Vụ than tre chế Vinaca ung thư: Ai chịu trách nhiệm?

Thứ Ba, 17/04/2018, 22:54
Đến nay, loại sản phẩm làm từ bột than tre mang tên “Vinaca ung thư Co3.2” của Công ty TNHH Vinaca chính thức được các cơ quan chức năng “vạch mặt chỉ tên” là hàng giả. Vì thế, không thể không nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan trong vụ việc rất nghiêm trọng này.


Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Bộ Y tế đã xác định đây là loại thực phẩm chức năng (TPCN) giả, đặc biệt trên nhãn sản phẩm còn ghi hỗ trợ điều trị ung thư là có hưởng đến sức khỏe người bệnh khi sử dụng. 

Ông Cường cũng khẳng định đây là cơ sở chưa được cấp phép, sản phẩm cũng chưa được công bố theo quy định, nên Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý, đồng thời, khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm này.

Cuối tuần qua, sau khi báo chí đồng loạt phản ánh về vụ “sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư làm bằng than”, Sở Y tế Hải Phòng mới ra quyết định thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với 6 sản phẩm đã cấp cho Công ty TNHH Hồng An Phong vào tháng 6 và tháng 7-2017, trong đó có “mỹ phẩm ung thư Vi3”.

Giấy đăng ký Vinaca là mỹ phẩm nhưng nhãn lại là TPCN

Mặc dù trong văn bản, Sở này cho rằng, trên nhãn lọ Vinaca có ghi rõ “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhưng một số báo ghi “thuốc chữa ung thư” là không chính xác, thì trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất trong vụ việc là của Sở Y tế Hải Phòng vẫn không thể chối bỏ.

Bởi lẽ nào Sở Y tế Hải Phòng không hiểu được rằng, theo định nghĩa của Bộ Y tế, mỹ phẩm hoàn toàn khác với TPCN. Thế nhưng Sở lại cấp phép cho một sản phẩm mỹ phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư? Chính nhờ sự tiếp tay của Sở Y tế Hải Phòng mà việc lách luật của doanh nghiệp này mới thành công và nhất là, khiến cơ quan Công an khó khăn khi xử lý dù đã xác định rõ hành vi sản xuất hàng giả của Vinaca.

 Lại nữa, là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực y –dược trên địa bàn, nhưng Sở Y tế Hải Phòng đã để cho những sản phẩm không có phép của Bộ Y tế được sản xuất và bán tràn lan như chỗ không người, thậm chí còn mang ra nhiều địa bàn khác. Như vậy, hoặc là có sự thông đồng, nên biết mà không xử lý, hoặc không hề biết và không kiểm soát được dù Công ty này hoạt động lù lù trước mắt? Lý do thứ 2 nghe chừng khó lọt tai vì Công ty này không phải là con kiến mà là hoạt động nhiều ngày và không phải ít người?

Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng nên Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã vào cuộc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng rất quan tâm tới vụ việc này. Quan điểm của Chính phủ là hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, TPCN giả liên quan tới sức khỏe con người đều phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Vì thế, việc xác định rõ các đối tượng chịu trách nhiệm trong việc để cho thứ hàng giả độc ác này ra đời là rất cần thiết.

Giải thưởng từng được trao cho hàng giả

Một đối tượng nữa cũng không thể vô can trong việc tiếp tay cho Vinaca ung thư CO3.2 “vươn vòi bạch tuộc” đến nhiều tỉnh thành trên cả nước chính là BTC chương trình Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017, khi đã trao giải cho sản phẩm Vinaca. Mặc dù hậu quả rất lớn, nhưng khi vụ việc vỡ lở, thì ông Lê Trọng Anh - quyền Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam), Thường trực BTC chương trình này lại thản nhiên chối bỏ trách nhiệm khi cho rằng, Công ty Vinaca gửi hồ sơ công nhận top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017, còn việc kiểm tra chất lượng sản phẩm là thuộc QLTT và Sở Y tế địa phương; rằng chương trình công nhận thương hiệu tổ chức hằng năm do Tạp chí hàng hóa và thương hiệu (VATAP) xét duyệt hồ sơ và việc vinh danh thương hiệu chỉ có giá trị trong năm được vinh danh.

Việc trả lời của vị đại diện BTC vinh danh thương hiệu cho Vinaca cho thấy sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng, nhất là khi cho rằng Công ty Vinaca chỉ đăng ký tên thương hiệu Công ty TNHH Vinaca chứ không đăng ký sản phẩm khi được cấp chứng nhận Top 10 thương hiệu. Đây là cách “nói lấy được” bởi một sản phẩm muốn có thương hiệu, trước tiên phải được đảm bảo về chất lượng. Vì thế, không thể đơn giản là  “sau khi vinh danh, nếu đơn vị có sai phạm trong hoạt động thương hiệu, pháp luật, chúng tôi sẽ thu hồi vinh danh này” như vị đại diện này cho biết.

Không đồng tình với cách giải thích này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế phải can thiệp, không thể để những đơn vị tổ chức giải thưởng lý luận là chỉ công nhận thương hiệu mà không quan tâm tới vấn đề chất lượng. Vì thế, chúng tôi cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm những đơn vị đã trao giải cho sản phẩm được sản xuất trái pháp luật, đặc biệt là Hiệp hội chống hàng giả lại trao cho sản phẩm giả là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, giải thưởng đó chính là cách tiếp tay cho tội ác, khi sự gian dối được bảo chứng để tiếp cận, làm hại người bệnh vốn không dư dả gì.

Thanh Hằng
.
.
.