BS gia đình: Chăm sóc sức khỏe người dân với chi phí thấp nhất

Thứ Tư, 03/08/2016, 18:43
Ngành y tế đang kỳ vọng phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) với mục tiêu đến năm 2020, 80% tỉnh, thành phố có phòng khám BSGĐ. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu cho người dân, giảm quá tải tại các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nhân rộng mô hình BSGĐ” tổ chức chiều 3-8, TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) nhấn mạnh lợi ích của hoạt động BSGĐ. Đó là người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện với chi phí thấp nhất, được tiếp cận với thầy thuốc dễ dàng, nhanh chóng, để được KCB hoặc tư vấn về sức khỏe qua điện thoại. 

Người dân cũng được BSGĐ theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục, kể cả khi không bị bệnh, như bác sĩ riêng của gia đình; được hướng dẫn phòng bệnh và KCB các bệnh thông thường. BSGĐ có mối quan hệ gần gũi, gắn bó thân thiết như người thân trong gia đình, giúp người dân tầm soát, xử trí sớm bệnh tật, chuyển tuyến đúng thời điểm, hiệu quả KCB sẽ cao nên chi phí cũng thấp hơn.

Các bệnh mạn tính được chăm sóc ngay tại cộng đồng, giúp bệnh nhân không phải lên tuyến trên. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu làm tốt hoạt động BSGĐ, 70% nhu cầu CSSK ban đầu của người dân được giải quyết ngay tại cộng đồng.

Với hoạt động thực tế, BSGĐ như người “gác cổng” trong hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, giảm tình trạng quá tải ở BV tuyến trên. 

Hoạt động BSGĐ cũng làm tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe người dân một cách nhanh chóng; tiết kiệm kinh phí nằm viện, kinh phí BHYT, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh và xã hội.

Các chuyên gia trao đổi về lợi ích của hoạt động bác sĩ gia đình

Theo TS. Trần Quý Tường, phòng khám BSGĐ được công nhận là cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, nên tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, BSGĐ có thể chuyển tuyến đến BV tỉnh hoặc BV Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến. 

Riêng với phòng khám BSGĐ thuộc BVĐK tuyến huyện, việc chuyển tuyến y học gia đình bao gồm cả việc chuyển người bệnh vào các khoa lâm sàng của BV mà vẫn được coi là đúng tuyến.

Đặc biệt, người dân có quyền lựa chọn phòng khám BSGĐ. Nhưng những người có thẻ BHYT nên chọn phòng khám BSGĐ được thanh toán BHYT. Phí dịch vụ cũng được thanh toán như với Trạm y tế xã, phường và vấn đề là phòng khám BSGĐ phải tự xác định giá cả minh bạch, công khai.

GS. Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội BSGĐ Việt Nam đồng ý về hiệu quả của mô hình phòng khám BSGĐ. Vì khi một người có vấn đề về sức khỏe, họ sẽ muốn nghe lời khuyên từ bác sĩ thân cận nhất, do đó, BSGĐ là rất phù hợp để tư vấn cho người dân. Nhưng để người dân biết và tiếp cận các phòng khám BSGĐ, phải gắn phòng khám BSGĐ vào hệ thống y tế hiện nay.

BHYT toàn dân cũng phải gắn với BSGĐ. Dù có đến BV thì người bệnh vẫn phải được BSGĐ chăm sóc đầu tiên, nếu vượt khả năng mới gửi bệnh nhân đến các BV chuyên khoa, trao đổi với bác sĩ trước và sau khi bệnh nhân nằm viện… Như vậy, sẽ không có chuyện nằm ghép, mà là nằm trong danh sách chờ. Tuy nhiên, hiện Việt Nam lại chưa có danh sách chờ.

BS. Nguyễn Ngọc Ánh, công tác tại Phòng khám Đa khoa Yên Hòa (thuộc Trung tâm Y tế Cầu Giấy) chia sẻ những kinh nghiệm thực tế tại Phòng khám của mình: Các BSGĐ ở đây có nhiệm vụ tư vấn cho bệnh nhân, lập hồ sơ sức khỏe những người đến khám, tư vấn qua điện thoại. Những trường hợp đặc biệt, 

BSGĐ sẽ đến tận nơi để chăm sóc, thăm khám sức khỏe và tư vấn. Tất nhiên, vấn đề giá cả được người bệnh quan tâm khi đến KCB. Vì thế, rất đông người đã tìm đến với các BSGĐ của Phòng khám.

Mặc dù hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhưng việc triển khai hoạt động BSGĐ đang gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa hấp dẫn tư nhân tham gia thành lập phòng khám BSGĐ. Phí dịch vụ KCB tại nhà, tư vấn, sàng lọc chưa được thanh toán BHYT ngay cả đối với các trường hợp có thẻ BHYT.

Người dân được bác sĩ gia đình chăm sóc sức khỏe ban đầu

Đánh giá cao hoạt động của phòng khám BSGĐ, nhưng đến nay ngành y tế vẫn chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống KCB trong quá trình quản lý bệnh nhân; chưa xây dựng được bệnh án điện tử, phần mềm quản lý hoạt động phòng khám BSGĐ.  

Người dân còn chưa hiểu về mô hình phòng khám BSGĐ, còn cho rằng BSGĐ là bác sĩ đến nhà thăm KCB và chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ KCB tại trạm y tế, nên không đến KCB tại phòng khám. Vì thế, hiệu quả trong góp phần giảm tải cho tuyến trên chưa được như mong muốn.

Theo GS. Phạm Huy Dũng, thu nhập của BSGĐ không cao, nhưng yêu cầu lại phải giỏi, đòi hỏi BSGĐ phải luôn học tập thêm, để cập nhật các kiến thức mới nhất. Vì thế, phải có cơ chế chính sách cho người ở trạm y tế xã để kéo bác sĩ giỏi về. 

GS. Phạm Huy Dũng cũng cho rằng, nơi KCB ban đầu phải là BSGĐ và khi phòng khám BSGĐ chịu trách nhiệm về BHYT thì sẽ có nguồn thu tốt để thu hút người giỏi về.

Được biết, tới đây, với dự án HPET, Bộ Y tế sẽ sẽ hỗ trợ về kinh phí đào tạo và hỗ trợ một số trạm y tế xã mua sắm trang thiết bị thiết yếu, sửa chữa trạm y tế, nhằm thu hút bệnh nhân. Hoạt động BSGĐ nhằm tăng cường năng lực cho trạm y tế và lấy con người làm trung tâm, tức là chăm sóc sức khỏe cho người dân từ lúc sinh ra đến cuối đời. Vì thế, ngành y tế đang hy vọng sẽ phát triển được mô hình này, để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Thanh Hằng
.
.
.