12 người xét nghiệm thủy ngân ở Trung tâm chống độc

Thứ Sáu, 30/08/2019, 15:52
10/12 người đến khám ban đầu tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai là phóng viên, 2 người dân có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi do đứng gần nơi cháy và tham gia chữa cháy tối 28-8 tại Công ty Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông. Thông tin được Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết vào chiều 30-8.

Hai ngày nay, người dân sinh sống ở phường Hạ Đình và khu vực lân cận quanh Công ty Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) đều lo lắng vì nghe nói sau khi bị thiêu rụi toàn bộ kho chứa bóng đèn của Công ty Rạng Đông có nhiều thủy ngân cùng một số hóa chất khác phát tán ra môi trường. 

Đặc biệt, những người trực tiếp tiếp xúc với đám cháy, khói bụi từ cháy đã lo lắng đến Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai khám và kiểm tra

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, đến nay có 10/12 người đến khám ban đầu là phóng viên, 2 người dân đến Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai khám và kiểm tra. 

Những người này chủ động đi khám vì có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi do đứng gần nơi cháy, khói cháy và tham gia cứu cháy.  

Khám trên lâm sàng của các bệnh nhân không có dấu hiệu đặc biệt, sức khỏe ban đầu vẫn ổn định. “Công tác kiểm tra đang được thực hiện, cố gắng trong đêm nay có kết quả xét nghiệm máu”- BS Nguyên cho biết. 

Theo BS Nguyên, chờ có kết quả xét nghiệm máu của 12 bệnh nhân mới có đánh giá và tính toán nguy cơ.Nguy cơ đối với một vụ cháy có thủy ngân khác với vụ cháy thông thường. 

Theo BS Nguyên, ở vụ cháy Công ty Rạng Đông, có rất nhiều nguy cơ: đó là ngộ độc hít phải khói, khí độc. Với lượng thủy ngân từ kho hàng bị cháy, yếu tố nguy cơ hiện nay chúng ta vẫn đang hoàn toàn suy luận, đánh giá theo dõi, chưa có thông tin chính thức từ các đơn vị chuyên môn. 

Thủy ngân nóng trong nhiệt độ cao, cháy bốc hơi đi vào trong không khí có nguy cơ nhiễm độc đối với người hít phải. Tuy nhiên, nguy cơ ngộ độc phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nồng độ thủy ngân cao, nếu cháy nhiều, khói nhiều, vùng đó trong không gian khép kín, tích tụ gió thì nguy cơ càng cao; thời gian tiếp xúc, nếu trong môi trường đó càng dài, càng lâu thì nhiễm độc càng nặng; hoặc người đứng ở ngược hay xuôi chiều gió...

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin về ngộ độc thủy ngân

 "Chúng ta không thể kết luận hay khẳng định những người ngay tại chỗ hay ở xa đều có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Mà hiện mới chỉ tìm cách tính toán nguy cơ. Do vậy, những người có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cao nên đi kiểm tra. Ví dụ như những người trực tiếp tham gia chữa cháy: lính cứu hỏa, công nhân, người dân tham gia giúp chữa cháy hít phải hơi nóng và khói. Hoặc những người có biểu hiện bất thường như: khó chịu, khó thở, ho nhiều, tức ngực, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng, tê chân tay…hoặc có triệu chứng đáng kể, rõ ràng" - BS Nguyên nói.

Nhiều người tham gia chữa cháy cũng như người dân sống xung quanh đều đang rất lo lắng mình bị nhiễm độc thủy ngân. Theo BS Nguyên, nhiễm độc thủy ngân có nhiều dạng, trong trường hợp này là nhiễm độc thủy ngân kim loại bốc hơi, do vậy chỉ trong vài giờ là có triệu chứng. Nếu người dân có biểu hiện ho, tiêu chảy, tức ngực, yếu, mỏi, run, tê chân tay, suy thận…đây là những triệu chứng nhiễm độc cấp. Do vậy phải đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm. 

Xét nghiệm thủy ngân trong máu và trong nước tiểu có kết quả trong vòng 24h. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân cấp không được điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn mãn, nếu để lâu sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh.

Trước thông tin người dân trong vòng bán kính 1km nơi xảy ra cháy đang rất lo lắng, theo BS Nguyên thì người dân không nên quá lo lắng, bởi rau, thực phẩm chủ yếu là các nơi khác cung cấp, nước từ nguồn nước sạch của TP. Còn để biết rõ nguy cơ ngộ độc đến đâu cần phải có kết quả quan trắc, đo trong môi trường và có yếu tố đánh giá khác.

Tối 30-8, theo Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đã có kết quả xét nghiệm thủy ngân máu của 11/12 người đến khám. 11 người có kết quả xét nghiệm bình thường, còn 1 trường hợp là nữ bệnh nhân chưa có kết quả. 

Tuy nhiên, theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên phải lấy đủ nước tiểu để xét nghiệm thêm vì xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm tương đối chuẩn.




Trần Hằng
.
.
.