Bệnh viêm não Nhật Bản đang ở đỉnh dịch

Thứ Hai, 11/07/2016, 17:47
Theo  PGS.TS.  Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, viêm não Nhật Bản đang lây lan nhanh ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Giang, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai…


Ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã có gần 20 trường hợp viêm não Nhật Bản nhập viện điều trị, có trường hợp rất nặng, thậm chí, nguy hiểm đến tính mạng. Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai hiện cũng đang có gần 10 ca viêm não Nhật Bản được điều trị. Các đơn vị y tế Hà Nội cũng phát hiện 11 trường hợp viêm não Nhật Bản.

Theo PGS.TS.  Trần Đắc Phu, viêm não Nhật Bản là căn bệnh có nguy cơ mắc ở mọi lứa tuổi nếu chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Hầu hết người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản không có triệu chứng lâm sàng, nhưng bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, dẫn tới một số biến chứng như hôn mê sâu do ứ đọng đàm nhớt, mất phản xạ ho, sặc hoặc liệt hầu họng, thậm chí tử vong.

Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6, 7. Sở dĩ bệnh thường gặp vào mùa này vì là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, nhất là ở miền Bắc, nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, nguy cơ lây bệnh càng cao.

Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc, nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người. 

Nhiều trẻ bị viêm não Nhật Bản diễn biến bệnh rất nặng

Dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp bao gồm những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như  vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê.

Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn  nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.

Đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét… Biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm vaccine phòng bệnh, đặc biệt, người dân cần tránh không để bị muỗi đốt.

Thanh Hằng
.
.
.