Khẩn trương dập dịch sốt xuất huyết ở Tây Nguyên

Thứ Tư, 10/08/2016, 18:58
Sau chuyến đi công tác cùng Bộ Y tế tại các tỉnh Tây Nguyên về việc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết-SXH, PGS –TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã có vài trao đổi với giới truyền thông tại TP Hồ Chí Minh.


Được biết, tính đến 30/7/2016, cả nước ghi nhận 49.049 trường hợp mắc SXH, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Riêng khu vực Tây Nguyên ghi nhận 7.411 trường hợp mắc, 4 trường hợp tử vong. Trong đó tỉ lệ người mắc SXH cao nhất là tỉnh Kon Tum, tiếp theo tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một dịp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH và Zika tại khu vực TP Hồ Chí Minh.

Tây Nguyên đã có số mắc SXH tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, việc bùng phát SXH ở các tỉnh Tây Nguyên năm nay có thể coi là đi ngược lại với quy luật chung, bởi thông thường, SXH diễn biến rầm rộ ở những khu vực có tốc độ đô thị hoá nhanh Những đợt bùng phát SXH vào năm 2015 tập trung ở các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ, trong đó tăng cao nhất ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh… đã minh chứng rõ nhất cho quy luật này. 

Vì sao năm nay dịch SXH lại bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên, nơi mà không thể xem là có tốc độ đô thị hóa cao và tập trung nhiều dân nhập cư? PGS – TS Phan Trọng Lân cho rằng lý do nằm ở vấn đề thời tiết thất thường của năm 2016. Do thời tiết nắng nóng kéo dài từ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nhiệt độ tại các tỉnh Tây Nguyên không đủ thấp để tiêu diệt quần thể muỗi ở đây. Quần thể muỗi tồn tại từ cuối 2015, và không bị đứt đoạn nên năm 2016, nhiệt độ tăng cao thích hợp để trứng muỗi tồn tại, sẽ nảy nở thành lăng quăng.

Nhất là các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa, mùa sinh sôi của muỗi vùng Nhiệt đới thì tốc độ bùng phát dịch sẽ tăng cao. Khi đó chỉ cần xuất hiện việc di chuyển người có bệnh SXH đi vào khu vực này thì sẽ gây ra dịch lớn. Khi dịch bùng phát, các đoàn công tác của Bộ Y tế tham gia chống dịch SXH tại Tây nguyên cũng nhận thấy có tình trạng các gia đình để nhiều vật  phế thải đọng nước quanh nhà, là điều kiện để lăng quăng sinh sôi nảy nở thành muỗi truyền dịch SXH. 

Như vậy, bên cạnh lí do thời tiết thì ý thức của người dân cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc bùng phát dịch SXH. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là công tác phát hiện ổ dịch và xử lí ổ dịch cần phải làm triệt để hơn.

Bên cạnh việc vận động người dân kiên trì loại bỏ vật chứa lăng quăng thì phải ngay lập tức, Ban chỉ đạo chống dịch bệnh truyền nhiễm ở các tuyến xã phải khởi động, phân công rõ ràng công việc.

Cùng với việc vận động người dân kiên trì loại bỏ vật chứa lăng quăng thì phải triển khai tại các điểm nóng là tại các Thành phố và thị xã. Giảm nhanh quần thể muỗi, không để lây lan. Phải tranh thủ "cơ hội" kiểm soát triệt để dịch trong vòng 8 ngày, tích cực phun thuốc để có mầm dịch vẫn ko lây lan.

Đặc biệt, theo ý kiến ông Lân, xung quanh cơ sở y tế có nhiều bệnh nhân thì phải kiểm soát cao hơn nữa. 4-5 ngày đầu sốt, virus Dengue phát triển mạnh lây lan. Ban chỉ đạo tuyến xã phải phân công rõ ràng, vận động người dân. Cán bộ y tế phải xác định ngay "ổ bọ gậy nguồn" ở đâu thì mới có thể dập tắt triệt để nguồn lây bệnh. 

Vì tiêu diệt muỗi chỉ là giải pháp phần ngọn, quan trọng là phải tiêu diệt trứng muỗi, tiêu diệt ổ lăng quăng. Trong vòng đời của 1 con muỗi có thể đẻ được đến 54 lần. Một lần có thể đẻ ra từ 100 đến 200 trứng. Như vậy, từ 1 con muỗi có thể đẻ ra cả nghìn quả trứng muỗi. Do đó nếu chỉ diệt muỗi mà không tìm ra ổ bọ gậy nguồn thì cũng không thể dập tắt được dịch SXH.  

Ngoài ra, hiện nay chưa có vắc xin và biện pháp điều trị hữu hiệu bệnh SXH nên biện pháp phòng ngừa bằng cách tiêu diệt lăng quăng và muỗi là chủ yếu. Các nhà dịch tễ học gọi SXH là vấn đề của thế kỉ 21 vì cứ 10 năm là dịch tăng gấp đôi. Không chỉ ở các nước đang phát triển như Việt Nam mà cả các nước ở châu Âu cũng phải đối mặt với căn bệnh này.

Khi chưa có vắc xin và biện pháp điều trị đặc hiệu thì phòng ngừa lăng quăng và muỗi là chính. Tại các nước ở châu Âu vẫn lây truyền tại chỗ. Trứng vẫn tồn tại 1 năm để chờ thuận lợi phát triển thành muỗi. Nếu công tác phòng dịch SXH mà chỉ trông chờ vào ngành y tế thì gần như là ...thất bại.
H.Nga
.
.
.