Cẩn trọng với dịch vụ bác sĩ gia đình chưa được cấp phép

Thứ Năm, 08/04/2010, 15:33
Bác sĩ gia đình khác với bác sĩ khám bệnh tại nhà. Nếu một số phòng khám tư nhân mà có dịch vụ bác sĩ gia đình là sai. Theo giấy phép đăng ký, phòng khám tư nhân chỉ được hành nghề tại địa điểm cấp phép, nếu đến khám tại nhà người bệnh thì phải xin phép.

Bác sĩ gia đình là một dịch vụ còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nó không những khám, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người bệnh tại nhà, tại các tuyến y tế cơ sở, mà còn góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn. Tuy nhiên, ngay tại Hà Nội mới chỉ có 1 trung tâm bác sĩ gia đình được cấp phép hoạt động, trong khi trên thị trường đã xuất hiện một số phòng khám tư nhân tự "mọc" lên dịch vụ bác sĩ gia đình.

Dịch vụ còn mỏng

Bác sĩ gia đình là dịch vụ rất phát triển ở nhiều nước trên thế giới, năm 1997 giai đoạn đầu của dự án phát triển bác sĩ gia đình đã được khởi động ở Việt Nam. Đến nay, dịch vụ bác sĩ gia đình chủ yếu có mặt ở một số  thành phố lớn. Tuy nhiên, ngay tại Hà Nội mới chỉ có Trung tâm Bác sĩ gia đình ở 50C Hàng Bài là đơn vị duy nhất được cấp phép hoạt động về dịch vụ bác sĩ gia đình vào năm 1997 và trực thuộc Sở Y tế.

Theo Thạc sĩ Lê Đình Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bác sĩ gia đình 50C Hàng Bài thì đội ngũ bác sĩ gia đình khám bệnh, sơ cấp cứu, theo dõi chăm sóc sức khỏe ban đầu của người bệnh tại nhà hiện nay của trung tâm mới có hơn 10 người, trong đó một số người đi học nâng cao chuyên môn. Chẳng cần làm một phép tính nào thì đã thấy lực lượng bác sĩ gia đình còn quá nhỏ bé, không thấm vào đâu so với một Thủ đô 6 triệu dân.

Vì lực lượng mỏng nên dịch vụ bác sĩ gia đình ở 50C Hàng Bài chủ yếu khám chữa bệnh ở quận Hoàn Kiếm với 2.000 hộ gia đình có sổ khám chữa bệnh định kỳ và các quận vệ tinh. Còn các khu vực "vùng sâu, vùng xa" người dân có nhu cầu thì bác sĩ cũng đành… chịu.

Sự quá tải bệnh nhân vào mỗi mùa dịch ở Viện Các bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia.

Theo ông Sơn, nhu cầu sử dụng dịch vụ bác sĩ gia đình của người dân tương đối lớn, nhất là tầng lớp trẻ em và người già, tuy nhiên cung lại không đáp ứng kịp. Mỗi ngày trung tâm nhận được hàng chục cuộc điện thoại gọi đến dịch vụ bác sĩ gia đình, nhưng không phải cuộc khám bệnh nào cũng diễn ra suôn sẻ.

Có những cú điện thoại ngoài giờ làm việc, bác sĩ hộc tốc đến nơi thì bệnh nhân đã đi bệnh viện rồi. Hay như có bệnh nhân khi gọi điện đã trao đổi giá dịch vụ, nhưng khám xong lại kêu đắt. Cá biệt còn có bác sĩ phải làm đơn trình báo ra Công an phường vì bị bệnh nhân quỵt tiền truyền dịch…

Cẩn trọng với dịch vụ bác sĩ gia đình chưa được cấp phép

Do cung không đủ cầu, để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, trên thị trường đã xuất hiện những quảng cáo khá hấp dẫn về dịch vụ bác sĩ gia đình. Chỉ cần nhấp chuột, trên mạng Internet đã hiện ra những dòng quảng cáo khá hấp dẫn của một dịch vụ bác sĩ gia đình nằm trên phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội như sau: "Đội ngũ bác sĩ gia đình của chúng tôi là các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa nhiều năm kinh nghiệm khám và xử lý cấp cứu có thể giải quyết hiệu quả và chất lượng các trường hợp bệnh nhân…".

Tra trên tổng đài, chúng tôi đã có trong tay vài địa chỉ đề là phòng khám đa khoa tư nhân nhưng lại có dịch vụ bác sĩ gia đình. Gọi điện đến một địa chỉ nằm trên phố Đê La Thành, chúng tôi được nhân viên ở đây cho biết, giá 1 lần đến nhà khám bệnh của bác sĩ gia đình là 300.000đ (từ phòng khám tới địa chỉ khám cách nhau 4km).

Do cung quá lớn nên khi bị bệnh, người bệnh đã tìm các dịch vụ bác sĩ gia đình trên mạng Internet, trên tổng đài điện thoại mà không biết ở Hà Nội chỉ duy nhất 1 cơ sở được cấp phép hoạt động dịch vụ này. Thế nên, có người bệnh do không hỏi giá trước, khi khám xong đều ngã ngửa vì… đắt.

Trao đổi với ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, chúng tôi được biết, bác sĩ gia đình khác với bác sĩ khám bệnh tại nhà. Dịch vụ bác sĩ gia đình phải được Sở Y tế Hà Nội cấp phép và đến nay Hà Nội mới chỉ cấp phép hoạt động cho Trung tâm Bác sĩ gia đình ở 50C Hàng Bài. Bác sĩ gia đình phải được đào tạo để trở thành bác sỹ chuyên khoa cấp 1, thành thạo đa khoa, phải quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe tại gia đình bệnh nhân trong một thời gian nhất định. Giá khám bệnh của bác sĩ gia đình được Sở Y tế quy định, trong 1km là 100.000đ/lần khám; từ km2 trở ra thì thêm 10.000đ/km; khám ngoài giờ cộng thêm 20.000đ.

Ông Cường cho biết, nếu một số phòng khám tư nhân mà có dịch vụ bác sĩ gia đình là sai. Theo giấy phép đăng ký, phòng khám tư nhân chỉ được hành nghề tại địa điểm cấp phép, nếu đến khám tại nhà người bệnh thì phải xin phép.

Tự ý khám bệnh thông qua dịch vụ bác sỹ gia đình chưa được cấp phép sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Trước nhu cầu sử dụng dịch vụ bác sĩ gia đình lớn như hiện nay, người dân nên cảnh giác trước các quảng cáo hấp dẫn

Trần Hằng
.
.
.