Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh báo cáo nguyên nhân sản phụ tử vong

Thứ Năm, 02/05/2019, 17:43
Vụ sản phụ Nguyễn Thị Huê (Sn 1983, trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) tử vong khi sinh mổ ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vào ngày 30-4 gây xôn xao dư luận những ngày qua. Chiều 2/4, theo yêu cầu của Sở Y tế Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã có báo cáo về trường hợp tử vong của chị Huê.

Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 8h ngày 30/4, sản phụ Nguyễn Thị Huê (Sn 1983, trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có dấu hiệu chuyển dạ được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Chị Huê được các bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán thai đủ tháng, chuyển dạ sinh con thứ 3. 

Lúc nhập viện, sản phụ tỉnh táo, da môi hồng, thể trạng bình thường. Khoảng 11h30, khi thấy sản phụ đau bụng dữ dội, gia đình đã gọi bác sĩ thăm khám. Nhưng 20 phút sau mới có một người trực đẻ tại bệnh viện tên là Hà thăm khám và cho biết tử cung của sản phụ mới mở 3 phân.

Sản phụ tiếp tục đau dữ dội, da bắt đầu tím dần. Người nhà tiếp tục yêu cầu bác sĩ kiểm tra. Lúc này chị Hà truyền thuốc cho bệnh nhân. Khoảng 2 tiếng sau sản phụ bất tỉnh nên được bác sĩ cho thở ô xi và mổ cấp cứu. Ca mổ đã cứu được bé trai nặng hơn 3kg, nhưng sản phụ rơi vào hôn mê, mất máu nhiều nên bệnh viện yêu cầu người nhà hiến máu cứu sản phụ. Tuy nhiên, sản phụ đã tử vong sau đó.

Người nhà sản phụ cho rằng cái chết của sản phụ là do sự chậm trễ, chủ quan của kíp trực gây ra nên đã kéo đến bệnh viện yêu cầu làm rõ nguyên nhân.

Ngày 1-5, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có có văn bản yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá, kiểm tra quá trình tiếp đón, chẩn đoán, theo dõi, chăm sóc và xử trí của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đối với việc sản phụ Huê tử vong. 

Chiều 2-5, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Sở Y tế Hà Tĩnh về nguyên nhân tử vong của sản phụ Nguyễn Thị Huê. Theo bệnh viện, sản phụ Huê nhập viện vào lúc 7h30 ngày 30-4 với chẩn đoán thai đủ tháng chuyển sinh con thứ 3.

 Quá trình khám và theo dõi chuyển dạ cho sản phụ từ lúc vào viện cho tới 12h30 phút sản phụ đều tỉnh, da niêm mạc hồng, tim thai cơ bản đập 140 lần – 150 lần/phút… Bác sĩ tư vấn cho sản phụ và gia đình theo dõi đẻ thường và các nguy cơ có thể xảy ra.

Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh

Lúc 13h20 ngày 30-4, sản phụ đột ngột xuất hiện khó thở, tím môi và lan ra khắp mặt, co giật toàn thân, mạch máu không bắt được, huyết áp không đo được. Tiến hành hồi sức tại chỗ bằng bóng có oxy qua mask, đặt nội khí quản bóp bóng có oxy qua nội khí quản, hồi sức tích cực. 

Kíp trực đã báo cáo BSCKII Trương Huy Hưng trực lãnh đạo bệnh viện, mời các chuyên khoa như Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức…tiến hành hội chẩn xử trí cấp cứu tại chỗ. Chẩn đoán khi hội chẩn: trụy mạch – Theo dõi tắc mặc ối/thai đủ tháng chuyển sinh con thứ 3, vỡ ối sớm. 

Sau khi xử trí cấp cứu, tình trạng sản phụ lơ mơ, da xanh, niêm mạc kém hồng, tím môi và đầu chi, mạch 80 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg, bóp bóng qua nội ống khí quản, tim thai 120 lần/phút. Sản phụ có chỉ định chuyển Khoa Gây mê hồi sức mổ cấp cứu theo ý kiến hội chẩn.

13h30 kíp phẫu thuật tiến hành mổ lấy ra 1 bé trai. 14h30 sản phụ phải thở máy, tiếp tục theo dõi và sử dụng kháng sinh, tăng co tử cung theo ý hội chẩn. Tuy nhiên, đến 15h15 phút sản phụ rơi vào hôn mê…15h30 phút tiến hành hội chẩn toàn viện với chẩn đoán sản phụ rối loạn đông máu – sốc mất máu/Hậu phẫu lấy thai. Năm phút sau, sản phụ đột ngột xuất hiện ngừng tim, mạch rời rạc, khó bắt, huyết áp không đo được. 

Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn 30 phút tim sản phụ đã đập trở lại. Tuy nhiên, đến 17h20 sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn 60 phút không kết quả xác định, sản phụ đã tử vong với chẩn đoán: sốc mất máu, rối loạn đông máu/Hậu phẫu lấy thai lần 3 – Theo dõi thuyên tắc mạch ối.

Theo ông Hoàng Quang Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, sản phụ vào viện được chẩn đoán, điều trị, cấp cứu kịp thời, nhanh chóng khi có diễn biến xảy ra. Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn toàn viện, hội chẩn lãnh đạo liên khoa để thống nhất chẩn đoán, xử trí và điều trị, nhưng do bệnh quá nặng nên không qua khỏi. Đây là một trong 5 tai biến sản khoa rất nặng, bất khả kháng, diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao và khó lường trước.


Trần Hằng
.
.
.