Trẻ em dậy thì sớm: mất 20cm chiều cao

Thứ Sáu, 05/06/2020, 18:34
Nếu như nhiều năm trước, trẻ dậy thì sớm tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị chỉ lác đác vài chục ca/năm, thì nay đã lên tới hàng trăm ca/năm. Những em bé 2-3 tuổi, thậm chí là vài tháng tuổi đã dậy thì sớm do hội chứng di truyền gây tiết hormone sinh dục. Dậy thì sớm khiến chiều cao của trẻ nữ khi trưởng thành thấp hơn 12cm và ở trẻ nam thấp hơn 20cm so với bạn bè trang lứa. 



Hốt hoảng khi con dậy thì sớm

Tại Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương vào chiều 4-5, chúng tôi gặp người mẹ trẻ ở Hà Đông, Hà Nội đưa con gái hơn 7 tuổi đến khám. Theo chị, vài tháng trước cháu bỗng nhiên sưng và đau nhức hai bên ngực, nhưng do dịch COVID-19 nên chị không cho con đến bệnh viện. Hiện giờ, ngực cháu phát triển to hơn bình thường, vẫn tiếp tục sưng nhức. 

Nhìn bề ngoài cháu bé cao hơn các bạn cùng trang lứa, cháu 7 tuổi 8 tháng, cao 1,30cm. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, cháu bé có tuổi xương phát triển bằng trẻ 11 tuổi 3 tháng. TS.BS Nguyễn Ngọc Khánh, người trực tiếp thăm khám cho cháu cho biết: Hormone nội tiết của cháu tăng, đây là trường hợp dậy thì sớm.

Khi nghe chẩn đoán của bác sĩ, người mẹ trẻ hốt hoảng bởi con mình đã dậy thì. BS Khánh đã tư vấn cho mẹ cháu bé, nếu cháu điều trị bằng thuốc ức chế dậy thì để đạt được chiều cao như mong muốn là không thể, bởi “thời gian vàng” điều trị đối với bé gái là trước 6 tuổi. Trường hợp của cháu bé đã hơn 7 tuổi nên việc điều trị bây giờ là muộn, vì vậy gia đình phải cân nhắc. Nếu điều trị, mỗi tháng cháu phải tới bệnh viện tiêm 1 lần, 1 mũi thuốc ức chế dậy thì là 3 triệu đồng, nhưng được BHYT chi trả. “Em sẽ về nhà bàn bạc với gia đình cân nhắc xem có điều trị cho con hay không”, mẹ cháu bé buồn bã cho biết.

Không chỉ người mẹ trẻ trên hoảng hốt, bất ngờ hay tin con mình dậy thì sớm, mà tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã gặp rất nhiều ca bệnh trẻ dưới 6 tuổi đã dậy thì. Thậm chí, có gặp trẻ dậy thì sớm sau sinh vài tháng hoặc thường gặp ở 2-3 tuổi do hội chứng di truyền gây tiết hormone sinh dục. 

Hay gặp nữa là trẻ có kinh nguyệt sớm trước 8 tuổi mà không phải dậy thì sớm, các bác sĩ phải loại trừ xem trường hợp như vậy cháu có u buồng trứng, u tử cung hay dị vật không…

TS.BS Nguyễn Ngọc Khánh đang thăm khám và tư vấn cho trường hợp bé gái dậy thì sơm

Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh do không để ý hoặc không nghĩ con mình dậy thì sớm mà đưa con đến viện muộn, có người con đau khớp xương nhiều quá mới tới khám thì đã 8-9 tuổi, đánh mất đi “giai đoạn vàng” điều trị của trẻ.

Kể về trường hợp can thiệp sớm mang lại hiệu quả cao, TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền chia sẻ, cách đây nhiều năm, Khoa có điều trị cho 1 bé gái dưới 6 tuổi nhưng lại có tuổi xương tăng cao hơn với lứa tuổi 3 năm. “Trường hợp dậy thì sớm này chúng tôi giải thích với gia đình và gia đình nhất trí điều trị cho cháu. Sau khi tiêm thuốc ức chế dậy thì liên tục nhiều năm, gia đình rất hài lòng, khi trưởng thành cháu cao gần 1,60m. Đến đứa con thứ 2 cũng dậy thì sớm, gia đình tiếp tục đưa tới đây điều trị, tới nay cháu bé đã điều trị được vài năm và hiệu quả cũng rất tốt”, BS Thảo cho biết.

Hơn 90% bé gái dậy thì sớm không rõ nguyên nhân

Giải thích rõ hơn về dậy thì sớm, TS.BS Bùi Phương Thảo cho biết, nếu như chục năm trước đây chỉ lác đác có vài chục ca vào viện khám và điều trị, thì nay lên tới hàng trăm ca/năm. Năm 2019, tại Bệnh viện Nhi Trung ương có 306 trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên có 107 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh. Hiện tại, bệnh viện đang quản lý hơn 1.000 trẻ dậy thì sớm, trong đó khoảng 500 trẻ đang điều trị thuốc ức chế dậy thì.

Xu hướng trẻ dậy thì sớm ngày càng tăng và tỷ lệ trẻ nữ nhiều hơn nam: 1/20. Ở trẻ nữ, tuổi dậy thì bình thường là 8-13; trẻ nam là 9-14. Nếu sớm hơn có nghĩa là các cháu dậy thì sớm.

BS Thảo cũng cho biết, dậy thì sớm có 2 thể: Dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Trong khi đó, dậy thì sớm ngoại biên có liên quan đến bất thường buồng trứng, u nạng buồng trứng, bệnh lý di truyền gây tiết hormone sinh dục. 

Các bé gái dậy thì sớm trung ương khoảng 90 -95% không có nguyên nhân, còn 5% là do u não và dị tật về não. Còn với bé trai dậy thì sớm 50% là có u não hoặc khối bất thường ở não, dị tật ở não. Do vậy khi vào viện thăm khám, tất cả trẻ trai đều có chỉ định chụp não.

TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương

Đáng ngạc nhiên hơn, theo chuyên gia này, tỷ lệ trẻ được nhận làm con nuôi dậy thì sớm cao hơn. Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến việc dậy thì sớm của trẻ như trẻ càng béo nguy cơ dậy thì sớm trung ương càng cao. Tác động của môi trường cũng làm cho xu hướng dậy thì trẻ hóa. Cũng có thể do trẻ tiếp cận với hình ảnh sex dẫn tới kích thích tuyến yên phát triển, gây dậy thì sớm. Nhiều người cũng đặt cây hỏi, dậy thì sớm có yếu tố di truyền hay không. “Các xét nghiệm liên quan đến yếu tố gen để xem dậy thì sớm có di truyền không thì ở Việt Nam chưa làm được”, BS Thảo cho hay.

Phát hiện sớm, điều trị chiều cao càng thành công

TS.BS Bùi Phương Thảo khuyến cáo, trẻ dậy thì sớm nếu không điều trị chỉ cao được 1,50m. Ví như trẻ 7 tuổi mà dậy thì, đến 10 tuổi đã hết tuổi xương, các cháu dậy thì sớm chiều cao khi trưởng thành so với các bạn khác thấp hơn rất nhiều, như nữ thấp hơn 12cm, còn nam thấp hơn 20cm. 

“Lợi ích cải thiện chiều cao khi trưởng thành đặc biệt rõ nét nếu điều trị trước 6 tuổi. Tiêm thuốc ức chế dậy thì sẽ cải thiện chiều cao từ 6-10cm. Nếu điều trị từ 5 tuổi thì chiều cao trưởng thành sẽ được 1,58m và 1,60m. Còn điều trị muộn (từ 6-8 tuổi), khi đến tuổi trưởng thành cải thiện chiều cao chỉ vài cm, có trẻ chỉ cải thiện được 2cm, thậm chí là không tăng cm nào. Vì vậy, với trẻ trai trên 9 tuổi gia đình phải xem xét cân nhắc có điều trị hay không”, BS Thảo cho biết .

Theo chuyên gia này, thuốc ức chế dậy thì trên thế giới có khoảng 40 năm nay, tại Việt Nam có 2 loại có tác dụng 28 ngày hoặc 3 tháng. Các cháu sẽ tiêm liên tục đến năm 10 tuổi hoặc đến khi tuổi xương 11, 12 tuổi.  Nếu trẻ gái trước 6 tuổi can thiệp điều trị bằng thuốc này có tác dụng rất tốt, nó làm dừng phát triển tuyến vú, nếu có kinh nguyệt dừng kinh nguyệt vài năm.   

Nhiều phụ huynh lo ngại như tiêm thuốc ức chế dậy thì có gây ảnh hưởng đến buồng trứng và gây vô sinh sau này cho các cháu không. BS Thảo khẳng định: Thuốc ức chế dậy thì đã có 40 năm và người ta theo dõi khả năng sinh con của những người tiêm đều giống như người phụ nữ bình thường khác, nghĩa là không gây vô sinh, không ảnh hưởng buồng trứng. Nếu dừng tiêm thuốc từ 2-6 tháng có kinh nguyệt trở lại.

Dấu hiệu dậy thì ở nữ thường xuất hiện các biểu hiện như: Ngực phát triển, có kinh nguyệt, bắt đầu có lông mu, thay đổi tâm lý, còn trẻ nam thường là vỡ tiếng, dương vật phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, mọc lông vùng kín… Cách đây 100 năm, tuổi trung bình có kinh nguyệt ở trẻ nữ là 15-16 tuổi. Tuy nhiên, đến nay, độ tuổi này giảm xuống còn 11-12 tuổi, tức là nhiều bé gái chỉ mới 11 tuổi đã có kinh nguyệt và ngực phát triển, có lông mu như thiếu nữ”, TS.BS Bùi Phương Thảo cho hay. 




Trần Hằng
.
.
.