Lại cho phép tái nhập “chất tạo nạc” Salbutamol

Thứ Năm, 25/08/2016, 17:56
Sau 9 tháng tạm dừng vì bị lạm dụng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, nguyên liệu salbutamol đã được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho phép nhập lại để làm thuốc, nhằm tránh tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh. 


Thông tin này được đại diện Cục Quản lý Dược khẳng định vào chiều 25-8, sau khi đã có văn bản gửi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) –Bộ Công an, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan thông báo về việc trên.

Việc Bộ Y tế cho tái nhập nguyên liệu salbutamol thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua, vì đây là chất bị Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi. 

Theo các chuyên gia thì salbutamol tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người nếu dùng sai mục đích. Ủy ban cảnh giác Dược châu Âu đã khuyến cáo không nên sử dụng salbutamol trong sản khoa ở dạng đường uống hoặc đường đặt hậu môn trong việc phòng ngừa cơn cơ thắt chuyển dạ. 

Đặc biệt, phụ nữ mang thai sử dụng lâu dài hay ăn các thực phẩm tạo nạc từ salbutamol có nguy cơ làm tăng khả năng bị quái thai. Việc sử dụng thịt động vật có dùng salbutamol sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra các triệu chứng rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, co thắt phế quản, phù nề, run cơ, liệt cơ, choáng váng,…

Phát hiện salbutamol bị dùng sai mục đích, ngày 20-11-2015, Cục Quản lý dược đã có công văn yêu cầu tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol.

Khuyến cáo về việc salbutamol bị dùng sai mục đích sẽ gây hại cho sức khỏe con người 

Với những tác dụng xấu cho sức khỏe nên vào tháng 3-2016, dư luận đã “sôi sùng sục” khi Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, năm 2015 có trên 20 doanh nghiệp nhập khẩu 9.140 kg salbutamol về Việt Nam. 

Nhưng trong đó có trên 6 tấn đã được bán ra thị trường và khoảng 3 tấn còn nằm trong kho của các doanh nghiệp, nhưng chỉ có 10 kg được sử dụng đúng quy định để sản xuất dược phẩm, số lớn còn lại đã bị sử dụng không đúng mục đích, khi bị lạm dụng làm thành chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Chính phủ cũng từng đánh giá việc “sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề bức xúc, nguy hại cho sức khỏe người dân” và chỉ đạo Bộ NN&PTNT,  Bộ Công Thương, Bộ Công an tăng cường kiểm soát phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển xử lý hình sự…

Thiết nghĩ, vấn đề quan trọng nhất là cơ quan quản lý Nhà nước cần làm tốt việc hậu kiểm việc nhập nguyên liệu sabultamol của các doanh nghiệp. Với một nguyên liệu làm thuốc được đưa vào dạng phải kiểm soát đặc biệt, càng đòi hỏi sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý để không thể xảy ra như đã từng là một lượng rất lớn nguyên liệu sablutamol trở thành chất cấm dùng trong chăn nuôi, gây nên sự hoang mang trong xã hội một thời gian dài, bởi những nguy cơ không hề nhỏ cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Thanh Hằng
.
.
.