Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Thứ Năm, 19/03/2020, 19:42
Đây là chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao của Việt Nam năm nay (24/3), muốn nêu rõ từ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao – căn bệnh gây tử vong cao hơn nhiều so với TNGT.

13.000 người chết vì bệnh lao mỗi năm

Chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo về Ngày Thế giới phòng chống lao tổ chức chiều 19/3, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, theo điều tra số người mắc lao mới trên toàn quốc là 174.000 người, nhưng hiện nay, hằng năm Chương trình Chống lao quốc gia chỉ phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người. Tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 57%, có nghĩa là còn tới 43% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và báo cáo trong cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Hãy hành động để chiến thắng bệnh lao vào năm 2030. 
Dự kiến số người phát hiện trong khu vực tư nhân hoặc cơ sở y tế đa khoa nhưng chưa được đăng ký điều trị hoặc chưa báo cáo với Chương trình là khoảng 20 nghìn người. Như vậy, còn khoảng 50.000 người chưa được quản lý và điều trị, thời gian dài, nếu mắc lao sẽ lây sang người khác.

Việt Nam vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. 

Người bệnh lao cần được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi sẽ cao

Số người chết do lao năm 2018 ở Việt Nam ước tính là 11.000 người và có thêm 2.000 người chết vì Lao/HIV. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi.

Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao mới trên thế giới là 85%, con số này ở bệnh nhân kháng đa thuốc là 56%. Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là làm thế nào phát hiện thật nhiều, thật sớm các ca bệnh lao để điều trị khỏi, làm cho nguồn lây hết đi. Thứ hai, phải phát hiện sớm hơn nữa những trường hợp nhiễm lao mà chưa phải là bệnh lao, là lao tiềm ẩn nhất có nguy cơ trở thành bệnh lao. Muốn làm được điều này, chúng tôi đề ra chiến lược mới, trở thành Chương tình hành động quốc gia đến năm 2030 chuẩn bị trình để được phê duyệt. Đó là: cam kết, đột phá và vận động. Một là cam kết chấm dứt bệnh lao từ Chính phủ, các cấp chính quyền, Bộ Y tế và cam kết của nhân dân. Hai là đột phá về công nghệ, gồm phương tiện chẩn đoán mới rất nhạy và xét nghiệm Expert đột phá trên toàn cầu; thuốc mới, phác đồ mới…Bên cạnh đó phải đột phá về tiếp cận để dịch vụ đến với mọi người. Nhưng không đợi mọi người có triệu chứng đến khám mà phải phát hiện chủ động.

Theo người đứng đầu Bệnh viện Phổi Trung ương, để có thể phát hiện được nhiều số ca mắc lao, Chương trình đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. “Chúng tôi có 29 xe Xquang di động đi khắp cả nước để sàng lọc nhanh nhất với độ nhạy hơn 90%, Expert với hơn 200 máy để phát hiện sớm. Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao sẽ được điều trị miễn phí thuốc chống lao, đối với tất cả các thể lao”- PGS. TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Người nghèo cũng được chữa lao khỏi bệnh

Những người tử vong do lao chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, Chương trình đã điều trị hơn 100.000 bệnh nhân mỗi năm, số người tử vong khi đã được phát hiện và điều trị chỉ là hơn 2.000 người bệnh. Để mọi người bệnh có thể được phát hiện và điều trị kịp thời, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là của cả cộng đồng, không kỳ thị mặc cảm mà chủ động tham gia phát hiện bệnh khi có triệu chứng.

Ngày 4/12/2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao (Ủy ban Quốc gia).  Ủy ban Quốc gia được chính thức thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt nam vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Ngoài ra, Việt Nam đã có Chương trình Chống lao Quốc gia, với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc mà nòng cốt là Bệnh viện Phổi Trung ương, có Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)…Tất cả những điều đó sẽ giúp Chương trình đạt được mục tiêu đã đề ra: Đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, người dân dù nghèo nhất, hãy để bác sĩ chẩn đoán lao cho mình. Người dân không có thẻ BHYT đã có Quỹ PASTB hỗ trợ mua thẻ bảm hiển. Quỹ PASTB đã hỗ trợ gần 2.000 người trong 2 năm qua, dự kiến năm tới có 2.500 người được hưởng lợi từ quỹ này. Vì vậy, cần truyền thông làm sao để cho người dân nghèo tiếp cận quỹ. 

PASTB là một quỹ xã hội, từ thiện, mục tiêu cơ bản của Quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao. 

Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB: Bắt đầu từ 00h00 ngày 3/3/2020 đến 24h00 ngày 1/5/2020. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn sốlượng tin nhắn). 

Ngoài ra, các tổ chức/ cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thông tin: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, tầng 1, nhà K, Bệnh viện Phổi Trung ương. 

Trần Hằng
.
.
.