏ thông tin Việt Nam xuất hiện chủng virus cúm lạ
- Việt Nam lo ngại trước dịch cúm mùa bùng phát tại Mỹ
- Gia tăng trẻ nhỏ mắc cúm mùa
Dịch cúm mùa bùng phát ở nhiều nước, khiến hàng chục ngàn người mắc và nhiều người tử vong nên người dân rất hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, tin đồn virus cúm mùa ở Việt Nam biến đổi, tăng độc lực khiến nhiều người lo sợ, tự ý sử dụng thuốc điều trị cúm Tamiflu mà không theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Trước tình hình này, một lần nữa, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định nước ta hiện chưa phát hiện có chủng virus cúm mới cũng như chưa thấy sự đột biến làm tăng độc tính, hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người; cũng chưa phát hiện thấy các chủng virus mới nào tại Việt Nam. Với hai Trung tâm cúm quốc gia được thiết lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam đủ năng lực xét nghiệm phát hiện các chủng virus cúm, kể cả chủng virus cúm có độc lực cao.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, để giám sát chặt chẽ tình hình cúm trong cả nước. Vì thế, người dân không nên hoang mang!
Tamiflu là thuốc sử dụng phải theo đơn để tránh nguy hiểm cho sức khỏe |
Còn về việc người dân ồ ạt tự ý sử dụng thuốc điều trị cúm Tamiflu, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho biết: Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn vì nếu sử dụng không theo đúng chỉ định có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe người dùng. Vì thế, việc cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, người dân tuyệt đối không tùy tiện sử dụng vì có thể gây hại.
“Khi có triệu chứng nghi là bệnh cúm hoặc nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, người dân nên đến cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa để được bác sỹ thăm khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.”- đại diện Cục Quản lý Dược lưu ý.
Theo ông Nguyễn Văn Kính- Giám đốc Bệnh viện (BV) các bệnh nhiệt đới, người dân nên tiêm phòng cúm bằng vaccine, nhưng không nên tùy tiện sử dụng thuốc Tamiflu, mặc dù Việt Nam có nguồn thuốc này dồi dào, đảm bảo ứng phó khi có dịch. Tamiflu được tìm ra nhằm chữa cúm H1N1, chứ không phải là thuốc đặc hiệu cho tất cả các loại cúm. Nếu dùng thuốc bừa bãi thì cũng sẽ xuất hiện chủng kháng thuốc.
Việt Nam đã sản xuất được nhiều vaccine phòng bệnh |
Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân, nhất là khi có dịch, Cục Quản lý Dược đã chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp, các cơ sở đăng ký, sản xuất, nhập khẩu, phân phối... phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng để kịp thời dự báo nhu cầu sử dụng thuốc, kể cả vaccine và sinh phẩm, làm cơ sở cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động việc cung ứng thuốc.
Đại diện Cục Quản lý Dược cũng cho rằng, thuốc Tamiflu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Do đó, thuốc được nhập khẩu mà không cần phải xin cấp phép, do đó, không bị giới hạn về số lượng nên sẽ đảm bảo thuốc cung cấp đủ theo nhu cầu thị trường Việt Nam.
Thực tế, theo Cục quản lý Dược, khả năng cung ứng thuốc Tamiflu là đủ để cung ứng cho nhu cầu sử dụng thuốc trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, các đơn vị sử dụng cần chủ động dự trù, đặt hàng dự trữ tồn kho với các cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu để có kế hoạch cung ứng thuốc kịp thời, tránh trường hợp khi không có dịch thì không có dự trữ, đến khi có dịch thì không kịp NK”, đại diện Cục Quản lý Dược thông tin.
Ngày 8-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, những tháng gần đây, dịch cúm trên thế giới diễn biến phức tạp. Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9, bùng phát dịch cúm mùa tại Mỹ và cúm A/H1N1 tại Triều Tiên. Ở nước ta, tình hình bệnh cúm tại nhiều địa phương cũng gia tăng, số phải nhập viện tăng cao ở một số BV tuyến cuối. Trong khi đó, thời tiết hiện lại rất thuận lợi cho bệnh cúm lây lan. Vì thế, để chủ động ứng phó với dịch cúm, không để dịch lan rộng kéo dài, gây quá tải BV cũng như tình trạng lây chéo trong BV, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương khẩn trương đẩy mạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cúm; phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà, đến cơ sở y tế khi có diễn biến nặng. Các BV tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn BV, không để lây chéo trong BV; chủ động phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, lấy mẫu và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các tác nhân cúm độc lực cao; kiểm soát chặt và chỉ định dùng thuốc kháng virus, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc. “Các cơ sở y tế phải chuẩn bị đầy đủ, hỗ trợ kịp thời vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để sẵn sàng thu dung điều trị và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế các tỉnh cần phối hợp cơ quan thú y và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các ổ dịch cúm trên gia cầm, xử lý triệt để khi phát hiện ổ dịch, không để lây lan sang người và kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết nhập lậu qua biên giới để phòng tránh bệnh cúm gia cầm.” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo. |