Bé gái 2 tuổi ở Bến Tre tử vong do mắc bệnh tay chân miệng
- Bệnh tay chân miệng gia tăng ở nhiều địa phương
- Bệnh tay - chân - miệng tăng mạnh ở Cần Thơ
- 61 tỉnh, thành đều có trẻ bị tay-chân-miệng
Trước đó, chiều 19-9, bé H.T.D. (2 tuổi, xã Bình Phú, TP Bến Tre) bị sốt và được người nhà đưa đi khám tại phòng khám tư nhưng tình hình sức khỏe bé không tiến triển tốt, mà còn có triệu chứng nặng hơn. Sáng 20-9, bé D. được đưa đến khám tại Khoa Nhi, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (TP Bến Tre).
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé D. viêm hô hấp trên và cho điều trị ngoại trú, hẹn tái khám sau 1 ngày và bác sĩ căn dặn nếu có triệu chứng trở nặng như sốt cao, li bì… phải đưa ngay bé đến bệnh viện. Tối cùng ngày, bé bị nôn ói, người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao trên 40 độ, nốt loét đầu lưỡi trái. Lòng bàn tay, chân không sang thương.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh rất nặng và điều trị tích cực, đồng thời phối hợp với bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) hội chẩn điều trị. Bên cạnh đó, Bệnh viện huy động mọi phương pháp, thuốc nhưng tình trạng bệnh nhi không hồi phục. Bệnh nhân liên tục sốt cao trên 40 độ và tử vong sau 13 giờ nhập viện. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4 ngày 3, thể không điển hình, biến chứng phù phổi cấp, sốc, viêm não.
Ngành Y tế tỉnh Bến Tre đang tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Cùng với việc tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh tay chân miệng, ngành Y tế tổ chức tẩy uế sàn nhà, dụng cụ đồ chơi trẻ em tại gia đình bệnh nhân tử vong, các hộ xung quanh có trẻ dưới 5 tuổi và tại trường mầm non trẻ đang theo học bằng Cloramin B. Qua theo dõi trong gia đình bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân, tại trường bệnh nhân theo học, chưa ghi nhận trường hợp mắc tay chân miệng.
Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, đây là một trong số ít trường hợp mắc bệnh không điển hình theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bệnh nhân mắc tay chân miệng thuộc chủng vi-rút Enterovius 71 (EV 71) là thể vi-rút ẩn, ít hoặc không có dấu hiệu sang thương tay chân miệng, nhưng biến chứng nặng, diễn biến nhanh dễ dẫn đến tử vong.
Đồng thời, khuyến cáo hiện nay đang vào mùa bệnh tay chân miệng. Phụ huynh không được chủ quan, khi thấy trẻ quấy khóc, biếng ăn, giật mình lúc ngủ, kết hợp với các biểu hiện sốt, nổi bọng nước, cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế để khám và điều trị theo từng mức độ bệnh.
Phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Các phụ huynh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh vật dụng ăn uống sạch sẽ trước khi sử dụng, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày, đồ chơi của bé. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính và rất dễ lây nếu vệ sinh không đảm bảo. Hiện bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc đặc trị.
Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Bến Tre ghi nhận 908 ca mắc tay chân miệng, giảm 1.146 ca so với cùng kỳ năm 2017, tăng 1 ca tử vong.