Bi hài hay bi kịch: Nhập 6 tấn Salbutamol nhưng chỉ có 10kg sử dụng đúng quy định!?

Thứ Bảy, 26/03/2016, 18:07
Việc Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế lên tiếng đổ lỗi và phản bác lẫn nhau sau thông tin 6 triệu con lợn ăn chất cấm những ngày qua đã chỉ ra một thực tế: Cả 2 Bộ đều chưa quản lý được lĩnh vực mà mình có nhiệm vụ quản lý.


Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, thì trên 6 tấn Salbutamol đã được bán ra thị trường, chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định, cũng chỉ ra công tác quản lý của ngành nông nghiệp còn yếu kém.

Tình trạng sử dụng tràn lan chất tăng trọng, siêu nạc đã tồn tại nhiều năm, nhưng đến nay, ngành nông nghiệp vẫn không quản lý được và hậu quả là người tiêu dùng phải gánh chịu. Liên tiếp những ca bệnh ung thư chết những ngày gần đây, cùng con số bệnh nhân mắc ung thư tăng cao hàng năm, liệu có trách nhiệm về công tác quản lý chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt của ngành nông nghiệp hay không?

Trong khi hai Bộ đang đổ lỗi cho nhau thì người tiêu dùng lãnh đủ!

PGS.TS. Ngô Tiến Hiển, Chủ tịch Hội KHCN lương thực, thực phẩm Việt Nam từng chỉ ra: Việc tiêm thuốc ngủ cho lợn trước khi vận chuyển, bơm nước vào dạ dày trâu, bò, lợn có kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh hay sử dụng chất bluleteron để tạo nạc có thể gây ngộ độc thần kinh, suy thận và ung thư, nhưng dù được phát hiện đã nhiều năm mà đến nay vẫn không có biện pháp ngăn chặn.

Về phía Bộ Y tế, mặc dù phản bác những thông tin của đại diện ngành nông nghiệp là chưa chính xác, như số liệu “chỉ 10kg được sử dụng đúng quy định” là không có cơ sở, nhưng Bộ Y tế, mà đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc cho nhập khẩu Salbutamol là Cục Quản lý Dược, cũng không đưa ra được con số chính xác về việc sử dụng Salbutamol đúng mục đích trong các doanh nghiệp.

Sự nguy hiểm của chất tạo nạc với con người (theo Viện công nghệ sinh học –Công nghệ thực phẩm)

Theo lý giải của ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược thì việc cho nhập Salbutamol là theo Thông tư 47 của Bộ Y tế là “được xem xét số lượng nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thuốc, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, với mục tiêu đảm bảo tính linh hoạt và chủ động trong sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh.”

Nhưng điều đáng nói ở đây là, từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Salbutamol vì việc sử dụng trong chăn nuôi sẽ tác động xấu đến sức khỏe con người. Trong khi đó, thật ngạc nhiên khi Cục Quản lý Dược là đơn vị chuyên ngành, lại không nắm được tác dụng xấu của Salbutamol đối với đời sống và nhất là sức khỏe con người, để làm đúng chức năng là tham mưu, tư vấn với Bộ Y tế việc quản lý loại thuốc này cho phù hợp với tình hình, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT?

Cũng ngạc nhiên nữa về công tác quản lý của Cục này khi đến cuối năm 2015 mới nghe được thông tin về việc Salbutamol bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi. Và cũng đến lúc này Cục mới vội vàng tư vấn để Bộ Y tế có các biện pháp “chạy theo” là “thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol; đề xuất bổ sung vào Luật Dược sửa đổi việc đưa Salbutamol vào loại "thuốc phải kiểm soát đặc biệt".

Vì lợi nhuận nhiều người chăn nuôi lợn đã sử dụng Salbutamol.

Bên cạnh đó, việc cho nhập theo yêu cầu của các doanh nghiệp có vấn đề hay không, khi chỉ hậu kiểm 6/10 cơ sở nhập khẩu Salbutamol đã phát hiện 4 cơ sở vi phạm trong việc bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định?

Mà riêng Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông (số 7 ngõ 39/1 Pháo Đài Láng, Hà Nội) còn nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol nhiều hơn 200kg so với số lượng trên đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu thuốc đã được Cục Quản lý Dược duyệt, đồng thời, bán buôn nguyên liệu Salbutamol cho đơn vị, cá nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Như vậy, còn hàng ngàn kilogam Salbutamol nữa đã nhập về Việt Nam thời gian qua được các doanh nghiệp sử dụng ra sao, đến nay, Cục Quản lý Dược vẫn chưa có câu trả lời chính xác!

Cho đến nay, cả nước đều biết đã có hơn 9.000kg Salbutamol có mặt ở Việt Nam và những tác động xấu của nó đối với sức khỏe con người khi không được sử dụng đúng mục đích.

6 tấn Salbutamol đã được bán ra thị trường, chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định

Thế nhưng, nỗi lo lớn hơn nhiều là cả 2 bộ quản lý Nhà nước liên quan đến vấn đề này lại đều không có con số thuyết phục với người dân: Bộ Y tế không có được con số chính xác các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu Salbutamol đúng mục đích, còn Bộ NN&PTNT cũng không đưa ra được con số Salbutamol đã bị đưa vào trong chăn nuôi là bao nhiêu, ở những nơi nào.

Vì thế, bệnh tật từ việc quản lý lỏng lẻo những nguyên liệu như Salbutamol khiến chúng bị sử dụng sai mục đích đang như những lưới hái của tử thần treo lơ lửng trên đầu mọi người. Đó thật sự là một tội ác!

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế): Sử dụng Salbutamol có tác dụng phụ thường thấy là run, lo lắng, đau đầu, rút cơ, khô họng và hồi hộp; hoặc mạch đập nhanh, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ cơ tim và rối loạn giấc ngủ và hành vi. Salbutamol dùng với lượng lớn sẽ gây hiện tượng tim đập nhanh, hệ thống thần kinh hưng phấn quá mức. Khi ăn phải thịt có chứa các chất β-agonist có thể tích lũy trong cơ thể, gây hậu quả kéo dài hoặc ảnh hưởng sức khỏe con người như huyết áp, tim mạch, thậm chí, gây ung thư.


Thanh Hằng
.
.
.