"Thực phẩm doping" và hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ em

Chủ Nhật, 31/10/2010, 14:00
Dậy thì sớm (DTS) được xem là một trong những "căn bệnh thời đại", theo đó tuổi dậy thì của trẻ em không theo quy luật "nữ thập tam, nam thập lục" như trước đây mà đã rút xuống, đối với bé gái có thể bắt đầu vào tuổi lên 8 và bé nam - 9.
>> Kỹ thuật đi chợ "thực phẩm doping"

Hai dạng dậy thì sớm 

DTS có hai dạng: thật và giả. Thống kê của Bệnh viện nhi TW cho biết có 30% trẻ em Việt Nam bị mắc bệnh DTS thật, số còn lại là DTS giả. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện nhi TW: DTS thật xuất hiện là do có sự kích hoạt của não (do u não, tổn thương não, teo não, động kinh, u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận...) rất dễ dẫn đến tử vong. DTS giả do nhiều nguyên nhân hơn, từ hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh, u nang buồng trứng (bé gái), u tinh hoàn (bé trai) đến thực phẩm, môi trường sống, điều kiện sống… đều có thể là thủ phạm.

Vì vậy đối với DTS thật cần được xác định chính xác nguyên nhân để từ đó áp dụng phác đồ điều trị cho hiệu quả, còn DTS giả có thể chữa khỏi rất đơn giản bằng cách cắt bỏ u tinh hoàn, u buồng trứng… giáo dục lối sống lành mạnh và nhất là áp dụng các biện pháp đảm bảo chế độ dinh dưỡng an toàn cũng như môi trường không bị ô nhiễm cho con cháu chúng ta.

Một khảo nghiệm cho thấy tỷ lệ trẻ em sống ở nông thôn bị bệnh DTS ít hơn nhiều so với các bạn cùng lứa tuổi nhưng sống ở thành thị. Điều này khẳng định chất lượng và môi trường sống tinh thần - vật chất hiện đại với sách báo, TV, chương trình game, phim ảnh "ướt át" là những tác nhân khiến trẻ có nhu cầu tìm hiểu những vấn đề giới tính, từ đó tác động lên hệ thần kinh khiến cơ thể tăng tiết hormone giới tính sớm hơn và một khi lượng melatonin trên não giảm sẽ thúc đẩy quá trình DTS.

Thực phẩm doping kích hoạt dậy thì sớm

Ngoại trừ yếu tố trên, hiện nay thực phẩm doping và môi trường ô nhiễm đều là những nguyên nhân "báo động đỏ" và chúng đang giáng họa xuống đầu con trẻ cho dù chúng sống ở thành thị hay nông thôn bởi căn bệnh DTS. Cách đây vài tháng, dư luận trong và ngoài nước cực kỳ hoang mang về trường hợp DTS của các bé gái Trung Quốc nghi do uống sữa chứa hormone estrogen, đã buộc các chuyên gia phải vào cuộc.

Trong lúc Bộ Y tế Trung Quốc công bố, nước này đã kiểm nghiệm và khẳng định sữa Trung Quốc không phải là nguyên nhân làm cho trẻ DTS, thì PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện nhi TW - cảnh báo: Không nên loại trừ yếu tố này. Vì sữa bột được sản xuất từ sữa bò. Trong trường hợp bò được nuôi tăng trọng thì nguồn sữa không an toàn, nguy hại đến sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ.

GS Dương Diễm Linh, Bệnh viện ĐH Bắc Kinh cho biết: "Các chuyên gia đều cho rằng, trong thức ăn hoặc trong thuốc uống hàm chứa hormone sẽ làm cho trẻ phát triển DTS. Ví như một số thuốc hoặc chất dinh dưỡng có chứa hormone; hay cơ thể động vật nuôi, gia súc, gia cầm tiêm quá nhiều estrogen để tăng nhanh trọng lượng, thu được nhiều thịt, nhiều sữa, rồi đến cá tôm ăn quá nhiều thức ăn chứa hormone. Các thức ăn nhanh cũng sẽ tăng thêm nguy cơ làm cho trẻ DTS, ví dụ như các thực phẩm rán nhiều bằng dầu mỡ sẽ làm cho trẻ béo phì, từ đó làm rối loạn nội bài tiết, gây ra DTS ở trẻ".

Như vậy các chuyên gia đã thống nhất để khẳng định rằng: Thức ăn hoặc thuốc uống hàm chứa hormone sẽ phá hủy sự cân bằng hormone nội sinh (tự sinh ra) và ngoại sinh (từ bên ngoài đưa vào) từ đó làm rối loạn nội bài tiết, gây ra DTS ở trẻ.

Hiện nay, sử dụng hormone tăng trưởng vật nuôi, chất kích thích cây trồng, chất bảo quản trong các ngành nông nghiêp, thủy sản dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước và vì vậy việc trẻ uống sữa, dùng các sản phẩm chế biến từ sữa bò, ăn thịt và rau quả bị nhiễm estrogen… diễn ra như cơm bữa với ba bận trong một ngày.

TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) - đã nhận xét: Hiện chúng ta chưa kiểm soát hết những gì mà người ta đã cho vào thức ăn chăn nuôi. Các gói thuốc tăng trưởng cho lợn không rõ nguồn gốc vẫn được bán. Còn thành phần của thuốc có chứa hormone tăng trưởng hay những hóa chất bị cấm thì chưa thể xác minh được vì đây là thuốc nhập lậu, không được phép sử dụng.

Còn theo thống kê của Ths Phạm Hồng Ngân - Phó Trưởng khoa Thú y, ĐH Nông nghiệp Hà Nội: Nhóm thức ăn tăng trọng có khả năng gây chuyển đổi giới tính là nhóm hormone được sản xuất bởi tuyến sinh dục: Như estrogene, testosterone và progesterone.

Ngoài ra, còn nhiều nhóm thức ăn và chất tăng trọng đang được sử dụng phổ biến như chloramphenicol, clenbuterol và salbutamol, là những chất đã bị Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002. Gần đây xuất hiện thêm một số nhóm chất kích thích tổng hợp nhân tạo- Agoniste- như Diethylstilbestrol (DES), trenbolone và zeranol, salbutamol, cimaterol, ractopamin... Trong đó DES và salbutamol được sử dụng phổ biến nhất. 

Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng quá dư thừa như lòng trứng, trứng cá, thực phẩm bổ não và các thực phẩm tẩm bổ khác dành cho trẻ em đều chứa rất nhiều các chất cholesterol, mơ, hormone estrogen… cũng là nhân tố làm DTS.

Tác hại và cách phòng tránh

Bé gái và bé trai dậy thì sớm do sử dụng thực phẩm "bẩn".

Để tiệt trừ tác hại của thực phẩm bẩn tới trẻ em, ngay từ lúc sơ sinh cho tới tuổi lên 2, nên xem sữa mẹ như là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu bởi loại dinh dưỡng "tự nhiên" trên không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ em mà còn là loại "kháng sinh" vô hại và vô giá do chứa các thành phần miễn dịch, sinh trưởng và enzime trợ tiêu có chức năng tăng cường khả năng miễn dịch, giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, mỡ trong máu cao, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch cho con trẻ…

Dẫn chất phtalat (thường gọi là "chất dẻo", "nhựa", "nilon") thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường. Đường qua da (khi bôi thuốc, mỹ phẩm), đường uống (phtalat trong bao bì chứa thực phẩm bị thôi ra như can đựng nước mắm, rượu trong các can, chai nhựa, bát nhựa, đầu vú cho trẻ ngậm trong bình sữa, đồ chơi làm bằng chất dẻo, liếm son môi).

Trước đó, vào năm 2007, Trung tâm quốc gia về sức khỏe và môi trường Mỹ cũng cho biết: Qua kiểm tra gần 300 nữ khách hàng quen của các hãng mỹ phẩm, thấy trong cơ thể của họ có tới 7 đồng phân của phtalat với mức cao gấp 100 lần mức cho phép. Đối với những người thường xuyên xức nước hoa, sơn móng tay, dùng thuốc bôi láng tóc, lượng phtalat có trong máu cao gấp 70 lần so với người bình thường.

Các sản phẩm trên tuy có khả năng nâng cấp sắc đẹp cho người sử dụng nhưng chúng thực sự khiến phái yếu ngày một "yếu" đi bởi các tác hại như: gây ung thư, đảo lộn quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng không có lợi đến hệ hô hấp, gây xơ cứng mô, xơ cứng động mạch, đầu độc các nơron thần kinh, dẫn đến bệnh Parkinson.

Nghị viện châu Âu không cho phép dùng DBP (dibutylphtalat) và DEHP (diethylhexylphtalat) trong mỹ phẩm, cấm lưu hành các đồ chơi trẻ em làm bằng nhựa dẻo (PVC) hoặc một phần nhựa dẻo PVC có chứa hơn 0,1% một hay nhiều chất phtalat như DINP, DEHP, DNOP, DIDP (tính theo khối lượng) và quy định hàm lượng chất phtalat thôi ra từ bao bì thực phẩm chỉ được dưới 10mg/dm2 diện tích bao bì; tối đa chỉ được 60mg/kg thực phẩm (trong bao bì có dung tích 0,5-10 lít hay dung tích không xác định được).

Trẻ bị DTS có tâm lý sợ hãi, và bất an khi có kinh. Có trẻ bị ám ảnh bởi phim nước ngoài nên tưởng mình bị ung thư. Có trẻ thấy tự nhiên "cỏ" mọc ở vùng kín thì ngại ngùng, xấu hổ, muốn bỏ học. Ngược lại có trẻ lại vô tư, hồn nhiên và rất dễ bị lợi dụng.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Alabama (Hoa Kỳ) đã tiến hành nghiên cứu 330 trẻ gái học lớp 5. Họ nhận thấy trẻ dậy thì sớm dễ có hành vi bạo lực… và nguy hiểm hơn cả là nếu không hướng dẫn cẩn thận, chúng sẽ quan hệ tình dục sớm và có thai ở độ tuổi học đường.

Ngoài ra, theo PGS.TS Hoàn, trẻ DTS thường có thân hình cao hơn so với bạn cùng lứa, nhưng khi trưởng thành lại có hiệu ứng ngược lại - thân hình Ctương đối thấp lùn - do thời điểm tăng và ngừng phát triển chiều cao đến sớm hơn. Còn bé gái dậy thì sớm còn có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng... cao hơn trẻ bình thường; bé trai dậy thì sớm có thể bị vô sinh.

"Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan". Chúng ta, bậc làm cha làm mẹ, chỉ mong muốn con cháu mình mãi mãi trong trắng, ngây thơ và hồn nhiên phát triển hết tiềm năng vốn có trong một môi trường lý tưởng, ở đó không có thực phẩm bẩn, không khí bẩn, môi trường… bẩn. Nhưng trên thực tế, cuộc sống thường diễn ra với bao cung bậc "thăng rồi lại trầm" và để "Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai", chúng ta không còn con đường nào khác là phải bảo vệ chúng với tất cả khả năng có được từ miếng ăn, giấc ngủ… cho tới bước đi ban đầu, tiếng phát âm ban đầu...

Ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế - cho hay: "Việt Nam đã phát hiện mẫu thịt heo, thịt gia cầm chứa hormone, trong đó có hormone làm thay đổi cấu trúc cơ thể vật nuôi, làm tăng lượng nạc, giảm mỡ và sản phẩm thịt có màu đỏ đẹp" và "Kể cả lượng hormone rất nhỏ chủ động đưa vào sữa tác hại cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến nội tiết của cơ thể. Hormone sinh dục như thông tin trên báo chí quốc tế những ngày gần đây trong sản phẩm của Synutra có thể gây kích thích buồng trứng, kích thích dậy thì sớm ở trẻ như thay đổi giọng nói. Nếu chủ động đưa hormone vào sữa đó là phạm tội. Lượng sử dụng bao nhiêu thì gây hại? Không ai định lượng hormone trong thực phẩm vì nó là chất cấm. Trẻ sơ sinh nếu uống thay thế bằng sản phẩm sữa có nhiễm hormone sẽ rất nguy hiểm. Trong chăn nuôi, kiểm soát dư lượng kháng sinh, hormone và một số hóa chất khác rất quan trọng vì nó tồn dư trong sản phẩm như thịt, sữa, gây hại cho người sử dụng, trong khi người dùng cứ tưởng được ăn thịt, sữa là những thứ bổ béo cho sức khỏe".

Ở Việt Nam do nhiều hạn chế, nên việc người tiêu dùng bị nhiễm phtalat là khó tránh khỏi. Để giảm thiểu hiển họa trên, các nhà khoa học khuyến cáo nên cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm chứa phtalat.

Chẳng hạn: không chứa, không chế biến thức ăn nóng (đựng canh, chế phở, chế mì ăn liền, sấy nóng các thức ăn) trong bát nhựa mà thay bằng bát sứ; không ngâm rượu thuốc, chế biến nước mắm dài ngày trong thùng, can, chai nhựa mà thay bằng các loại làm bằng đất nung, thủy tinh.

Nhiệt độ và thời gian tiếp xúc là yếu tố quan trọng để phtalat thôi ra thực phẩm, nên những chú ý này tuy đơn giản nhưng thực hiện đúng sẽ rất có lợi. Ngoài ra, người tiêu dùng nên tập thói quen thay thế dần các sản phẩm chứa phtalat bằng sản phẩm truyền thống như: sành, sứ, mây tre, gốm, thủy tinh…

PGS - TS Nguyễn Thanh Bình
.
.
.