Chống dịch COVID-19, Bình Phước phát phiếu cho các hộ dân đi chợ

Chủ Nhật, 04/07/2021, 19:48
Chiều 4/7, Sở Công thương tỉnh Bình Phước ban hành công văn khẩn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại chợ trên địa bàn.

Theo đó, đối với các chợ đang hoạt động bình thường, thành lập Tổ kiểm tra an toàn COVID-19 tại các chợ; lập danh sách lái xe, phụ xe vận tải cung cấp hàng hóa cho các điểm kinh doanh tại chợ. 

Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ; triển khai ứng dụng quét mã QR code tại các chợ và thông tin đến người dân khi đến mua sắm tại chợ nên sử dụng Smartphone có cài đặt ứng dụng Bluezone để thực hiện khai báo y tế điện tử qua việc quét mã QR code khi vào chợ.

Đối với các chợ đang bị phong tỏa, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung như trên. Đồng thời chỉ đạo ban quản lý các chợ tùy theo tình hình thực tế, thực hiện ngay một số biện pháp như tiếp tục phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ của chợ để phân luồng lối ra - vào và tập trung nhân lực kiểm soát khu vực cửa chính của các chợ, nhằm đảm bảo việc giám sát các đơn vị cung cấp hàng hóa tại chợ, các tiểu thương và khách ra vào chợ thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng, chống dịch.

Triển khai cho các tiểu thương việc thực hiện ghi nhật ký bán hàng tại chợ với đầy đủ các thông tin cần thiết: họ tên, số điện thoại liên lạc của khách hàng, thời điểm giao dịch trong ngày… để phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết. 

Tạm ngưng hoạt động đối với các mặt hàng, ngành hàng không thiết yếu tại chợ, nhằm giảm bớt số lượng người dân vào chợ. Đặc biệt, căn cứ tình hình thực tế để quyết định tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Thực hiện phương án phát phiếu cho các hộ dân đi chợ 3 ngày một lần (mỗi hộ 5 phiếu, đi chợ trong 15 ngày).

Hiện ở Bình Phước đã có ca nhiễm COVID-19 liên quan đến chợ.

 Nhằm chủ động hơn đối với nguồn cung hàng hóa, Sở Công thương khuyến cáo các hộ tiểu thương, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn cần đa dạng hóa nguồn cung để có thể kịp thời thay thế các nguồn cung hiện có trong trường hợp nguồn cung hiện nay không thể cung cấp hàng hóa liên tục; khuyến cáo người dân mua hàng hóa trên các ứng dụng bán và giao hàng trực tuyến, nhằm hạn chế việc mua sắm trực tiếp, tập trung đông người, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến phải thực hiện các biện pháp kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên vận chuyển và giao hàng; đảm bảo lực lượng, phương tiện vận chuyển hàng hóa luôn sẵn sàng phục vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân.

Nguyễn Cảnh
.
.
.