Bắt bệnh phòng khám đa khoa tư nhân Trung Quốc
- Phòng khám đa khoa sử dụng người không có chứng chỉ chuyên môn
- Vợ chồng chủ phòng khám đa khoa lừa đảo hơn 14 tỉ đồng
- Tại sao Phòng khám đa khoa Maria vẫn hoạt động sau nhiều vi phạm?
Theo ông Bùi Minh Trạng - Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh trong số 10 vi phạm phổ biến trong năm 2016 của hệ thống PKĐK tư nhân, nhất là trong các Phòng khám Trung Quốc (PKTQ), nổi lên là sai phạm quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt mà không có giấy phép; lập sổ khám chữa bệnh nhưng ghi chép không đúng quy định, không đầy đủ, nhất là không minh bạch; ghi bằng tiếng Hoa, không ghi tiếng Việt, dẫn tới tình trạng khi thanh, kiểm tra do không minh bạch bệnh án nên gặp nhiều khó khăn; không đảm bảo nhân lực hoạt động, bố trí người không đầy đủ; sai phạm về biển hiệu, có PKĐK còn trưng hẳn phía góc trên biển hiệu hay trên giấy tờ khám cho bệnh nhân (BN) là PKĐK trực thuộc Sở Y tế để "loè" người bệnh.
Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Phòng Xuất nhập cảnh Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra sai phạm tại một PKTQ trên địa bàn thành phố. |
Song, nổi cộm nhất, theo ông Trạng, là tình trạng BN bị "vẽ bệnh". BN vào bất cứ PKTQ nào cũng đều được chẩn có bệnh, hoặc mắc nhiều bệnh, khi BN quay ngược trở lại bệnh viện của nhà nước, được chẩn đoán không có bệnh đó hoặc không bị nhiều bệnh như vậy.
Ông Trạng cho biết, việc xác định phòng khám "chẩn" bệnh đúng hay sai thì phải đưa ra hội đồng khoa học xem xét. Nhưng vi phạm này chỉ xuất hiện trong các PKTQ chứng tỏ, do PKTQ đã không minh bạch từ đầu về bệnh tật, qui trình chữa bệnh và nhất là giá cả, tổng tiền chi phí. Điều này là vi phạm về Luật Khám chữa bệnh.
Người dân cũng hay khiếu nại các PKTQ có tật hù dọa BN. Nhiều trường hợp thực tế chỉ là viêm nhiễm phụ khoa nhưng đã bị một số bác sĩ TQ "báo hoảng" là bệnh nặng lắm, không điều trị bằng phương pháp họ đưa ra sẽ chết vì bệnh lý ung thư ác tính.
Một thực tế "nhập nhèm" khác là, không biết bác sĩ Trung Quốc (TQ) "phán" bệnh sai hay do người phiên dịch sai, dẫn tới "cách điều trị" sau đó của bác sĩ TQ làm BN không hết bệnh, hoặc bệnh nặng hơn, chi phí vẫn buộc phải trả, lại phải trả rất cao vì có áp dụng "kĩ thuật cao".
Chưa hết, nhiều BN còn bị dồn vào đường cùng. Đó là có khi BN vào phòng khám chỉ làm thủ thuật "cắt bao quy đầu". Tuy nhiên trong hoàn cảnh phải nằm trên bàn đang thực hiện tiểu phẫu, chưa xong mà còn bị BS "bồi" thêm một câu "chết điếng" là "phát hiện ra có một, hai nốt "thừa" có cắt luôn không? Hay mắc cả bệnh trĩ rồi, có cắt luôn không?
Và sau cái gật đầu của BN, là lại phải đóng thêm một khoản tiền có khi lên cả chục triệu đồng. Thực trạng nhập nhèm nữa là phiên dịch nói sai, lệch hẳn về bệnh của BN từ nhiễm trùng tiểu thành mắc bệnh lậu, bệnh "xã hội". Khi thông tin phản ánh lên, thanh tra xuống, cũng chính người phiên dịch đó được BN xác thực là đúng, nhưng khi được hỏi thì vô tư nói chỉ là người tới chơi.
Thực trạng khi đi kiểm tra các PKTQ, cho thấy, phiên dịch chính thức thì không có nhưng người phiên dịch không phép thì có nhiều. Theo ông Trạng, chuyện PKTQ không minh bạch ngay từ đầu, dọa BN như trên là sai phạm "hàng đầu". Trên góc độ pháp lý thì người hành nghề đã vi phạm về quyền lợi chữa bệnh của BN; về mặt nghề nghiệp là vấn đề y đức, đã dồn BN vào "đường cùng", mất tiền một cách oan uổng.
TS. BS Bùi Minh trạng nói rõ: Ngoài 21 tiêu chí bắt buộc các PKĐK phải tuân thủ, thực hiện khi hoạt động, thì sắp tới đây, trước thực trạng có quá nhiều những phản ánh phàn nàn của người bệnh về PKTQ, thanh tra đề xuất, thời gian tới, việc sẽ làm ngay của ngành là ràng buộc trách nhiệm những người đứng đầu, chịu trách nhiệm chuyên môn kĩ thuật của PKĐK.
Theo đó, người trực tiếp điều trị phải được xem xét trình độ, chấm dứt chuyện, trước khi đưa BN lên bàn mổ nói là "bệnh A", khi BN đang nằm trên bàn mổ lại "phán" thêm "bệnh B". Sở Y tế sắp có hướng dẫn theo Luật giá, chủ cơ sở có quyền tự định đoạt giá nhưng phải khai báo giá để xem xét và giám sát, Sở Y tế sẽ đưa bảng giá từng dịch vụ kĩ thuật của các cơ sở công khai trên trang web của sở.
Người chịu trách nhiệm chuyên môn khi phát hiện sai phạm tại PKĐK mà không báo cáo lên chủ đầu tư, không báo sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. BS phụ trách chuyên môn không thể nói mình "vô can" khi phát hiện phiên dịch không đủ trình độ, hay BS làm quá chuyên môn...
Sẽ thực hiện rút cả chứng chỉ hành nghề của người phụ trách chuyên môn, và của cả BS điều trị. Mọi qui trình chuyên môn từ khám (hồ sơ phải viết hoàn toàn bằng tiếng Việt để BN hiểu và thanh, kiểm tra khi cần thiết), đến BN ngoại trú cũng phải có hồ sơ bệnh án theo qui định; mọi khâu từ chẩn đoán, xét nghiệm, phác đồ điều trị, thuốc men, người đứng đầu phụ trách chuyên môn phải quán xuyến được.
Phát hiện vi phạm trong bất cứ khâu nào trong qui trình này, cả BS trực tiếp điều trị và cả BS chuyên môn cao nhất của PK cũng sẽ bị xử lý. Bệnh án lưu trong máy vi tính và trong bệnh án viết tay; phiếu tư vấn cho người bệnh dù là BS TQ tư vấn cũng phải được ghi bằng tiếng Việt... Tất cả mặt được và không được của các PKĐK tư nhân sắp tới sẽ được đăng lên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để người dân trực tiếp giám sát, lựa chọn.